Thứ Sáu, 13/06/2014 09:48

Ứng phó ngay, tìm "lối thoát" cho xuất khẩu nông sản!

Tiến sỹ Trần Công Thắng- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (IPSARD)- trao đổi với PV Báo Công Thương về định hướng xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) trong thời gian tới.

Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về công tác giao thương, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian qua?

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam, như gạo, cà phê, chè, cao su thiên nhiên, điều nhân, rau quả (dưa hấu, vải quả…), sắn lát và tinh bột sắn...

Từ sau khi có hiệp định ACFTA, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc lliên tục gia tăng với mức tăng trưởng khoảng 28,8%/năm trong giai đoạn 2004- 2013. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch hàng hóa của Việt Nam, trong đó, nhóm ngành nông lâm thủy sản tỷ trọng này cao gấp đôi, đạt khoảng 20%; tăng mạnh từ 9,7% vào năm 2003 lên tới 21,6% vào năm 2012 và khoảng 20% vào năm 2013.

Những mặt hàng có mức phụ thuộc cao vào thị trường Trung Quốc gồm có sắn và sản phẩm từ sắn (86%), cao su thiên nhiên (khoảng 46%), rau quả (28%), nhân điều (18-19%).

Những mặt hàng có mức độ phụ thuộc tăng cao vào thị trường Trung Quốc gồm có: gạo (tỷ trọng của thị trường Trung Quốcđã tăng vọt từ khoảng 0,08% vào năm 2001 lên 24,4% vào năm 2012 và đặc biệt năm 2013 đã lên tới 30,8%; cà phê (tỷ trọng tăng trong 2 năm trở lại đây, từ mức khoảng 2% của những năm trước đó lên trên 3,5% như hiện nay) và tỷ trọng mặt hàng chè hiện khoảng 8%.

TS. Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng IPSARD

Với những diễn biến phức tạp trên biển Đông, theo ông, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc thời gian tới sẽ có những biến động theo chiều hướng nào?

Theo những thông tin mà chúng tôi mới cập nhật từ các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhìn chung tình hình giao thương nông sản giữa hai nước vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên với tình hình ở biển Đông như hiện nay, không thể không tính tới kịch bản xuất khẩu những mặt hàng nông sản truyền thống sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế thương mại biên mậu những ngày qua cho thấy, thương nhân hai nước đã có tâm lý thận trọng hơn trong các hoạt động giao hàng, thanh toán cũng như đàm phán các hợp đồng lâu dài.

Những bất ổn hiện tại sẽ ảnh hưởng nhiều đến thương mại hai nước. Đây là điều mà cả hai quốc gia đều không mong muốn. Tuy nhiên, nếu bất ổn, đình trệ thương mại giữa hai nước xảy ra thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cả Việt Nam và Trung Quốc. Đối với Việt Nam, hiện bắt đầu bước vào vụ vải, tiếp theo là nhãn. Những bất ổn thương mại (nếu xảy ra) sẽ ảnh hưởng lớn tới người trồng nhãn, vải và cả những thương nhân xuất nhập khẩu.

Vậy để giành thế chủ động cả về trước mắt cũng như lâu dài nhằm duy trì ổn định thị trường xuất khẩu, theo ông chúng ta cần có những giải pháp cụ thể như thế nào?

Trung Quốc là thị trường rất lớn và ngay sát với Việt Nam. Với điều kiện hiện nay, đây là một thuận lợi cho Việt Nam khi thị trường này tương đối “dễ tính”. Nhìn chung, hàng nông sản Việt Nam hiện nay chất lượng còn thấp, không đồng đều, tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và kể cả trong nước theo tiêu chuẩn VietGAP còn rất thấp. Chính vì thế việc xuất sang các thị trường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn.

Bên cạnh thuận lợi đó thì việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường sẽ gây không ít rủi ro và điều này xảy ra với rất nhiều mặt hàng của chúng ta trong thời gian qua khi phía Trung Quốc tạm thời ngừng mua hàng Việt Nam. Do đó, chủ trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại nhằm tiếp cận các thị trường khác là điều cần thiết; đồng thời tìm kiếm những bạn hàng mới cho việc nhập khẩu các vật tư nguyên liệu đầu vào.

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cũng đã đặt ra mục tiêu: “…nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng”. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các Bộ, ban ngành cũng như sự quyết tâm và năng động của chính người sản xuất và các doanh nghiệp ngành nông lâm thủy sản trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các chuỗi giá trị bền vững và xuyên quốc gia cho hàng nông sản Việt Nam. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, đồng thời tăng sự chủ động cho Việt Nam trên thị trường quốc tế, giảm dần xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trước mắt, theo quan điểm của cá nhân tôi, để có thể chủ động hơn khi bất ổn thương mại Việt Nam- Trung Quốc xảy ra, một mặt chúng ta cần nghiên cứu nhanh về dự báo xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, đồng thời xây dựng các kịch bản và phương án ứng phó về mặt sản xuất (ví dụ điều tiết lại lượng cung, chất lượng) và tiếp cận ngay những thị trường để chuyển hướng xuất khẩu cho Việt Nam. Mặt khác, cần khuyến khích, cảnh bảo các doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp định hướng đa dạng hóa thị trường cả trong xuất nhập khẩu…

Xin cám ơn ông!

Tiến Dũng

công thương

Các tin tức khác

>   Hàng tắc nghẽn tại cảng (13/06/2014)

>   Nhà thầu Trung Quốc “sáu không” (13/06/2014)

>   Điều chỉnh giá bán điện tối đa trong khung 1.835 đồng/kWh (13/06/2014)

>   Nhiều khó khăn thách thức cho doanh nghiệp thủy sản (13/06/2014)

>   Giảm dần phụ thuộc nguyên liệu dệt - may (12/06/2014)

>   Hàng xuất khẩu Việt Nam phù hợp thị trường Trung Đông, châu Phi (12/06/2014)

>   Ngành chế biến gỗ của VN được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm (12/06/2014)

>   Maersk khuyên DN áp dụng công nghệ điện tử (12/06/2014)

>   Hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Indonesia (12/06/2014)

>   Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường trong FTA (12/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật