Dân khóc chặt vàng trắng: Tập đoàn cao su không liên quan?
Người dân khóc chặt bỏ cây cao su, Phó TGĐ Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) Nguyễn Hồng Phú cho rằng đó là trách nhiệm của Nhà nước.
PV: Những ngày qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhiều tỉnh thuộc miền Đông và miền Trung phản ánh tình trạng người dân chặt bỏ hàng loạt vườn cây cao su mới trồng, đang phát triển lẫn đang kỳ thu hoạch. Ông nhìn nhận tình trạng này thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Phú: Tôi đang đi công tác cả tuần nay chưa về nên chưa cập nhật được.
Cao su được đốn để bán gỗ ở xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông
|
Có thông tin do thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc, giờ Trung Quốc hạn chế nhập khiến giá cao su rớt mạnh, người dân buộc phải chặt bỏ vì thu không đủ bù chi?
Cái này chỉ là một phần. Nếu tính chung toàn Việt Nam thì Trung Quốc chiếm khoảng 50-60% thị trường xuất khẩu, còn của tập đoàn VRG thì chỉ dưới 30% thôi.
Theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020 diện tích cao su của Việt Nam là 800.000ha, nhưng diện tích thực tế đến năm 2012 cả nước đã đạt 915.000 ha. Khi quy hoạch liệu đã lường trước được tình trạng chặt bỏ cây cao su vì giá rớt mạnh như hiện nay?
Cái này có 2 vấn đề. Đối với VRG, Nhà nước quy hoạch đến năm 2020 diện tích cao su sẽ đạt khoảng 500.000ha, đến giờ VRG mới trồng được 300.000ha, tức là vẫn chưa đạt quy hoạch. Còn người dân không thuộc phạm vi quản lý của VRG, họ thấy cây cao su có hiệu quả thì tự động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng cao su nên mới xảy ra hiện tượng đó. VRG là doanh nghiệp nhà nước, đang làm theo kế hoạch của Nhà nước.
Ồ ạt trồng cao su rồi lại ồ ạt chặt, chỉ có người dân là gánh chịu hậu quả bởi họ đã đổ không ít tiền vào cây cao su, đấy lại là tiền đi vay để rồi phải khóc chặt bỏ. Trách nhiệm của VRG tới đâu, thưa ông?
VRG là doanh nghiệp chứ không phải quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước có hệ thống từ TƯ đến tỉnh, huyện, có các Sở nông nghiệp, phòng nông nghiệp, khuyến nông... quản lý các thành phần kinh tế đó.
Hiện tình trạng xuất khẩu sang Trung Quốc của VRG thế nào, thưa ông?
Chúng tôi xuất khẩu chính ngạch, cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng nhưng không nhiều vì Trung Quốc chỉ chiếm 30% thị trường xuất khẩu của VRG mà khách hàng của chúng tôi là khách hàng lớn, có truyền thống, chứ không phải đem ra xuất tiểu ngạch ở biên giới.
Là lãnh đạo của tập đoàn VRG đóng vai trò chủ lực trong chiến lược phát triển cây cao su ở Việt Nam, ông có tư vấn gì giúp bà con nông dân thoát khỏi vòng xoáy luẩn quẩn trồng-chặt?
Tuần tới Bộ Nông nghiệp và VRG sẽ tổ chức một hội nghị ở TP.HCM để nghe ý kiến người dân, từ đó mới có giải pháp trình Chính phủ để xử lý, giúp người dân bình tĩnh.
Minh Triết
đất việt
|