Hàng tắc nghẽn tại cảng
Hàng trăm ngàn tấn hàng đang bị ùn ứ, xếp chất chồng tại các cảng ở Hải Phòng, trong đó nhiều cảng rơi vào tình trạng “vỡ bến” vì tàu vào mà không có chỗ bốc hàng lên.
Nhiều doanh nghiệp cho biết đành phải để hàng “đắp chiếu” ở cảng hàng tháng vì gặp khó với quy định kiểm soát tải trọng ngay từ cảng biển, trong khi nhiều doanh nghiệp vận tải chạy xe cầm chừng, nâng giá cước...
Để chở được một cuộn tôn từ cảng ra, chủ hàng phải qua nhiều công đoạn kiểm soát tải trọng khiến hàng đi chậm hơn
|
Cảng nào cũng quá tải
Ngày 12-6, tại cảng Hoàng Diệu - cảng lớn nhất của Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng, không khí đìu hiu, ảm đạm, các tàu hàng nằm im lìm vì không có xe vào bốc hàng. Những khối sắt được xếp thành từng đống cao hơn 1m, các cuộn tôn nằm rải kín sân cảng. Các kho trong cảng đều đã khóa cửa không nhận thêm hàng vì hết chỗ. Trước cửa kho 3, hàng trăm bồn nước xếp ra tận ngoài khu vực sát đường tàu. Các nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu tại cảng Hoàng Diệu cho biết trước đây hàng sắt, tôn cuộn chỉ xếp ở khu vực cầu cảng 6-8, nhưng nay hàng nằm dọc từ cầu cảng 2 đến cầu cảng 10.
Tại cảng Chùa Vẽ, hàng ngàn container hàng được xếp chồng chất lên nhau thành ba, bốn tầng. Không khí ảm đạm, cả buổi sáng chỉ có vài container hàng được làm thủ tục xuất kho. Tại Xí nghiệp xếp dỡ Tân Cảng ở Đình Vũ, bình thường sức chứa tối đa chỉ khoảng 8.000-9.000 TEU, nhưng từ đầu tháng 5 đến nay lượng container tăng lên khoảng 12.000 TEU. Vì không còn chỗ chứa hàng nên cảng Đình Vũ đã phải xếp container hàng lên thành bốn tầng ra cả các khu bãi đang xây dựng dở.
Các doanh nghiệp đang làm thủ tục xuất hàng tại cảng cho biết từ hơn một tháng nay, quy trình làm hàng của các doanh nghiệp bị chậm lại rõ rệt do cảng Hải Phòng bắt đầu áp dụng quy định kiểm soát tải trọng xe ngay tại cảng. Theo đó, mỗi xe vào phải trình giấy tờ tại cổng bảo vệ để ghi phiếu tải trọng được phép chở. Nhân viên phụ trách kho tiếp tục kiểm tra tải trọng ghi trên hàng, cho công nhân bốc xếp cân lại hàng theo đúng tải trọng ghi trên phiếu tải trọng rồi mới cho hàng đi.
Ông Hoàng Đình Hải, trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH thép 270 (trụ sở tại Hải Phòng), cho biết công ty ông có hơn 300 cuộn tôn nằm tại cảng Hoàng Diệu từ giữa tháng 5. Dù đã thuê doanh nghiệp vận tải chuyển hàng cả ngày lẫn đêm nhưng đến nay mới giải phóng được gần một nửa số hàng. “Riêng sáng nay có năm xe đến phải về không vì xe có tải trọng 27 tấn nhưng cuộn tôn là 28 tấn. Nhiều xe đến cũng không chịu chở vì một cuộn thì thiếu tải trọng, hai cuộn thì thừa mà hàng này không xẻ bớt ra được. Kho hàng thì phải ghi nhiều phiếu, xe nâng làm từng cuộn hàng cho từng xe một nên phải chờ đợi lâu” - ông Hải cho biết.
Cảng và doanh nghiệp đều gặp khó
Một lãnh đạo cảng Hải Phòng cho biết chỉ tính riêng cảng Hoàng Diệu, tổng các loại hàng hóa đang ùn ứ ở đây khoảng 120.000 tấn, hàng container tại các cảng Chùa Vẽ, Tân Cảng khoảng 22.000 TEU, các cảng tư nhân dọc sông Cấm như Vật Cách, Nam Linh... cũng đang ùn ứ hàng trăm ngàn tấn nông sản. “Cả phía cảng và doanh nghiệp đều gặp khó với quy định kiểm soát tải trọng xe ngay tại cảng” - vị này nói.
Cụ thể, cảng Hải Phòng chỉ là doanh nghiệp dịch vụ bốc xếp nên nhiều xe và chủ hàng không chấp nhận cho cảng kiểm soát giấy tờ, kỹ thuật xe. Để kiểm soát được tải trọng tại cảng phải qua rất nhiều khâu, mất nhiều thời gian. Các loại hàng container thường được vận chuyển theo điều kiện có niêm phong kẹp chì của chủ hàng, kể cả khi biết trước trọng lượng của container thì cảng cũng không được phép cắt cặp chì để hạ tải nên đành để hàng nằm đấy” - vị lãnh đạo này nói.
Ông Nguyễn Hữu Kha, giám đốc Công ty TNHH ống thép Hữu Kha, cho biết đối với các loại mặt hàng thiết bị cồng kềnh, nguyên chiếc, tôn cuộn nặng, gỗ cây, đá tảng nguyên khối (đá nguyên liệu xuất khẩu)... không thể san tải được. “Đi đường sắt hoặc đường sông không phải dễ vì ga đường sắt và các cảng sông trong nội địa không phải điểm đến cuối cùng, mà phải bốc xếp chuyển tiếp để đi đến nơi nhận cuối cùng. Như vậy số lần bốc xếp tăng thêm chi phí lớn, song vẫn phải xếp lên ôtô để đi tiếp. Nhiều doanh nghiệp vận tải tăng cước phí lên gấp đôi, gấp ba trong khi giá hàng hóa không tăng, nếu cố chạy thì sẽ lỗ nên đành phải để hàng nằm chờ xem sao” - ông Kha nói.
Ông Dương Anh Điền, chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết đã tổ chức họp với các ngành liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ hàng tồn đọng gây ách tắc tại các cảng. Trước mắt, UBND TP Hải Phòng yêu cầu các cảng, ga Hải Phòng và các công ty vận tải đường sông tăng cường năng lực bốc xếp, có kế hoạch tăng ca, huy động phương tiện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng. UBND TP Hải Phòng yêu cầu ngành giao thông vận động các đơn vị vận tải hoạt động bình thường đáp ứng nhu cầu chuyển hàng của các doanh nghiệp để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại cảng.
Hai bên đều thiệt
Theo lãnh đạo cảng Hải Phòng, do hàng ùn ứ nhiều ngày, các hoạt động tại cảng đều bị đình trệ, cảng chỉ có thể thu tiền lưu kho nên cảng chịu thiệt hại bởi giá kho từ trước đến nay chỉ tính theo kiểu hỗ trợ chứ không phải kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng thiệt hại vì hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, chịu chi phí lưu kho nhiều ngày, hàng hóa không thể xuất kho. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường vận tải có dấu hiệu bị thiếu phương tiện cục bộ hoặc hoạt động chưa hết công suất. Một số mặt hàng giữa chủ xe và chủ hàng chưa kịp thỏa thuận, điều chỉnh cước vận tải, do vậy việc thực hiện hợp đồng vận chuyển bị chậm trễ.
|
Thân Hoàng
tuổi trẻ
|