Maersk Line vẫn lạc quan về thị trường Việt Nam
Theo kết quả báo cáo thương mại lần đầu năm 2014 công ty Maersk Line công bố hôm nay, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn giữ ở mức khiêm tốn bên cạnh những thách thức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Mặc dù gặp trở ngại với mức đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, Việt Nam vẫn duy trì được nền kinh tế vĩ mô ổn định, mức tăng lạm phát nằm trong chỉ tiêu đề ra, tỷ giá hối đoái ổn định, và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng dài hạn, Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt những hạn chế và trở ngại về năng lực cạnh tranh toàn cầu của mình.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Maersk Line Vietnam & Cambodia
|
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Maersk Line Vietnam & Cambodia, chia sẻ: “Mức tăng trưởng hàng hóa trong quý I năm nay phản ánh đúng tình hình cán cân thương mại Việt Nam. Hoạt động kinh tế nội địa vẫn còn gặp nhiều khó khăn do quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước và khối ngân hàng diễn ra chậm hơn mong đợi. Tuy vậy, các hoạt động kinh tế chủ lực của Việt Nam bao gồm ngành sản xuất công nghiệp và gia công vẫn đang phát triển vững mạnh”.
Tuy nhiên, cho dù mức thặng dư mậu dịch và lãnh vực sản xuất của Việt Nam đạt tăng trưởng đáng tự hào, thì năng lực cạnh tranh của quốc gia lại đang trên đà suy giảm so với các nước trong khu vực. Chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm tới 25% GDP, cao hơn so với hầu hết các nước khác trong khu vực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quy định nhà nước chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến việc gia tăng chi phí hoạt động và giảm năng suất của các doanh nghiệp. Mặt khác, tuy cán cân thương mại của Việt Nam hiện nay là xuất siêu nhưng hàng hóa xuất khẩu đa phần là những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, đòi hỏi nhiều nhân công lao động tham gia sản xuất thay vì sử dụng kỹ thuật và công nghệ.
Bà Bích nói thêm: “Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi từ nguồn lao động trẻ và có lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tăng hiệu suất lao động để thuyết phục thêm nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam. Và một trong những giải pháp để cải thiện năng suất đó chính là thương mại điện tử”.
Mới đây, Maersk Line đã thực hiện một cuộc khảo sát khách hàng tại Việt Nam, kết quả cho thấy cứ 10 khách hàng được hỏi thì có tới 7 khách hàng trả lời thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của họ. Thực tế, giải pháp điện tử có thể giảm thiểu những khó khăn thách thức mà các doanh nghiệp đang đối đầu trong việc cải thiện năng suất. Các hệ thống và giao dịch tự động là chìa khóa để nâng cao năng suất, tính chính xác, tính minh bạch của dữ liệu và giảm thiểu chi phí.
Bà Bích cho biết: “Giải pháp điện tử giúp tiết kiệm thời gian làm việc, giảm bớt sai sót và giảm thiểu hoặc thậm chí là cắt bỏ được chi phí phát sinh do những sai sót trong chứng từ. Dịch vụ đồng nhất và các quy trình minh bạch rõ ràng từ thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà xuất nhập khẩu. Việt Nam đang nỗ lực cạnh tranh trong nền kinh tế thương mại toàn cầu. Trong đó, việc tăng cường giá trị gia tăng của hàng hóa, tập trung sản xuất “just-in-time”, tốc độ giao dịch cũng như độ tin cậy của dịch vụ sẽ là chìa khóa của thành công”.
Maersk Line đã bắt đầu giới thiệu nhiều dịch vụ trực tuyến tại thị trường Việt Nam từ năm 2002 bao gồm các dịch vụ như: đặt chỗ trực tuyến (e-booking), nộp chứng từ trực tuyến (e-documentation) và nhiều giao dịch trực tuyến khác. Trong đó, 85% khách hàng của Maersk Line Việt Nam đã và đang sử dụng dịch vụ đặt chỗ trực tuyến. Với dịch vụ đặt chỗ trực tuyến, khách hàng sẽ nhận được xác nhận đặt chỗ trong vòng chưa đến 10 phút. Đặt chỗ trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu công tác theo dõi như gọi điện thoại hay gửi thư, nhờ vậy năng suất làm việc được cải thiện.
“Nhìn chung, việc tăng cường ứng dụng các giải pháp điện tử mở ra thêm nhiều cơ hội, bao gồm tăng hiệu quả làm việc và tiết kiệm chi phí, giúp thu hút đầu tư. Đây là thời điểm phấn khởi đối với kinh tế Việt Nam nếu chúng ta duy trì và áp dụng đúng phương pháp để thúc đẩy đặc tính cạnh tranh của quốc gia”, bà Bích kết luận.
nhịp cầu đầu tư
|