Dệt may Việt Nam: Muốn tự chủ, phải thay đổi
Không phải từ bây giờ khi ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may xuất khẩu đứng trước nguy cơ gặp khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, thì chúng ta mới đặt ra việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, sau hơn hai thập niên phát triển mạnh mẽ với vào top đầu hàng xuất khẩu cả nước thì các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vẫn chưa thể chủ động với nguồn cung cấp trong nước. Trong khi đó thì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường chung của Cộng đồng ASEAN năm 2015, ASEAN+1… đã đến gần.
Cho trứng vào một giỏ
Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp thu dụng 2,5 triệu công nhân và tạo ra kim ngạch xuất khẩu hơn 20 tỉ USD theo số liệu thống kê năm 2013. Tuy vậy, do tính chất một nền công nghiệp gia công tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, ngành dệt may phụ thuộc vào máy móc cũng như nguyên phụ liệu, bông, vải, xơ, sợi nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM thì các doanh nghiệp nội địa, bao gồm cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI chỉ mới cung ứng hơn 30% các loại nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, chủ yếu là phụ liệu và 67% phải nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil…
Trong đó, Trung Quốc chiếm tỷ lệ 26%. Nhưng nếu tính cả những vật tư như hóa chất cơ bản cho dệt, nhuộm hay phụ tùng thay thế thì hằng năm mức tổng nhập chính thức từ nước này là 40%. Do vậy, người ta dễ thấy hàng Trung Quốc có mặt ở hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất của hàng dệt may.
Đó là lý do tại sao, bên cạnh việc đặt hàng gia công khách hàng thường chỉ định nguồn cung ứng hay thậm chí là cung cấp cả nguyên phụ liệu thì doanh nghiệp Việt Nam ít khi chủ động nhận hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm).
Ông Ngô Đức Hòa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dệt May Thắng Lợi cho biết về tình hình này, nếu tự cung cấp đơn vị ông sẽ không thực hiện nổi đơn hàng, mua trong nước thì lượng vải chỉ đạt yêu cầu 20%, còn mua của các nước trong nhóm đang đàm phán Hiệp định TPP thì bị áp lực giá đầu vào cao hơn thị trường.
Không chủ động được nguyên, phụ liệu trong nước, phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đã làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, khiến giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may còn thấp.
Sau nhiều năm phát triển thì tỷ lệ làm hàng gia công của Việt Nam vẫn chiếm 70%, và như thế, doanh nghiệp chỉ nhận được 15% giá trị từ đơn hàng, nếu làm hàng FOB thì cao hơn từ 25 đến 30%. Với các nước chủ động về nguồn nguyên phụ liệu hoặc đã tham gia được vào thị trường ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm) thì tỷ lệ này lên đến 40 – 50%.
Trong khi đó, theo đánh giá của các khách hàng, tay nghề lao động của ngành may xuất khẩu Việt Nam hiện đã hơn hẳn nhiều nước. Trình độ tổ chức sản xuất, đảm nhận những đơn hàng xuất khẩu có độ khó như đồ vest, jacket, đồ thể thao hay thậm chí là hàng thời trang sản xuất với số lượng ít nhưng chất lượng cao… tạo được sự tin cậy của đối tác, nên dù trong những năm suy giảm về kinh tế vừa qua, ngành may xuất khẩu vẫn duy trì được sự phát triển so với nhiều ngành nghề khác. Vì vậy, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hình thành chuỗi cung ứng trong nước trở thành nhu cầu cấp thiết của ngành dệt may hiện nay.
Trước mắt, để tránh sự lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ nước ngoài, nhiều doanh nghiệp cho rằng giải pháp tốt nhất là ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam bớt dần các sản phẩm thuộc phân khúc thấp, áp lực cạnh tranh cao về giá và lệ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu Trung Quốc để chuyển dần vào phân khúc trung cao.
Khi đó, các doanh nghiệp có thể chọn lựa nhiều nguồn cung cấp hơn từ Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… mà không ảnh hưởng nhiều đến giá thành. Có doanh nghiệp đã chủ động đặt chi nhánh tại thị trường Mỹ để nhận được đơn hàng trực tiếp, có doanh nghiệp thuyết phục được khách hàng dùng vải nội địa thay thế cho vải nhập khẩu… hay đã có doanh nghiệp chuẩn bị những bước cần thiết để đặt chân vào thị trường ODM.
Hướng đến TPP
Mục tiêu hiện nay của ngành dệt may Việt Nam là hướng về TPP. Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, kiêm Phó tổng giám đốc thường trực Vinatex, do có đến 60% thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam tập trung vào các nước thuộc khối đàm phán TPP, nên khi tham gia Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi đáng kể về thuế quan. Như thị trường Hoa Kỳ, hàng dệt may Việt Nam hiện chịu thuế suất khoảng 17 – 18%, khi Hiệp định TPP được ký kết thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%.
