"Soi" cận cảnh tình hình DNNVV giai đoạn 2011-2013
Bức tranh thực trạng của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phác thảo khá rõ nét và đầy đủ trong Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015.
DN rút khỏi thị trường có xu hướng gia tăng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015 được triển khai thực hiện trong bối cảnh rõ ràng là không thuận lợi nhưng lại rất đúng lúc.
Theo số liệu điều tra của cơ quan này, trong giai đoạn 2011-2013 cả nước có thêm 224,2 nghìn DN thành lập mới, bằng 40,9% tổng số DN được thành lập trong giai đoạn 20 năm từ 1991-2010.
Song số lượng DN thành lập mới giảm liên tục, từ 83,6 nghìn DN đăng kí năm 2010 xuống còn 77,5 nghìn DN năm 2011, tiếp đó giảm sâu xuống còn 69,8 nghìn DN năm 2012. Năm 2013 số lượng DN thành lập mới có dấu hiệu tăng trở lại, đạt 76,9 nghìn DN nhưng không bằng số lượng của các năm 2009 và 2010. Trong số DN đăng kí thành lập mới, chủ yếu là DNNVV.
"Trong thời kì khó khăn và môi trường kinh doanh còn nhiều rủi ro, DN đã thận trọng hơn với từng đồng vốn bỏ ra, thể hiện qua việc thu hẹp quy mô vốn để nâng cao hệ số an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh" - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Tuy nhiên quy mô vốn đăng kí bình quân của DN có xu hướng giảm những năm gần đây. Năm 2011 bình quân 1 DN đăng kí thành lập với 6,63 tỉ đồng, nhưng đã giảm xuống 5,13 tỉ đồng (chưa tính tới yếu tố lạm phát).
Mặt khác, DN rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng. Số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2013 là 60,7 nghìn DN, tăng 11,9% so với 2012 và tăng 12,5% so với 2011.
Số DN gặp khó khăn phải rút lui khỏi thị trường ngày càng nhiều cho thấy những thách thức của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn 2011-2013 đã và đang dần loại bỏ khỏi thị trường các DN yếu kém, không đủ sức tồn tại hoặc không kịp thay đổi để thích nghi với điều kiện mới.
Lãi suất giảm, DN vẫn khó hấp thụ được vốn
Mặc dù lãi suất giảm nhưng khả năng hấp thụ vốn của DN thấp. Đặc biệt tín dụng cho các DNNVV tăng trưởng rất chậm, cả năm 2013 chỉ tăng khoảng 0,95% so với cuối năm 2012.
Các DNNVV mặc dù chiếm tới trên 97% số lượng DN nhưng lại rất khó khăn và hạn chế trong tiếp cận tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, chỉ có hơn 1/3 DNNVV (chưa đến 36%) trong số các DN đang hoạt động có tiếp cận vốn ngân hàng. DNNVV vay vốn tại tổ chức tín dụng và dư nợ tín dụng đối với khu vực này liên tục giảm trong những năm gần đây.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: "Trong thời gian vừa qua, DN đã thế chấp hết các tài sản đã có và hiện nay không thể dùng hàng tồn kho làm tài sản thế chấp để đảm bảo cho vay nữa".
Vì vậy trong khi số lượng và dư nợ tín dụng của DNNVV giảm thì tổng giá trị tài sản đảm bảo cho dư nợ tăng liên tục. Năm 2011 là 994 nghìn tỉ đồng, năm 2012 ở mức 1,05 nghìn tỉ đồng. Tại thời điểm 30-9-2013 đạt 1,138 nghìn tỉ đồng.
Thêm vào đó, bảo lãnh vay vốn không phát triển. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại, từ năm 2012 đến tháng 9-2013 không có DNNVV nào được bảo lãnh để vay vốn.
Vì vậy dù lãi suất cho vay hạ, nguồn vốn của ngân hàng có thừa, DN vẫn khó có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay cho đầu tư, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh sức mua của thị trường, tồn kho chưa cải thiện nhiều.
Doanh thu và lợi nhuận giảm
Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, doanh thu và lợi nhuận của DNNVV đang bị thu hẹp, chi phí sản xuất tăng cao khiến DNNVV dù có tăng doanh thu nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm đáng kể.
Nếu như năm 2010, lợi nhuận của DNNVV năm 2010 là 80,59 nghìn tỉ đồng (chiếm 22,87% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DN), thì năm 2012 lợi nhuận trước thuế giảm đáng kể, chỉ còn 22,82 nghìn tỉ đồng (chỉ chiếm 7,26% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DN).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ lo ngại khi tỉ lệ DN rơi vào tình trạng thua lỗ gia tăng đáng kể.
Từ năm 2010, ảnh hưởng của khó khăn kinh tế trong nước đã khiến tỉ lệ DN thua lỗ, chủ yếu là DNNVV tăng đáng kể, từ 25,14% năm 2010 lên 65,8% vào hết tháng 9-2013. Tỉ lệ DN kinh doanh có lãi cũng giảm từ 64,12% năm 2010 xuống còn 34,12% vào hết tháng 9-2013.
"Thua lỗ kéo dài khiến DN rơi vào phá sản, giải thể và tạm dừng hoạt động. Tình trạng này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu cho kết quả sản xuất kinh doanh của DN nói chung trong thời gian tới" - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Lương Bằng
Hải quan
|