Thứ Hai, 23/06/2014 06:14

Giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài

Dự thảo Luật Ðầu tư sửa đổi đang trình Quốc hội đưa ra một sự thay đổi rất lớn đối với quản lý nhà nước về đầu tư, đó là bãi bỏ phần lớn việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài. Ðiều này được cho là sẽ giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính. Tuy vậy, sự thông thoáng này chưa hẳn đã được các nhà đầu tư chào đón.

Trong bản dự thảo mới nhất vừa được Chính phủ trình Quốc hội vào tuần trước, nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đồng thời góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, dự thảo luật đã bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả dự án đầu tư, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Tuy nhiên, nhà đầu tư có quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện các thủ tục liên quan, nếu có yêu cầu.

Giấy chứng nhận đầu tư là cơ sở để nhà đầu tư triển khai hoạt động của dự án đầu tư và là căn cứ áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và các thủ tục liên quan khác theo quy định của pháp luật đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong buổi trình bày về dự thảo Luật Ðầu tư sửa đổi trước Quốc hội cho rằng, việc bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư theo phương án nêu trên "là bước cải cách đột phá trong quản lý đầu tư tại Việt Nam".

Theo Luật Ðầu tư hiện hành, phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư được quy định khá rộng, trong đó có nhiều dự án chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ thông thường và cũng không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. "Trong bối cảnh pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể về các điều kiện kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh đối với từng ngành nghề thì quy định nêu trên vừa tạo thêm gánh nặng thủ tục hành chính không cần thiết cho nhà đầu tư, vừa dẫn đến trùng lặp trong quản lý nhà nước", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Thực tế thì quy định về cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài cũng được coi là một trong những rào cản đối với việc thu hút các dự án mới, nhất là khi các nhà đầu tư than phiền rằng thời hạn cấp giấy phép quá lâu ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của họ.

Mặc dù kêu ca như vậy, nhưng nếu nói bỏ quy định cấp giấy chứng nhận đầu tư đi thì không phải nhà đầu tư nào cũng cho rằng đây là một ý hay. "Một số nhà đầu tư và doanh nghiệp không coi việc sửa đổi này là tạo thuận lợi cho họ vì giấy chứng nhận đầu tư là cơ sở pháp lý để làm các thủ tục có liên quan đến dự án đầu tư như cấp đất, xây dựng, môi trường", GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chia sẻ.

Hơn nữa, ông Mại cho rằng, trong điều kiện năng lực quản lý nhà nước của nhiều địa phương còn hạn chế trong việc theo dõi, hướng dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án thì việc bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thông thường sẽ không đưa lại hiệu quả cho nhà đầu tư và làm giảm hiệu năng quản lý nhà nước. "Trên thực tế, việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận đầu tư ở nhiều địa phương là khá dễ dàng và không tốn nhiều thời gian, nếu áp dụng rộng rãi đăng ký qua mạng in-tơ-nét thì còn thuận lợi hơn. Do vậy nên cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định loại bỏ giấy này đối với dự án thông thường", Chủ tịch Nguyễn Mại nói.

Ý kiến này của Chủ tịch Nguyễn Mại cũng nhận được sự ủng hộ của Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và tư vấn KPMG tại Việt Nam Nguyễn Công Ái. Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Công Ái, Luật Ðầu tư ban hành năm 2005 đã được quy định khá chặt chẽ và đầy đủ, những vướng mắc gây cản trở cho nhà đầu tư lại nằm ở chính việc thực thi pháp luật tại địa phương. "Quy định có liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đầu tư không có gì là khó khăn, nhưng chính việc thực thi công việc đó và cách xử lý tại địa phương đã khiến các nhà đầu tư nản lòng khi phải chờ đợi giấy phép", Phó Tổng Giám đốc Ái cho biết.

Giấy chứng nhận đầu tư được coi như "bùa hộ mệnh" của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi họ phải làm việc với các cơ quan Nhà nước như hải quan hoặc cơ quan thuế. Ðiều này có thể hiểu được bởi vì giấy chứng nhận đầu tư không chỉ thể hiện cam kết của nhà đầu tư đối với dự án, mà còn là bằng chứng thể hiện cam kết của Chính phủ đối với nhà đầu tư, trong đó bao gồm những ưu đãi về thuế hoặc giá đất.

"Nhà đầu tư sợ rằng khi chính sách thay đổi, những ưu đãi mà họ đang được hưởng có thể không còn nữa, cho nên họ muốn giữ giấy chứng nhận đầu tư như là một bằng chứng", Phó Tổng Giám đốc Ái cho biết thêm và cho rằng giấy chứng nhận đầu tư là sự hỗ trợ rất tốt cho nhà đầu tư, không phải cản trở.

Ngọc Linh

Nhân dân

Các tin tức khác

>   Lọc FDI từ Trung Quốc (23/06/2014)

>   Bán lẻ trực tuyến Việt Nam còn nhiều trở ngại (22/06/2014)

>   Tổng thống Mỹ hy vọng đạt thỏa thuận TPP vào cuối năm (22/06/2014)

>   Vinafood 2 'giãi bày' sau quyết định thanh tra của Chính phủ (22/06/2014)

>   DN cao su Tây Ninh gặp khó do hàng tồn, giá giảm (22/06/2014)

>   Thêm 220 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM (21/06/2014)

>   Việt Nam-Liên minh Hải quan kết thúc vòng 6 đàm phán FTA (21/06/2014)

>   Các dịch vụ đắt khách mùa World Cup (21/06/2014)

>   "Làm chuồng" quản vốn ODA (21/06/2014)

>   Doanh thu báo điện tử tiếp tục tăng trưởng (21/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật