Tìm đường đưa gỗ Việt Nam vào thị trường EU
Hội thảo “Cơ hội của doanh nghiệp chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ trong giai đoạn hiện nay” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức mới đây đã mở ra nhiều hướng làm ăn mới cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam. Trong đó, hai nội dung mà doanh nghiệp quan tâm là cơ hội của ngành đồ nội thất gỗ và hướng tiếp cận thị trường châu Âu.
Bằng kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho rằng các nhà đầu tư công trình tại nhiều nước trên thế giới rất ưa thích sử dụng nội thất bằng gỗ cao cấp của Việt Nam. Nhưng doanh nghiệp trong nước có vẻ thờ ơ với cơ hội này, chỉ chú trọng xuất khẩu gỗ thô, ít lợi nhuận. Đồ nội thất gỗ được đầu tư về thiết kế lẫn chất lượng đã mang lại nguồn lợi xuất khẩu lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Hiện nay, các nước xuất khẩu gỗ hàng đầu như Trung Quốc, Ý, Ba Lan không còn giữ được tốc độ phát triển như trước. Ngành gỗ của Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất của chúng ta, không còn được chính phủ khuyến khích phát triển.
Còn đồ gỗ Ý thì không còn được tiêu thụ mạnh ở châu Âu nên quốc gia này đang tìm cơ hội ở khu vực châu Á. Vì vậy, thời điểm này được xem là cơ hội của ngành đồ gỗ Việt Nam để xâm nhập thị trường thế giới, nhất là thị trường châu Âu.
Làm ăn trong ngành đồ gỗ lâu năm, đại diện của Tập đoàn AA (chuyên về nội thất gỗ cao cấp) cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu nội thất gỗ đặc biệt chú ý về giá cả. Nếu đưa ra giá quá cao thì không có tính cạnh tranh, còn đưa ra giá quá thấp thì khó lòng tăng giá về sau.
Trong ngành nội thất gỗ, các nhà đầu tư ở nhiều nước có thói quen làm việc lâu dài và ổn định với một nhà cung cấp được lựa chọn. Vì vậy, yếu tố chất lượng sản phẩm và thời gian vận chuyển cũng cần đảm bảo chặt chẽ.
Cộng đồng châu Âu (EU), một trong những thị trường tiêu thụ nội thất bằng gỗ lớn nhất thế giới, vốn khó tính và đòi hỏi liên tục đổi mới trong thiết kế. Vì vậy, nếu không đầu tư về tính thẩm mỹ, chúng ta rất khó cạnh tranh ở thị trường này.
Một số doanh nghiệp đã từng làm ăn với thị trường EU nói rằng lợi thế cạnh tranh tại thị trường này thường là thiết kế và chất lượng hơn là giá cả. Vì vậy, muốn xâm nhập thị trường, thì những lô hàng nội thất gỗ Việt Nam nên có sự đầu tư kỹ càng về mẫu mã và chất liệu gỗ hơn là cố gắng bán phá giá.
Trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU, các doanh nghiệp gỗ trong nước cần đảm bảo tuân thủ theo các quy định REACH (quy định sử dụng hóa chất), FLEGT (luật bảo vệ rừng, quản trị rừng và buôn bán gỗ) và các chứng nhận truy nguyên sản phẩm.
Đặc biệt, đối với nội thất gỗ, chúng ta cần phải có giấy chứng nhận nhãn mác CE. Đối với các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm gỗ có nguy cơ tuyệt chủng thì phải có giấy chứng nhận CITES – Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Các nhà cung cấp sản phẩm gỗ bền vững nên tập trung vào các nước có chính sách mua các loại gỗ xanh như Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ, Pháp. Thế giới đang có xu hướng hạn chế sử dụng nguồn gỗ tự nhiên, nhằm tránh hiện tượng phá rừng nên chúng ta có thể khai thác nguồn gỗ trồng Acacia, kể cả cho ngoại thất và nội thất.
Ưu điểm lớn là khách hàng nước ngoài rất thích các sản phẩm gỗ này. Gỗ Acacia Việt Nam hiện nay mới chỉ có chứng chỉ Quỹ Rừng Nhiệt đới TFT chứ chưa đạt Hội đồng chứng chỉ Rừng Thế giới FSC. Tại Việt Nam, chỉ một số lâm trường miền Bắc, Quảng Trị và Gia Lai có gỗ đạt chứng nhận TFT.
Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA/FLEGT) nhằm xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU, vẫn chưa kết thúc. Vì thế nên doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn phải có trách nhiệm giải trình theo quy chế 995/2010.
Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho biết doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nếu có giấy phép FLEGT sẽ có những ưu đãi. Nhưng không nhất thiết là doanh nghiệp gỗ nào muốn xuất khẩu gỗ sang EU cũng phải có giấy chứng nhận này.
Nếu không có FLEGT, doanh nghiệp có thể làm những kê khai nguồn gốc gỗ. Hầu hết các doanh nghiệp đang xuất khẩu gỗ vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đều có thể đáp ứng yêu cầu của EU.
Tại EU, các đại lý không còn giữ vai trò đối tác quan trọng như trước đây. Hiện nay, các nhà nhập khẩu tại châu Âu có xu hướng trực tiếp mua hàng nên chúng ta cần tìm hiểu kỹ để có thể đáp ứng được nhu cầu của họ.
Một khó khăn lớn đối với các nhà xuất khẩu khi làm ăn với EU là yêu cầu phải cung cấp sản phẩm “đúng hẹn” (Just In Time). Nhà nhập khẩu luôn yêu cầu phải giao hàng thật nhanh chóng, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải nghiên cứu kỹ thời gian vận chuyển và các thủ tục hải quan ở nước sở tại.
Vì thế nên nếu là công ty nhỏ, chúng ta nên kết hợp với các công ty xuất khẩu khác có khả năng xuất khẩu các lô hàng lớn nhằm tận dụng sự hợp tác về hậu cần, kho bãi trữ hàng, tạo điều kiện giao hàng đúng hẹn để giữ uy tín.
- Ở phía Bắc, nguồn gỗ nguyên liệu là hàng nhập khẩu có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, thuộc nhóm gỗ quý, đặc biệt là từ các nước Đông Nam Á, một số loại gỗ từ châu Phi. Trong khi nguồn gỗ nguyên liệu phía Nam chủ yếu sử dụng gỗ rừng trồng, một số loại gỗ nhân tạo như ván ép hoặc gỗ từ rừng tự nhiên không thuộc nhóm gỗ quý.
Hằng năm, chính phủ vẫn cho khai thác gỗ tự nhiên với lượng khai thác khoảng 150.000 – 200.000m3/năm, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên. Lượng gỗ khai thác từ diện tích rừng chuyển đổi (từ rừng nghèo sang rừng cao su, từ rừng sang công trình cơ sở hạ tầng) cũng không nhỏ. Ngoài ra, nguồn gỗ trong nước còn từ nguồn gỗ đấu thầu từ nguồn gỗ do các cơ quan nhà nước tịch thu của các đối tượng khai thác lưu thông trái phép, ước tính hàng chục ngàn m3 một năm.
- Gần đây, diện tích rừng trồng của Việt Nam liên tục mở rộng với diện tích khoảng 150.000ha/năm. Hằng năm lượng gỗ khai thác từ rừng trồng rất lớn, khoảng 4-5 triệu m3 gỗ quy tròn, gồm các loại gỗ bạch đàn, keo, bồ đề, mỡ, thông… Ước tính, lượng gỗ nguyên liệu sử dụng cho các làng nghề gỗ trên cả nước là hơn 350.000 – 400.000m3/năm, chiếm khoảng 35 – 40% tổng lượng gỗ tiêu thụ tại thị trường nội địa, các cụm công nghiệp chế biến gỗ tại vùng nông thôn sử dụng khoảng 40.000m3 gỗ quy tròn mỗi năm. Còn các hộ gia đình nhỏ lẻ sử dụng lượng gỗ nguyên liệu khoảng 200.000m3/năm.
T.L theo báo cáo Làng nghề gỗ trong bối cảnh thực thi FLEGT và REDD+ tại Việt Nam
|
Xuân Lộc
doanh nhân sài gòn
|