Thứ Tư, 18/06/2014 14:36

Phó Thủ tướng: "Người trồng lúa phải có lãi 30%!”

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, mặc dù giá gạo trên thế giới liên tục giảm và đứng ở mức thấp, song chính sách thu mua tạm trữ thóc gạo đã tác động giữ ổn định mức giá trong nước và có thời điểm đẩy giá trong nước tăng cao hơn mức lợi nhuận 30%.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có tỉnh lợi nhuận trồng lúa chỉ ở mức từ 15-20%.

Tính toán phù hợp thực tế từng địa phương

Thực hiện Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định, hướng dẫn phương pháp điều tra, xác định chi phí sản xuất và tính giá thành sản xuất lúa hàng hóa để UBND tỉnh làm căn cứ điều tra chi phí sản xuất xác định và công bố giá thành sản xuất lúa bình quân dự tính trong toàn tỉnh, thành phố ngay từ đầu vụ đối với từng vụ sản xuất trong năm.

Vụ Đông Xuân 2012-2013 theo báo cáo kết quả điều tra thực tế của một số Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mức lợi nhuận so với giá thành như sau: Sóc Trăng lãi bình quân khoảng 62,36%; Vĩnh Long lãi bình quân khoảng 48,5%; An Giang lãi khoảng 37,7 - 48,49%; Bạc Liêu lãi bình quân khoảng 52,16%; Bến Tre lãi bình quân khoảng 37,64%; Đồng Tháp lãi bình quân khoảng 39,69%.

Căn cứ Nghị định này và để tính toán được giá thành lúa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về phương pháp điều tra khảo sát, xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất của các vụ sản xuất trong năm.

Theo các quy định trên, hằng năm Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp từ báo cáo của UBND tỉnh (chủ yếu là các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long) công bố giá mua thóc định hướng từ đầu vụ.

Theo đó, năm 2014, vụ Đông Xuân 2013-2014, mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch khoảng từ 3.238 - 4.276 đồng/kg; Mức giá thành bình quân sản xuất lúa kế hoạch khoảng 3.769 đồng/kg. Vụ Đông Xuân 2012-2013, mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch khoảng từ 3.134-4.474 đồng/kg; Mức giá thành bình quân sản xuất lúa kế hoạch khoảng 3.616 đồng/kg. Vụ Hè thu 2013, mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch khoảng từ 3.283 – 4.816 đồng/kg; Mức giá thành bình quân sản xuất lúa kế hoạch khoảng 4.142 đồng/kg.

Theo quy định của Pháp lệnh Giá trước đây và nay là Luật Giá, lúa (thóc), gạo thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá khi cần thiết để bình ổn giá và có những biện pháp hỗ trợ về điều hoà cung cầu, bình ổn giá đầu vào, khuyến nông, thuế, phí… góp phần giúp người sản xuất lúa giảm giá thành sản xuất.

Khi giá thóc hàng hóa trên thị trường xuống thấp, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ như Bộ: Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp điều tiết cụ thể để duy trì giá thóc gạo hàng hóa trên thị trường.

Trong các năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định mua tạm trữ thóc, gạo nhằm ổn định thị trường, tránh tình trạng giá thóc, gạo xuống thấp. Theo đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam căn cứ vào giá thóc định hướng, tổ chức việc phân giao cho các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ đủ chất lượng xuất khẩu theo giá thị trường, đảm bảo giá thóc, gạo hàng hóa trên thị trường không thấp hơn giá thóc định hướng và bảo đảm hoạt động xuất khẩu gạo hiệu quả. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp mua thóc gạo tạm trữ.

Có tỉnh mức lợi nhuận lên đến hơn 60%

Theo Cục Quản lý giá, mặc dù giá gạo trên thế giới liên tục giảm và đứng ở mức thấp song chính sách thu mua tạm trữ thóc gạo đã tác động giữ ổn định mức giá trong nước và có thời điểm đẩy giá trong nước tăng cao hơn mức lợi nhuận 30%.

Ví dụ như: Vụ Đông xuân 2012-2013 theo báo cáo kết quả điều tra thực tế của một số Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mức lợi nhuận so với giá thành như sau: Sóc Trăng lãi bình quân khoảng 62,36%; Vĩnh Long lãi bình quân khoảng 48,5%; An Giang lãi khoảng 37,7 - 48,49%; Bạc Liêu lãi bình quân khoảng 52,16%; Bến Tre lãi bình quân khoảng 37,64%; Đồng Tháp lãi bình quân khoảng 39,69%.

“Theo giám sát vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tới trên 42% số địa phương người nông dân sản xuất có lãi dưới 30%, có địa phương chỉ lãi trên 10%, thậm chí có địa phương không có lãi, tức là khoảng gần một nửa số nông dân sản xuất lúa không có lãi ít nhất 30% như chủ trương hết sức tốt đẹp của Chính phủ”,

ĐB Phạm Tất Thắng nói.

