Thứ Sáu, 27/06/2014 08:52

Vay nợ về trả nợ: Nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt...

Việc vay nợ về trả nợ không phải là một vùng cấm nhưng nếu để tình trạng tiêu tiền chùa tái diễn thì nền kinh tế sẽ trả giá đắt.

TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch HĐQT DongA Bank, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chia sẻ với Đất Việt trước thực trạng vay nợ để trả nợ của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Vay về trả nợ chứ không phải để... ăn!

PV: -Thưa ông tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, các vị ĐBQH đã chỉ thẳng tình trạng, vay nợ về để đáo nợ và lo ngại, điều này sẽ khiến vấn đề nợ công ngày càng nặng nề và khó giải quyết. Theo ông, vấn đề đi vay về đề trả nợ có phải là một vấn đề mới không và vì sao?

TS Cao Sĩ Kiêm: - Thực ra việc đi vay về trả nợ thì các nước vẫn làm và trong từng tình huống cụ thể thì mình vẫn phải làm khi khả năng cân đối ngân sách trong nước không đáp ứng được.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là vay về để làm gì? Tức là vay về trả nợ, tạo dựng yếu tố để ổn định phát triển kinh tế, chứ vay về để ăn hay là chi tiêu lãng phí hoặc sử dụng không hiệu quả thì rất nguy hiểm.

Do đó vấn đề này cần phải được kiểm soát rất chặt chẽ và phải được ngăn chặn ngay từ đầu.

Chứ còn nếu chỉ đơn thuần vay về trả nợ hay cân đối ngân sách thì cũng không phải chuyện ngoại lệ. Ngay cả chuyện nợ xấu có thể chúng ta sẽ phải có phương án vay trả nợ xấu nếu ngân sách không có.

Cũng có nước đã áp dụng cách này nếu ngân sách họ có đủ họ sẽ bỏ tiền ra cứu doanh nghiệp, mua lại nợ xấu bởi nếu để từng ngân hàng xử lý thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Nhưng nếu làm cho doanh nghiệp ổn định, tiếp cận vốn ngay để phát triển thì cũng có thể vay nợ để giúp. Đây cũng là một cách.

Do vậy, việc vay nợ về trả nợ không phải là một vùng cấm.

Vay nợ để trả nợ không phải là vùng cấm nhưng sử dụng nguồn vốn vay thế nào cho hiệu quả mới là vấn đề đang được đặt ra

PV: - Nói như vậy đây cũng là một trong những giải pháp đã được nhiều nước áp dụng, song vấn đề là phải được kiểm soát chặt. Thế nhưng thực tế chúng ta vẫn đầu tư công tràn lan lãng phí, công trình vay ODA giá cao và đội vốn gấp đôi đều đã được ghi nhận, nợ của các tập đoàn nhà nước mà Chính phủ bảo lãnh ở mức rất cao… Với tình trạng đó, liệu Việt Nam còn kịp nhìn lại và điều chỉnh việc sử dụng các nguồn vốn vay? Muốn như vậy thì phải làm gì? Tình trạng hiện nay nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến hệ lụy gì thưa ông?

TS Cao Sĩ Kiêm: - Đúng là như thế cho nên chúng ta phải cân đối lại, xây dựng một lộ trình, khắc phục những tồn tại, khai thác hết những tiềm năng thế mạnh. Sau đó xếp thứ tự làm gì, vay cái gì; cái gì cần phải vay thêm thì mới định hình được một cách chủ động mới có kết quả.

Theo thông lệ quốc tế cũng như đất nước ta qua nhiều thời kỳ cũng từng áp dụng cách làm này, nhưng quan trọng nhất là khả năng sử dụng và quản lý các khoản vay để cho có khả năng trả.

Nếu không giải quyết được triệt để, giám sát chặt thì sẽ làm cho gánh nặng nợ của nền kinh tế sẽ lên rất cao và không chỉ có nợ mà thêm cả lãi. Khi đó nền kinh tế sẽ bị kéo xuống và thụt lùi, trì trệ kéo dài và tình hình sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Nuông chiều doanh nghiệp kinh tế sẽ tàn tạ

PV: - Dù Chính phủ nói sẽ thắt chặt chi tiêu nhưng việc xin đầu tư xây dựng cơ bản vẫn đang tiếp tục tiếp diễn. Doanh nghiệp Nhà nước dù cổ phần hóa vẫn muốn xin được Chính phủ bảo lãnh nợ.

Ông bình luận như thế nào về thực trạng này? Nếu tiếp tục nuông chiều những đề xuất không hợp lý, vấn đề nợ công của Việt Nam sẽ còn ở mức như thế nào? Nhìn ra trên thế giới, bài học nào khiến Việt Nam phải xem xét và suy nghĩ?

TS Cao Sĩ Kiêm: - Thực trạng này những năm trước đây thì phổ biến và có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây đang được thắt chặt dần.

Ví dụ đầu tư bằng vốn nhà nước cho các doanh nghiệp quốc doanh là không có nữa. Hay là những cái xóa nợ kiểu như ngân hàng xóa nợ xấu đã chặt hơn trong việc phân loại nợ. Hay xử lý cổ phần hóa có ràng buộc, trách nhiệm về vật chất để những người đừng đầu thấy rõ được vai trò có trách nhiệm với quyết định của mình.

Do vậy sẽ không có tình trạng nuông chiều theo các đề xuất và kể cả các nguồn vốn sẽ phân bổ theo dài hạn, và trong khuôn khổ nhất định phải chịu trách nhiệm cả về mặt vật chất và xã hội.

Bài học từ Mỹ đã làm rất rõ, giao trách nhiệm và quyền hạn rất rõ ràng. Ví dụ với một ngân hàng khi đã được giao vốn tín dung cho vay mà không lấy được nợ thì sẽ phải trừ vào lỗ lãi và cho phá sản ngay. Hoặc những tài sản khi đã thế chấp đến kỳ hạn trả nợ mà không có sẽ bị tịch thu ngay.

Còn nếu nuông chiều doanh nghiệp kiểu như một số nước châu Phi đã thấy rõ sự tiến bộ rất xấu, kinh tế bị tàn tạ rất nhanh.

PV: - Hiện tại ở Việt Nam tồn tại hai thực tế: khai thác tài nguyên thô để bán giá rẻ, vay nợ đầu tư mà không mang lại giá trị thặng dư (dẫn tới tình trạng đi vay để trả nợ vay). Như vậy, phải nhìn nhận về nội lực của nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

TS Cao Sĩ Kiêm: - Chính những tồn tại này đã làm cho nền kinh tế của chúng ta ngày một khó khăn hơn, đặc biệt là hệ số Icor (hệ số đầu tư tăng trưởng) thấp. Đặc biệt là chúng ta không khai thác được ở các thành phần kinh tế quốc doanh, các doanh nghiệp nhà nước được tiếp cận vốn sử dụng vốn nhà nước hiệu quả kinh tế rất thấp và khả năng sinh lời rất hạn chế.

Còn với nền kinh tế khác người ta khắc phục được, không bị những điều này chi phối nên hệ số đầu tư tăng trưởng rất cao. DNTN thu nhập rất cao vì họ có tỷ lệ sinh lời cao, còn các DNNN, DN quản lý lỏng lẻo chi tiêu theo kiểu tiền chùa thì khả năng sinh lời rất thấp.

Do đó nếu vay của nhà nước, do nhà nước đứng ra bảo lãnh thì Bộ Tài chính phải đứng ra giám sát chặt chẽ. Còn với các doanh nghiệp tư nhân vay thì trách nhiệm thuộc về các ngân hàng, kiểm toán.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Ngọc (thực hiện)

Đất Việt

Các tin tức khác

>   “Tính toán GDP cần được minh bạch hơn” (26/06/2014)

>   “Nền kinh tế chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm” (26/06/2014)

>   Nền kinh tế ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro (26/06/2014)

>   Giá tăng quá thấp, người mừng người lo (25/06/2014)

>   Tiền đề thúc đẩy đột phá chiến lược (24/06/2014)

>   Quốc hội yêu cầu bảo đảm an toàn nợ công (24/06/2014)

>   Việt - Nhật tiếp tục đối thoại về phòng ngừa tham nhũng ODA (24/06/2014)

>   Lạm phát 6 tháng thấp nhất trong 13 năm (24/06/2014)

>   Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi tăng trưởng ổn định (23/06/2014)

>   Minh bạch trách nhiệm đầu tư công (23/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật