Lọc FDI từ Trung Quốc
Làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ra khỏi Trung Quốc đang tạo ra cơ hội cho nhiều nước, trên thế giới và ở khu vực, trong việc thu hút vốn FDI.
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, xung quanh cơ hội này đối với VN.
Tháng 5 vừa rồi, vốn FDI của Trung Quốc (TQ) đã sụt giảm rất mạnh và điều đó một lần nữa khẳng định cho xu hướng dịch chuyển vốn FDI ra khỏi nước này diễn ra hơn một năm qua, ông lý giải tình trạng này thế nào?
Từ năm 2000 - 2005, lương bình quân của TQ tăng 10%. Từ năm 2005 - 2010 tăng 19% và dự kiến 2010 đến 2015 sẽ tăng thêm 17%. Tiền lương bình quân của người lao động TQ theo đánh giá của Boston Consulting Group (BCG 2011) là 2 USD/giờ, Thái Lan là 1,8 USD trong khi VN chỉ 0,5 USD. Tiền lương tăng mạnh nhưng tăng trưởng kinh tế nước này lại rơi vào đà suy giảm 3 năm nay, rồi nhân dân tệ có xu hướng mạnh lên ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của họ. Đây là những lý do khiến vốn FDI, đặc biệt là FDI thâm dụng lao động rời bỏ nước này.
Nếu nhân công giá rẻ là yếu tố cạnh tranh, theo kết quả mà BCG đưa ra, VN đang có lợi thế trong việc thu hút vốn FDI rời bỏ TQ?
Đúng thế, lương trung bình của VN hiện thấp hơn rất nhiều so với TQ, Thái Lan, chỉ xấp xỉ hoặc cao hơn một chút so với Indonesia (0,38 USD/giờ) và Campuchia (0,35 USD/giờ). Như vậy, trong chừng mực nhất định mình vẫn đang có lợi thế về nguồn lao động giá rẻ.
Ngoài ra, so với các nước khác trong khu vực, môi trường văn hóa - xã hội VN khá tương đồng với TQ, cả cơ cấu kinh tế, môi trường chính sách và chính trị cũng như vậy. Tuy nhiên, chúng ta còn phải phân tích các yếu tố khác về môi trường kinh doanh, mà khi đó chưa hẳn chúng ta đã có lợi thế hơn so với các nước khác.
Dù mức lương hiện tại của VN vẫn rất thấp nhưng trong 3 năm qua, tiền lương bình quân của chúng ta cũng đã tăng trung bình 17 - 18%/năm. Như ông vừa phân tích, đây chính là lý do FDI rời bỏ TQ. Vậy chúng ta phải làm thế nào để không rơi vào "vết xe đổ" này?
Chúng ta cũng gặp thách thức này nhưng giải pháp phải khác. Theo tôi, vấn đề không phải giảm lương mà là tăng năng suất. Đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho thấy, năng suất lao động VN chỉ bằng 1/15 Singapore. Tiền lương tăng 17 - 18%, sau khi điều chỉnh lạm phát thì vẫn cao hơn tăng trưởng năng suất rất nhiều, trong khi tăng trưởng kinh tế 5 - 6% thì phải áp lực lên lạm phát, áp lực lên vĩ mô... Vì vậy, bằng mọi cách phải tăng năng suất lao động.
Quyền sở hữu tài sản phải rõ ràng
FDI Nhật, EU, Mỹ... vào TQ đều giảm mạnh
Theo số liệu do Bộ Thương mại TQ công bố ngày 17.6, vốn FDI vào nước này trong tháng 5 đã sụt giảm tới 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 8,6 tỉ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, FDI vào TQ chỉ tăng được 1,6%, đạt 48,91 tỉ USD. Giảm mạnh nhất là vốn FDI của Nhật Bản, nước đứng thứ 5 về đầu tư FDI vào TQ khi sụt tới 42,2%; FDI từ Liên minh châu Âu và ASEAN giảm lần lượt 22,1% (còn 2,58 tỉ USD), và 22,3% (còn 2,54 tỉ USD). Các nhà đầu tư Mỹ cũng giảm lượng vốn rót vào TQ hơn 9%.
|
Như ông vừa nói, làn sóng FDI dịch chuyển khỏi TQ phần lớn là các công ty thâm dụng lao động, vậy chúng ta phải "lọc" đầu vào thế nào để không trở thành công xưởng ô nhiễm của thế giới?
Đầu tiên là phải cải cách thể chế kinh tế để không chỉ "lọc" dòng vốn FDI đang dịch chuyển từ TQ mà còn đón những nhà đầu tư hạng A trên thế giới đến VN. Tôi cho rằng đây là thời điểm có tính bước ngoặt để thực hiện điều này.
Hiện nay nền kinh tế thế giới đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về cả địa chính trị và kinh tế. Vì vậy, chúng ta phải cải cách, phải thay đổi để các nhà đầu tư nước ngoài khi tới VN thấy không xa lạ khi môi trường của chúng ta cũng áp dụng chung các chuẩn mực của thế giới. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước muốn đi ra thế giới cũng sẽ không bị choáng ngợp trước môi trường thể chế khác.
Cụ thể là thay đổi cái gì thưa ông?
Cải cách thể chế kinh tế nòng cốt nhất là quyền sở hữu tài sản gồm đất đai, các tài sản công và ngân sách. Nếu không có quyền sở hữu tài sản rõ ràng thì sẽ làm tăng chi phí xã hội, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ví dụ, căn nhà anh mua giấy tờ tay, không có sổ hồng nên không thể thế chấp ngân hàng vay vốn trong khi anh có ý tưởng kinh doanh tốt. Điều này hàm ý rằng, thứ nhất, quyền sở hữu đối với đất đai, với từng ô, thửa đất phải rõ ràng. Thứ hai là các tài sản công, chúng ta phải có đầu mối quản lý tài sản công. Cục Quản lý công sản hiện mới chỉ làm nhiệm vụ kiểm đếm công sản thay vì là quản lý đúng nghĩa. Thứ ba là ngân sách. Ngân sách bản chất cũng là tài sản công nên phải được quản lý minh bạch và giám sát chặt chẽ.
Trước mắt những giải pháp có thể làm ngay để cải thiện môi trường đầu tư?
Chúng ta hãy đặt câu hỏi, những nhà đầu tư hạng A, B đó họ cần gì, muốn gì đặt trong điều kiện mình có thể làm được so với các nước lân cận. Vừa rồi, Chính phủ đã làm một việc tích cực là lọc ra các dự án cụ thể cho các nhà đầu tư. Chúng ta chấp nhận "o bế" cho các nhà đầu tư hạng A nhưng đây vẫn là giải pháp cục bộ. Giải pháp dài lâu là cải cách môi trường của VN. Tôi thấy các tỉnh rất năng động. Hằng năm, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) có bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nó tạo ra cuộc cạnh tranh giữa các tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư. Hãy xem các quốc gia là một tỉnh trong quốc gia toàn cầu. Chúng ta phải lắng nghe, phải mời họ về, họ sẽ nói cho ta biết ta phải làm gì và làm như thế nào.
Nguyên Hằng (thực hiện)
Thanh Niên
|