Cũng theo phân tích của Cục Quản lý giá, do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp nên giá thành của từng địa phương có sự chênh lệch nhau rất lớn (như vụ Đông Xuân năm 2012-2013 giá thành tỉnh Sóc Trăng 2.864 đồng/kg; tỉnh Bến Tre 3.996 đồng/kg, chênh lệch 1.132 đồng/kg) và nhu cầu xuất khẩu của thị trường thế giới tác động đến giá mua trong nước do vậy khó để có mức lợi nhuận chung giữa các địa phương và các thời điểm thu mua.

Mặt khác, qua thực tế về việc công bố giá mua lúa định hướng ngay từ đầu vụ sản xuất, Bộ Tài chính thấy rằng việc xác định giá thành sản xuất lúa bình quân dự tính cho từng vụ sản xuất của toàn khu vực sản xuất và công bố giá mua lúa định hướng ngay từ đầu vụ không sát thực tế tình hình sản xuất và giá thành của từng tỉnh vì lý do sau:

Giá thành sản xuất lúa của từng địa phương được hình thành khác nhau do bị chi phối bởi các điều kiện tự nhiên, kinh tế kỹ thuật và tập quán canh tác…Vì vậy, mỗi địa phương sẽ có một mức giá thành khác nhau, có sự chênh lệch giữa các địa phương. Do đó việc công bố giá thành sản xuất bình quân cho từng vụ sản xuất của toàn vùng không sát thực tế sản xuất của từng địa phương.

Vì vậy, việc công bố giá mua định hướng theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 171/2010/TTLT-BTC-BNN&PTNT cho toàn vùng căn cứ vào giá thành bình quân sẽ khó khăn cho các tỉnh có giá thành sản xuất cao và người nông dân không đảm bảo được lợi nhuận so với chi phí sản xuất thực tế bỏ ra.

Việc đảm bảo lãi 30% giá sản xuất lúa cho người nông dân cũng là mối quan tâm của Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (tỉnh Vĩnh Long) trong phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Theo đại biểu này, nước ta xuất khẩu gạo đã 25 năm đứng hàng đầu thế giới về sản lượng, song giá trị khá thấp, do chất lượng gạo không cao 25% tấm và giá thành cao do chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, chậm ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Đại biểu đề nghị Chính phủ phải có những giải pháp căn cơ để xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững và đảm bảo để người nông dân trồng lúa có lãi trên 30%.

Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nước ta có 3,8 triệu ha sản xuất lúa nước. Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ người trồng lúa như khuyến nông, giống, miễn thuế sử dụng đất, miễn phí, lệ phí, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ sau thu hoạch... Đặc biệt Chính phủ đã công bố một quyết định người trồng lúa 1 ha một năm được hỗ trợ 500 ngàn, cũng như chính sách tạm trữ 1 triệu tấn lúa.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời điểm hiện nay giá lúa khu vực này là 5.000-5.400 đồng/kg, đảm bảo lãi trên 30%. Năng suất lúa đồng bằng sông Cửu Long là 71,6 tạ/ha, tăng 3,6 tạ/ha và sản lượng năm nay của đồng bằng sông Cửu Long tăng gần 600.000 tấn.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, hiện còn một số nơi do điều kiện tự nhiên không thuận lợi không thể có mức lãi 30%, thậm chí có nơi chỉ lãi từ 15- 20%. Do đó, chủ trương của Chính phủ là tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Theo Phó Thủ tướng, thực hiện đồng bộ chính sách cho người trồng lúa, nhưng nhiều chính sách được ban hành chưa được một số địa phương thực hiện tốt, do đó Chính phủ kiên quyết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để “dứt khoát người trồng lúa phải có lãi 30%”.

Minh Anh

hải quan

Các tin tức khác

>   Dân khóc chặt vàng trắng: Tập đoàn cao su không liên quan? (18/06/2014)

>   Malaysia phê duyệt 2 triệu USD để điều chỉnh giá cao su (17/06/2014)

>   Thị trường cà phê: Đầu cơ cà phê hay đầu cơ thông tin? (17/06/2014)

>   Nông dân Quảng Ngãi gặt lúa... cho bò ăn (17/06/2014)

>   Kim ngạch xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL đạt gần 1 tỷ USD (16/06/2014)

>   Trái cây, rau củ... sang EU, Ấn Độ (16/06/2014)

>   Đã xuất khẩu được hơn 2,6 triệu tấn gạo (15/06/2014)

>   Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Cần thận trọng (15/06/2014)

>   Giá cao su xuất khẩu giảm sâu (14/06/2014)

>   Cà phê tăng giá nhờ sức nóng World Cup 2014 Brazil? (14/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật