Thứ Tư, 25/06/2014 15:31

Giá tăng quá thấp, người mừng người lo

Nguyên nhân sâu xa của lạm phát những năm qua vì hiệu quả đầu tư thấp chứ không phải nguyên nhân mất cân đối tiền – hàng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2014 chỉ tăng 0,3% so với tháng 5, cả 6 tháng đầu năm CPI mới chỉ tăng 1,38% so với tháng 12/2013. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. “CPI đang lặp lại kịch bản của năm 2001. Với diễn biến CPI thế này thì mừng cho người này, lo cho người khác”, TS.Vũ Đình Ánh – chuyên gia về giá cả nhận xét.

Lạm phát cả năm được dự báo sẽ thấp

Trao đổi nhanh với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, việc chỉ số CPI nhích nhẹ 1,38% trong 6 tháng đầu năm, một phần là nhờ chính sách điều hành mạnh tay từ Chính phủ. Song, ông Phú vẫn tiếp tục quan ngại, con số trên cũng nói đến tổng cầu của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều. “Bình quân một giỏ hàng thanh toán trong siêu thị tại thời điểm tháng 6 đã giảm xuống quanh mức 190.000 đồng, trong khi cách đây một năm là khoảng 270.000 đồng và hàng hóa tiêu thụ chủ yếu vẫn là thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng”, ông Phú cho hay.

Còn ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê nói rằng, với mức giá chỉ tăng 1,38% thì rõ ràng mừng cho người tiêu dùng nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh thì vẫn rất khó khăn, hàng hóa tiêu thụ kém. Một vài chuyên gia khác nhìn nhận: có thể nói nguyên nhân giá tăng thấp cũng vẫn do cầu tiêu dùng yếu.

Những nhận định này được minh họa bằng phản ánh của DN mà VCCI đã đưa ra trong báo cáo động thái DN vừa được công bố tuần trước. Theo báo cáo này, DN cảm nhận tình hình đã khá hơn so với năm 2013, nhưng vẫn ở mức xấu bởi chỉ số động thái DN thực thấy trong 6 tháng đầu năm 2014 vẫn còn ở mức âm (-5 điểm). Báo cáo cũng chỉ ra điểm đáng quan ngại nổi bật trong các chuyển biến không thuận lợi của DN, theo trình tự của mức độ nghiêm trọng giảm dần, là: lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm giảm, nhu cầu thị trường trong nước thấp, giá thành sản xuất thì cao còn giá bán bình quân thì thấp. Và trong 6 tháng đầu năm 2014 các DN vẫn tiếp tục phải thực hiện các biện pháp giảm giá và tăng chiết khấu để thúc đẩy doanh số bán hàng. Cho đến nay, nhiều DN cho biết “có lẽ vẫn tiếp tục biện pháp này”.

Ở góc nhìn khác, theo chuyên gia Bùi Trinh, CPI 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ khá thấp, nhưng tốc độ tăng về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá vẫn tăng khá ấn tượng (5,7%) so với cùng kỳ, như vậy không thể nói là do cầu tiêu dùng yếu được… Theo ông, từ năm 2010 đến nay, tỷ trọng cầu tiêu dùng trong GDP gần như ổn định ở mức 71-72% thì tỷ trọng cầu đầu tư (tích lũy gộp tài sản) giảm gần 10 điểm phần trăm, từ 35,7% năm 2010 xuống còn 26,5% trong năm 2013, điều này làm tỷ trọng tổng cầu trong GDP giảm mạnh. Phải chăng đây là nguyên nhân cơ bản cho việc CPI không tăng mạnh trong 2 năm qua?

Ông nhấn mạnh: “khi tỷ trọng đầu tư/GDP giảm 10% thì không lạm phát”. Theo số liệu thống kê, cầu tiêu dùng không thay đổi nhiều năm nay, nhưng cầu đầu tư giảm 10 điểm % dẫn đến tổng cầu giảm 10 điểm %, như vậy nguyên nhân sâu xa của lạm phát những năm qua vì hiệu quả đầu tư thấp chứ không phải nguyên nhân mất cân đối tiền – hàng.

Bức tranh giá cả, nguyên nhân và những yếu tố tác động và những động thái chính sách cần có của 6 tháng đầu năm đang được bình luận, nhìn nhận với những góc nhìn rất đa chiều. Một lần nữa, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh lạm phát không phải vấn đề nhưng giá lại là vấn đề của năm. Chỉ số giá tăng thấp và được dự báo lạm phát cả năm cũng sẽ rất thấp, là điều kiện hỗ trợ tốt cho việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng quan trọng như điện, xăng dầu... Tuy nhiên, nếu khi những mặt hàng này được điều chỉnh tăng giá cũng sẽ làm cho chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh cao thêm trong khi chiều bán ra chưa thấy rõ rệt khả năng tăng giá bán. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan thì mỗi lần các mặt hàng này tăng giá, là tác động tiếp đến vòng 1 vòng 2 của sản phẩm hàng hóa cuối cùng. Và, trong khi sản xuất kinh doanh khó khăn, thu nhập người lao động ít nhìn thấy khả năng được cải thiện, trong khi nỗi lo nguy cơ thu nhập giảm nhiều hơn, thì phản ứng chung của người tiêu dùng là tiết giảm chi tiêu.

Như vậy, 6 tháng tới đây câu chuyện tiêu thụ sản phẩm và giá bán sản phẩm vẫn tiếp tục là bài toán khó với DN và sức mua yếu tiếp tục là vấn đề của nền kinh tế.

Tri Nhân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Tiền đề thúc đẩy đột phá chiến lược (24/06/2014)

>   Quốc hội yêu cầu bảo đảm an toàn nợ công (24/06/2014)

>   Việt - Nhật tiếp tục đối thoại về phòng ngừa tham nhũng ODA (24/06/2014)

>   Lạm phát 6 tháng thấp nhất trong 13 năm (24/06/2014)

>   Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi tăng trưởng ổn định (23/06/2014)

>   Minh bạch trách nhiệm đầu tư công (23/06/2014)

>   CPI tháng 6 tại Tp.HCM tăng mạnh vì dịch vụ y tế (21/06/2014)

>   GDP Hà Nội tăng chậm lại, TP HCM vẫn tăng tốc (21/06/2014)

>   TS Marc Faber: Việt Nam là nền kinh tế triển vọng nhất 10 năm tới nếu… (21/06/2014)

>   CPI tháng 6 tại Hà Nội tăng trở lại (20/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật