Lỗ dài dài nếu cứ xuất vải, mít, thanh long... thô
Không chỉ trái vải, nhiều loại trái cây khác như thanh long, mít, xoài...cũng đang rớt giá thê thảm. Có loại giá 1 kg chỉ bằng 1 ly trà đá.
Theo nhiều chuyên gia, việc thiếu đầu tư công nghệ chế biến, chỉ chăm chăm vào xuất tươi là nguyên nhân chính khiến tình trạng trái cây rớt giá trở nên trầm trọng.
Nông dân, doanh nghiệp ngán ngẩm vì thua lỗ do trái cây xuống giá, trong khi đó nhiều đơn vị dù rất muốn chế biến các sản phẩm từ trái cây tươi nhưng ngán ngại do vốn lớn.
Đổ bỏ...
Trồng mít Thái ăn chia với Nông trường Thọ Vực (thị xã Long Khánh, Đồng Nai) nhiều năm nay nhưng anh Văn Thành Toàn đang ngao ngán vì chỉ lấy công làm lời. Nhìn những đống mít thương lái vừa mới gom còn đang rớm mủ, anh Toàn cho biết nhờ mối quen nên họ mới mua chứ nhiều vườn khác bán không được phải để chín luôn trên cây, thậm chí bỏ. Theo anh Toàn, chưa có năm nào giá mít rớt thấp đến mức 1.000-1.500 đồng/kg như năm nay, may mắn lúc trước bán đợt đầu với giá 10.000 đồng/kg nên có lời chút đỉnh. Thê thảm hơn, trồng 1,5ha thanh long với nông trường mới thu vụ đầu nhưng năng suất và giá cùng giảm khiến anh Toàn thua lỗ nặng. “Đầu tư công cán, phân bón... gần 50 triệu đồng, nhưng với giá bán từ 8.000 đồng/kg, hơn 2 tấn thu chưa tới 20 triệu đồng. Nhưng tôi còn may mắn, nhiều người cắt thanh long đúng lúc giá 2.000 đồng/kg” - anh Toàn nói như khóc.
Tương tự, vụ mùa năm nay nhiều nông dân trồng thanh long tại xã Long Trì, huyện Châu Thành, Long An đang khóc ròng vì phải đổ bỏ hàng tấn thanh long do giá bèo, khó bán. Theo anh Trần Quốc Trọng - thành viên tổ hợp tác thanh long xã Long Trì, giá thanh long hai tháng qua vẫn quanh quẩn ở mức 2.000-4.000 đồng/kg, thương lái lại chê nên nhiều nông dân đổ bỏ hàng tấn thanh long ngay tại vườn, vì nếu chở về nhà phải tốn thêm chi phí, đỏ mắt tìm thương lái mà chưa chắc bán được, trong khi nếu không bảo quản lạnh sau 10 ngày thanh long sẽ bị hư. “Đầu tư khoảng 25 triệu đồng/ha/vụ ba tháng với năng suất giảm còn khoảng 5 tấn/ha, với giá bán hiện tại bình quân mỗi nhà vườn tại đây thua lỗ 7 triệu đồng/ha/vụ” - anh Trọng nói.
Theo bà Nguyễn Mỹ Lệ - chủ vựa trái cây Mỹ Lệ (Bầu Cối, Long Khánh, Đồng Nai), năm nay bà thua lỗ cả chục chuyến hàng, mới đây lỗ gần 10 triệu đồng cho chuyến hàng chôm chôm, nhãn đi miền Trung, khi mua vào 8.000 đồng/kg nhưng cách một ngày chở ra bán chỉ 7.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch HĐQT Công ty xuất khẩu trái cây An Phú A.P.P (TP.HCM), thời gian gần đây hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận lâm vào cảnh nợ nần do bị các thương lái Trung Quốc liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp lớn trong nước “đánh” doanh nghiệp làm nhiễu thị trường. “Thương lái Trung Quốc thường đưa ra một giá ảo, thấy giá dễ ăn nên các doanh nghiệp tranh nhau gom hàng nhưng khi xuất đi thì bị trừ đầu trừ đuôi, bớt giá. Do làm ăn không có hợp đồng nên đành chịu, thua lỗ nặng” - ông Thành nói.
Ngại đầu tư chế biến
Ông Huỳnh Thanh Bá - chủ nhiệm HTX xoài Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp) - cho biết mỗi năm Đồng Tháp đưa ra thị trường khoảng 60.000 tấn xoài, nhưng chỉ số ít được dùng cho chế biến. “Xoài cấp đông có thời gian sử dụng đến ba năm và là mặt hàng đang được nhiều nước ưa chuộng. Hiện chỉ riêng Hàn Quốc, chưa kể xoài sấy mỗi năm cần VN cung cấp cả ngàn tấn xoài cấp đông. HTX cũng nghĩ tới việc đầu tư dây chuyền chế biến nhưng với giá mỗi máy cấp đông 5-10 tỉ đồng, máy sấy dẻo vài chục tỉ đồng, chưa tính sân bãi, kho chứa nên chỉ dám ước mơ” - ông Bá nói.
Mạnh dạn hơn, sau ba năm tự mày mò nghiên cứu, anh Trần Quốc Trọng vừa khánh thành nhà máy sản xuất rượu vang thanh long cho năng suất 4.000 lít/năm với kinh phí trên 8 tỉ đồng. Nhưng anh Trọng cho biết chỉ “nhắm mắt” xây dựng nhà máy vì quá xót xa trước cảnh hàng trăm tấn thanh long đổ bỏ khi rớt giá, chứ chưa tìm được thị trường đầu ra nên anh đang rất lo lắng.
Theo TS Võ Mai - phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, ở các nước, trái thanh long được sử dụng chế biến tới hơn 10 loại sản phẩm trong khi VN chỉ xuất tươi. Thái Lan có hàng nghìn sản phẩm chế biến từ trái cây nhưng tại VN chỉ khoảng 11% sản lượng trái cây tươi được sử dụng để chế biến với sản phẩm đơn điệu. “Nhà máy chế biến trái cây VN chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi mỗi năm hàng trăm tấn trái cây các loại phải đổ bỏ là điều không thể chấp nhận. VN cần phải đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu và chuyển giao các thiết bị, phương thức chế biến trái cây” - bà Mai bức xúc.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Ngã - nguyên chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 (Cục Bảo vệ thực vật) - cho rằng để khuyến khích phát triển lĩnh vực này, Nhà nước có thể miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc dùng chế biến rau quả, tiền thuê đất, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Không chỉ đối với trái cây mà còn nhiều nông sản khác cũng cần phát triển chế biến, thay vì đổ xô xuất thô qua Trung Quốc với nhiều rủi ro.
Nguyễn Trí
Nên có kho chứa bảo quản
Ông Phan Huy Thông, giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng việc phát triển công nghệ sau chế biến là điều cần làm, nhưng trước mắt để giảm bớt áp lực trái cây tồn đọng phải xây dựng các nhà máy tại cửa khẩu để khi hàng nông sản ùn ứ có thể bảo quản tại chỗ thay vì đổ bỏ. “Để hạn chế vấn đề tồn dư trái cây khi vào mùavụ, tới đây Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các ban ngành, địa phương thảo luận về đề án trồng cây ăn trái rải vụ để mỗi địa phương cân đối loại cây và thời vụ hợp lý nhằm tránh tình trạng lúc khan hiếm lúc dư thừa” - ông Thông khẳng định.
|
Tuổi trẻ
|