Điều hành CSTT: Kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô
NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Đồng bộ và linh hoạt
Điểm nhấn đầu tiên khi đánh giá về công tác điều hành của NHNN trong 6 tháng đầu năm là các công cụ CSTT đã được điều hành đồng bộ và linh hoạt. Điều đó được thể hiện qua nhiều phương diện trong điều hành lãi suất, tỷ giá, nghiệp vụ thị trường mở…
Đơn cử, mặc dù NHNN đưa một lượng lớn tiền ra để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục, khoảng 35 tỷ USD, nhưng đồng thời rút bớt tiền về qua phát hành tín phiếu NHNN, đảm bảo kiểm soát lượng cung tiền phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, đến ngày 30/6/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,29% so với cuối năm 2013, phù hợp so với chỉ tiêu định hướng tăng 16 -18% trong năm 2014.
Là lãnh đạo một DN và cũng là Phó chủ tịch thường trực Hội DN tỉnh Thái Bình, ông Đỗ Văn Vẻ cho rằng: “Các giải pháp điều hành của NHNN khá mạnh mẽ và cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế, khiến các DN rất phấn khởi. Lãi suất cho vay giảm đã thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhiều DN hoạt động trở lại. Lãi suất giảm cũng thể hiện sự năng động, quyết liệt của ngành Ngân hàng”.
Một điểm nhấn nữa không thể không nhắc tới: nếu như những năm trước, đôi khi, khả năng thanh khoản vẫn là nỗi lo ở một số TCTD, nhưng thời gian gần đây, thanh khoản VND của toàn hệ thống tiếp tục được đảm bảo, hoạt động của các TCTD và thị trường tiền tệ ổn định, thông suốt. Điều này thể hiện qua số dư tiền gửi của hệ thống các TCTD tại NHNN thường xuyên dư thừa so với dự trữ bắt buộc, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND tiếp tục giảm từ mức 92,5% cuối 2013 xuống 87,4%, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.
Có một “kịch bản” không nằm trong dự báo của NHNN là diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã tác động đến tỷ giá trong một thời điểm. Song, sớm nhận định những biến động đó chủ yếu do tâm lý nên một mặt NHNN tiếp tục đưa ra thông diệp rõ ràng, nhất quán trong điều hành tỷ giá, mặt khác NHNN chủ động chọn đúng thời điểm thích hợp để điều chỉnh tăng tỷ giá 1%.
Đến nay, thị trường ngoại hối và tỷ giá đã ổn định trên mặt bằng giá mới. Tình trạng đôla hóa tiếp tục giảm: đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,4%, giảm so với mức khoảng 12,4% vào cuối năm 2012 - 2013. Cùng với tỷ giá, thị trường vàng không có xáo động lớn về cung – cầu, do đó NHNN không phải tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, góp phần hạn chế việc sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng trên thị trường quốc tế.
TTTD cần cả lượng và chất
Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là tốc độ tăng trưởng tín dụng (TTTD) 6 tháng qua chỉ đạt 3,52% so với cuối năm ngoái. Thực tế là NHNN đã đưa ra hàng loạt chương trình thúc đẩy TTTD như phối hợp với Bộ Xây dựng kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở, đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất cho vay chương trình này xuống còn 5%/năm.
NHNN cũng chỉ đạo các NHTM triển khai thí điểm nhiều chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất như mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuỗi sản xuất liên kết các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo hợp đồng; tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra; chương trình liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng... Nhưng hiệu quả trong thực tiễn chưa được như kỳ vọng do còn vướng mắc về thủ tục hành chính hoặc các khung khổ pháp lý cần thiết chưa hình thành.
TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia thì đưa ra quan điểm: không nên quá tập trung về con số TTTD. Điều quan trọng là tăng số dư cho vay phải đi kèm với chất lượng tín dụng, hạn chế thấp nhất phát sinh nợ xấu. Chúng ta cần tập trung đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo định hướng 6 tháng cuối năm 2014, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các TCTD và nền kinh tế… Tuy nhiên, mục tiêu kiểm soát lạm phát vẫn được NHNN đặt lên hàng đầu. Tuy CPI những tháng qua thấp một cách đáng lo ngại, nhưng vì sao NHNN vẫn luôn cảnh giác với lạm phát?
Còn nhớ, hồi đầu năm nay, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao trọng trách cho ngành Ngân hàng là phải kiểm soát lạm phát. “Lạm phát hay không là do cung tiền” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Lãnh đạo một vụ chức năng cho biết, trước những dự báo lạm phát cả năm nay chỉ khoảng 5% đã có ý kiến cho rằng, NHNN nên hạ tiếp trần lãi suất. Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến này, quan điểm của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm lại cho rằng phải thận trọng, bởi năm nay lạm phát thấp, nhưng sang năm liệu chúng ta có tiếp tục kiểm soát được ở mức này? Ông phân tích thêm: nếu dự báo kiểm soát lạm phát năm nay là 5%, tức thấp hơn mục tiêu đề ra đầu năm là 6,5%, thì TTTD thấp hơn mục tiêu cũng là điều hợp lý.
Đức Nghiêm
thời báo ngân hàng
|