“Nền kinh tế chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm”
Chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm và vẫn đối diện với nhiều rủi ro là nhận định về nền kinh tế Việt Nam tại Báo cáo kinh kinh tế vĩ mô 2014 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành.
* Toàn văn Báo cáo kinh kinh tế vĩ mô 2014
Với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế, chìa khóa cho tái cơ cấu”, Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG) - tác giả của báo cáo - đã phân tích chuyên sâu về những vấn đề kinh tế vĩ mô cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Sau phần đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013, 6 chương tiếp theo của báo cáo đi sâu phân tích các vấn đề về thể chế. Như cơ chế điều hành tỷ giá, quản trị doanh nghiệp nhà nước, phân cấp phân quyền trong quản lý vốn đầu tư công, hoàn thiện thể chế thị trường cho các hàng hóa công ích, phản ứng đổi mới thể chế từ sức ép hội nhập kinh tế quốc tế.
Đáng chú ý là báo cáo dành dung lượng đáng kể để đánh giá công tác thống kê của Việt Nam. Đây là một trong những điểm nghẽn thể chế ít được đề cập trong các nghiên cứu nhưng lại có vai trò quyết định đến chất lượng và sự hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô, định hướng chiến lược phát triển kinh tế cũng như công tác thẩm tra giám sát.
Ở đánh giá tổng quan về kinh tế 2013, hai tác giả Nguyễn Trí Dũng và Tô Trung Thành đã lưu ý về rủi ro nợ công - vấn đề được coi là tâm điểm của 2014.
Dẫn số liệu của Bộ Tài chính, năm 2013 tổng mức nợ công là 53,5% GDP, dư nợ Chính phủ 41,7% GDP, dư nợ nước ngoài 37,2% GDP, các tác giả nhìn nhận, so với khống chế của Quốc hội khóa 13 nợ công không vượt quá 65% GDP thì vẫn nằm trong ngưỡng.
Tuy nhiên, rủi ro nợ công của Việt Nam nằm ở hai yếu tố, đó là các con số nói trên chưa tính đến nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong khi khu vực này vẫn luôn nhận được ngân sách “mềm” từ Chính phủ và là nguồn tiềm ẩn đối với nợ công.
Thứ hai, tốc độ gia tăng nợ công nhanh trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn phía trước, ngân sách trung hạn thiếu bền vững, tỉ trọng trả nợ vay trong tổng chi ngân sách sắp vượt ngưỡng cho phép đang là nguy cơ rất lớn đến nền kinh tế.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, nợ công 2013 tăng 26,89% so với 2012 trong khi tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,42% và tốc độ thu ngân sách ước tăng 6,4% so với thực hiện 2012, báo cáo nêu rõ.
Nhận định khái quát được nêu tại báo cáo là nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu đi kèm với tái cơ cấu để hướng tới sự tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2013 một lần nữa khẳng định nền kinh tế vẫn chưa có những thay đổi căn bản về nền tảng tăng trưởng. Quá trình tái cơ cấu trong ba lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại chưa có tiến triển đáng kể.
Hai tác giả bản báo cáo cho rằng, nền kinh tế mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhìn từ các cân đối vĩ mô cơ bản nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ bất ổn.
Một trong những nguyên nhân căn bản của tình trạng nói trên là do điều kiện tiền đề cho đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế vẫn chưa được khai thông - đó là đổi mới tư duy phát triển đi cùng với cải cách thể chế một cách quyết liệt.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố báo cáo đánh giá thực trạng kinh tế Việt Nam và nhận được sự chú ý đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế...
VnEconomy sẽ tiếp tục phản ánh các nội dung tiếp theo của báo cáo, liên quan đến những điểm nghẽn quan trọng trong thể chế kinh tế đang cản trở sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường phổ quát và khách quan, làm méo mó thị trường và phân bổ nguồn lực ở Việt Nam.
Nguyên Hà
vneconomy
|