Với các quy tắc xuất xứ có khuyến khích sử dụng nhiều nguyên liệu nội khối TPP và hàng trong nước, nên trong dài hạn điều này sẽ thúc đẩy Việt Nam đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu, cụ thể là sản xuất sợi, dệt và nhuộm. Và điều quan trọng là dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ.
Dự kiến, ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Khi đó, việc hưởng lợi từ thuế suất mới thực sự phát huy tác dụng.
Mong muốn là như vậy và cũng đã có nhiều nhà đầu tư nhanh chân đến Việt Nam tìm cơ hội đón đầu TPP tạo nên một làn sóng đầu tư từ hơn một năm nay trong lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, gồm Hongkong, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Họ không chỉ đầu tư các dự án mới mà tiếp tục rót vốn để tăng vốn lũy kế các dự án còn hiệu lực, theo Bộ Công thương tính đến ngày 20/5 đã đạt là 7,8 tỉ USD (cuối năm 2012 mới chỉ là 4,58 tỉ USD).
Các doanh nghiệp trong nước như Thắng Lợi, Phong Phú, Dệt May Gia Định, các nhà máy thuộc Vinatex như Nhà máy sợi Hồng Lĩnh, Phú Bài, Dệt Yên Mỹ… cũng đang tích cực đầu tư mới cũng như đổi mới công nghệ và thiết bị nhằm thay đổi tình trạng nghịch lý hiện nay của Việt Nam là xuất sợi thô nhưng nhập vải thành phẩm cũng như yếu kém về mặt hàng phụ liệu như phụ liệu trang trí, các loại nút có xi, mạ…
Có một nút thắt vẫn chưa gỡ được dù nhiều lần các doanh nghiệp đã lên tiếng, thậm chí có doanh nghiệp cho rằng nếu Việt Nam không có chính sách hỗ trợ đầu tư thì ngành công nghiệp dệt may Việt Nam vẫn mãi ở kiếp làm thuê, đó là chúng ta quá yếu trong khâu nhuộm, hoàn tất vải. Đây là công đoạn gây ô nhiễm nặng cho môi trường nên hầu hết các địa phương đã từ chối cho đặt nhà máy khi doanh nghiệp chưa có phương án rạch ròi.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính để doanh nghiệp không mặn mà là chi phí đầu tư, vận hành nhà máy quá lớn. Đầu tư một doanh nghiệp may chỉ vài mươi tỉ đồng, nhà máy dệt có thể lên đến vài trăm tỉ nhưng khâu nhuộm và hoàn tất thì phải đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để xử lý ô nhiễm.
Nếu không có các chính sách miễn giảm tiền thuê đất, thuế, phí hay thu nhập doanh nghiệp thì khó có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm và các cơ quan chức năng cứ phải tiếp tục đi “rình” doanh nghiệp xả nước thải ra môi trường.
Ai cũng biết Trung Quốc mạnh về vải vóc, những họ phải trả giá bằng sự ô nhiễm nặng nề của con sông Dương Tử. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đề nghị nên quy hoạch đầu tư lĩnh vực dệt may tại các khu công nghiệp tập trung và có chính sách khuyến khích cho đầu tư dệt nhuộm.
Các doanh nghiệp có nguồn nước thải ô nhiễm mà không có điều kiện đầu tư thì phải trả phí tương tự như thu phí cầu đường dạng BOT mới có thể đẩy nhanh hơn các dự án phát triển nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm mà hiện vẫn đang bế tắc.
Bởi vì, nếu chuẩn bị không kịp chúng ta sẽ gặp một thách thức lớn khác như ông Lê Tiến Trường đã nêu là, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam làm thế nào tiếp cận thị trường khối các nước đang đàm phán TPP, trong khi nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam lại chủ yếu nhập khẩu từ các nước ngoài khối này. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với việc mở cửa thị trường trong nước cho các nước thành viên TPP vào Việt Nam khi hiệp định được ký kết.
Phải mở cửa nhưng nội tại của ngành chưa thật sự bền vững và sẽ dẫn đến những điểm yếu khác. Ðó là tỷ trọng tích lũy của ngành chưa cao; các doanh nghiệp dệt may chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu về khâu may (là khâu đầu tư thấp, dễ dịch chuyển).
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn tận dụng hiệu quả cao nhất TPP thì phải hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu để đi đến một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế – nguyên, phụ liệu – may – phân phối hình thành trong cộng đồng các thành viên tham gia ký kết Hiệp định TPP.
• Hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã có mặt ở khoảng 50 thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD, trong đó, 16 thị trường đạt trên 100 triệu USD gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Canada, Trung Quốc, Hà Lan và Đài Loan. Bốn tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (16,9%). Dự kiến năm 2014, con số xuất khẩu tiếp tục vượt qua con số 20 tỉ USD.
• Đối với 11 nước trong khối đàm phán Hiệp định TPP, xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2013 đạt 11.684 triệu USD, chiếm 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu dệt may trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường TPP đạt khá cao, như Hoa Kỳ 36%, Canada 25,2%, Nhật Bản 17,4%, Chile 14%, Mexico 9,8%…
Kim Phi
Doanh nhân sài gòn
|