Mâu thuẫn pháp lý, Công ước Cape Town có lợi cho Việt Nam?
Ngày mai (24/6) trong buổi họp cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII, các ĐBQH sẽ quyết định về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town. Một trong những vấn đề quan ngại nhất của các ĐBQH trước giờ bấn nút là những mâu thuẫn pháp lý giữa nội dung Công ước và Pháp luật Việt Nam.
Những điểm bất đồng giữa Công ước Cape Town và pháp luật Việt Nam
Theo Nghị định thư Cape Town (Điều XI) về việc chuyển giao tài sản khi xảy ra sự kiện liên quan đến phá sản, vỡ nợ... chủ nợ có quyền yêu cầu con nợ hoặc người quản lý tài sản chuyển giao quyền quản lý tài sản cho chủ nợ (người nhận bảo đảm); Tổ quản lý tài sản có nghĩa vụ phải chuyển giao quyền quản lý tài sản trong vòng 60 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu của chủ nợ.
Còn với quy định của pháp luật Việt Nam tại Luật phá sản: trong giai đoạn từ khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu phá sản cho đến trước khi thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, quyền quản lý tài sản thuộc về Tổ quản lý tài sản do Tòa án thành lập và không được chuyển giao tài sản cho người khác (Điều 10). Doanh nghiệp đã được Nhà nước áp dụng biện pháp đặc biệt về tài sản để phục hồi hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn không phục hồi được mà phải áp dụng thủ tục thanh lý thì phải hoàn trả lại giá trị tài sản đã được áp dụng biện pháp đặc biệt cho Nhà nước trước khi thực hiện việc phân chia tài sản theo quy định tại Điều 37 Luật phá sản (Điều 36).
Về thẩm quyền xét xử khiếu kiện trong giao dịch dân sự : Điều 42 Công ước Cape Town quy định các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ quy định về việc lựa chọn Toà án xét xử của nguyên đơn (Điều 36)
Liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời Điều 43, Công ước quy định Tòa án (nơi có tài sản) không phải là Tòa án giải quyết vụ việc cũng có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Còn Chương VIII Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam (khoản 1, Điều 99) quy định chỉ có Tòa án đang giải quyết vụ việc có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Không trái với nguyên tắc cơ bản của giao dịch dân sự
Cho ý kiến về những bất cập này, Ủy ban đối ngoại QH cho biết: Mặc dù Công ước và Nghị định thư Cape Town có một số quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội nhưng các quy định này đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu, không trái với các nguyên tắc cơ bản về tự do thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự.
Một số quy định của Công ước và Nghị định thư Cape Town có tác dụng bảo vệ lợi ích của pháp nhân Việt Nam chặt chẽ hơn quy định hiện hành của ta như quy định liên quan đến việc chuyển giao tài sản khi xảy ra sự kiện liên quan đến phá sản. Việc chuyển giao này được thực hiện theo cơ chế đăng ký hợp đồng mua bán có điều kiện với hệ quả là quyền lợi ưu tiên của người mua có điều kiện hoặc người thuê là pháp nhân Việt Nam theo Khoản 4, Điều 29 của Công ước được bảo vệ tốt hơn quy định hiện hành của ta (Nghị định 163 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, điều 461 Bộ luật Dân sự về quyền lợi của người bán có điều kiện).
Cơ chế đăng ký sở hữu, quyền ưu tiên của Công ước cũng minh bạch hơn, quy định cho phép các bên lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp của Công ước cũng đã được thể hiện trong một số Hiệp định tương trợ tư pháp song phương mà Việt Nam đã ký kết như với Nga, U-crai-na; việc giải quyết tranh chấp có thể qua áp dụng trực tiếp Công ước hoặc hướng dẫn xét xử của Tòa án nhân dân tối cao.
Ủy ban Đối ngoại cũng nhất trí chỉ có loại tài sản là trang thiết bị tàu bay mới cần áp dụng các quy định có sự khác biệt với pháp luật trong nước theo yêu cầu của Công ước và Nghị định thư.
Đối tượng áp dụng liên quan đến nội dung Công ước và Nghị định thư không lớn, chỉ trong các giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, cho thuê và mua trang thiết bị tàu bay trả chậm và các thủ tục xử lý khi có vi phạm nghĩa vụ. Do đó, có thể áp dụng quy định tại Điều 50 (Điểm c Khoản 4), Điều 51 (điểm b khoản 4) và Điều 52 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế để tiến hành áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước và Nghị định thư Cape Town đối với những nội dung chưa được quy định.
Ủy ban đối ngoại đề nghị những trường hợp cần thiết, thời gian tới có thể cụ thể hóa các quy định của Công ước và Nghị định thư Cape Town vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước như Luật hàng không, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật tố tụng dân sự...
Tham gia Cape Town, Việt Nam được lợi gì?
Như PLVN đã đưa tin, Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay được ký tại Cape Town, Nam Phi vào thứ 06 ngày 16 tháng 11 năm 2001/. Đến nay có 59 quốc gia và 01 tổ chức quốc tế là thành viên của Công ước và có 53 quốc gia và 01 tổ chức quốc tế là thành viên của Nghị định thư.
Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều ước quốc tế, được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiểu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không.
Tham gia Cape Town các hãng hàng không có trụ sở đăng ký tại Việt Nam được hưởng lợi khi tiến hành mua sắm tàu bay vì có thể được giảm giá trực tiếp từ các hãng sản xuất tàu bay như Boeing, Airbus hoặc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng xuất khẩu (như Ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa Kỳ). Những thuận lợi tiềm tàng nói trên góp phần tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của thị trường vận tải hàng không Việt Nam, có lợi cho người tiêu dùng, giảm chi phí kinh doanh và tạo điều kiện cho hệ thống pháp luật của Việt Nam tiệm cận với pháp luật kinh doanh thương mại quốc tế./.
Nhật Thanh
pháp luật việt nam
|