Bộ Giao thông bảo vệ đường BOT để... yên tâm thu phí?
Bộ GTVT đang xúc tiến kiểm soát tải trọng xe trên tất cả các tuyến đường BOT bằng hệ thống trạm cân hiện đại được xây dựng ngay tại trạm thu phí.
Cân xe trước khi đi vào đường BOT
Báo Giao thông đưa tin, Bộ GTVT yêu cầu tất cả các trạm thu phí đường BOT được xây dựng sẽ đồng thời đầu tư lắp đặt hệ thống cân tự động để kiểm soát tải trọng xe. Toàn bộ xe phải qua cân để xác định không chở quá tải mới được qua trạm thu phí để đi vào tuyến đường BOT. Xe quá tải bắt buộc phải hạ tải.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã khẳng định, trước mắt đến đầu năm 2016 thực hiện trên QL1 và QL14. Trong đó, 4 trạm thu phí mẫu gồm 3 trạm trên QL1 và 1 trạm trên QL14 sẽ hoàn thành cuối năm nay, sẽ là các trạm thu phí có hệ thống cân kiểm soát tải trọng xe. Chỉ có xe không quá tải mới được phép đi vào đường BOT.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng yêu cầu nguyên tắc chung được áp dụng thống nhất với tất cả các cân kiểm soát tải trọng xe tại các trạm thu phí BOT sẽ đặt ở cả 2 chiều xe chạy. Mỗi chiều gồm có 1 hệ thống cân gồm sơ cấp là cân động tự động được đặt ngay trên mặt đường quốc lộ và 1 trạm cân thứ cấp là cân tĩnh được xây dựng ở gần đó.
Trên tất cả các trạm thu phí BOT sẽ đầu tư hệ thống cân kiểm soát tải trọng xe.
Cân sẽ lắp trước cabin thu phí. Cân sơ cấp được lắp trên mặt đường của 2 làn xe tải và 2 làn xe thu phí tự động và bán tự động với mục tiêu là cân tối đa ngay trên làn thu phí. Trước khi xe vào trạm thu phí đã phải có đủ thông tin về xe.
Cân sẽ lắp trước cabin thu phí. Cân sơ cấp được lắp trên mặt đường của 2 làn xe tải và 2 làn xe thu phí tự động và bán tự động với mục tiêu là cân tối đa ngay trên làn thu phí. Trước khi xe vào trạm thu phí đã phải có đủ thông tin về xe.
Đường xấu không thu phí
Trước đó, vào ngày 29/5, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu khắc phục tình trạng hư hỏng, nâng cấp QL18 và yêu cầu chỉ được thu phí sau khi sửa xong.
Cụ thể, theo kết quả kiểm tra hiện trường ngày 25/5/2014 của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình, các đơn vị liên quan, dự án cải tạo nâng cấp QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long theo hình thức BOT có một số đoạn bị lún vỡ, hằn vệt bánh xe mặt đường.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Thăng yêu cầu Ban QLDA 2, Công ty Cổ phần BOT Đại Dương (chủ đầu tư) khẩn trương xác định nguyên nhân và sửa chữa, khắc phục triệt để hư hỏng nêu trên để đảm bảo khai thác, ATGT tuyệt đối. Toàn bộ kinh phí nhà đầu tư phải chịu.
Việc tổ chức thu phí dự án chỉ được triển khai sau khi công tác sửa chữa khắc phục đã hoàn thành đảm bảo chất lượng và ATGT.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ trực tiếp kiểm tra hiện trường, xác định nguyên nhân, giúp nhà đầu tư giải pháp kỹ thuật sửa chữa triệt để trong thời gian sớm nhất.
Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định đường xấu không được thu phí cùng với việc Bộ Giao thông vận tải ráo riết bảo vệ đường BOT khiến dư luận nghi vấn Bộ Giao thông bảo vệ đường BOT để... yên tâm thu phí.
Trong khi đó, người tham gia giao thông đang phải đóng rất nhiều loại phí như quỹ bảo trì đường bộ, phí BOT, có nghĩa là người dân đang sử dụng đường xá như một dịch vụ.
Trả lời PV báo Đất Việt, PGS.TS Phạm Xuân Mai - Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Bộ GTVT mới chỉ đang thực hiện một giải pháp là bắt buộc tất cả các loại xe giảm tải trọng theo tải trọng mặt đường để bảo vệ đường, chứ không nghĩ đến chuyện nâng cấp cầu đường lên để bảo vệ mặt đường.
"Bộ GTVT cần làm ngay việc quan trọng hơn là phải rà soát lại toàn bộ các công trình thi công, phải sửa chữa, nâng cấp lại các cầu đường và phạt các đơn vị thi công sai, phải yêu cầu chủ thi công hoàn trả lại con đường có chất lượng như họ đăng ký trong hợp đồng BOT", PGS TS Phạm Xuân Mai nói.
Thu Phương
Đất việt
|