Thứ Năm, 12/06/2014 23:02

Giảm dần phụ thuộc nguyên liệu dệt - may

Nhiều năm nay, ngành may mặc Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng phụ thuộc phần lớn nguồn cung ứng nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Hằng năm phải nhập hơn 50% lượng vải phục vụ cho may mặc xuất khẩu. Việc giảm phụ thuộc này không dễ thực hiện ngay, nhưng về lâu dài cần phải được tính toán cụ thể...

Dây chuyền may xuất khẩu tại Công ty SAYDO.

Theo Hiệp hội Dệt - may Việt Nam (VITAS), năm 2013, ngành may Việt Nam đã vượt nhiều khó khăn, hoàn thành kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD (tính cả xuất khẩu sợi). Để đạt được kết quả trên, ngành may cả nước phải sử dụng 7,4 tỷ m 2 vải, trong đó nhập khẩu đến sáu tỷ m 2 vải. Cùng với đó, các phụ liệu như nút áo, chỉ, cồn... cũng được nhập khẩu hơn 90%.

Cũng theo VITAS, nếu không có biến động lớn, quy mô ngành dệt - may Việt Nam sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2025, đạt doanh thu khoảng 46 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD. Để đạt được kim ngạch này, toàn ngành cần có 12 triệu cọc sợi, 12 tỷ m 2 vải và năm triệu lao động. Trong khi đó, năm 2013, toàn ngành mới có 6,1 triệu cọc sợi, sản xuất 720 nghìn tấn sợi xơ ngắn, 150 nghìn tấn sợi xơ dài và 1,4 tỷ m 2 vải. Ở những thị trường nhập khẩu dệt - may lớn như Mỹ, EU, hiện Việt Nam đứng thứ hai (sau Trung Quốc). Dù có mức tăng trưởng cao, nhưng dệt - may Việt Nam chỉ mới cung ứng được 2,5% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dệt - may thế giới. Khó khăn lớn nhất với ngành dệt - may nước ta là làm sao giảm dần phụ thuộc nguyên liệu từ nước ngoài.

Theo các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý dệt - may, ngành dệt - may trong nước chỉ mới sản xuất được 1,4 tỷ m 2 vải là do các nhà sản xuất trong nước không đủ vốn, kỹ năng quản lý kỹ thuật yếu, dẫn đến giá thành sản xuất vải cao, mẫu mã đơn điệu, chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Một dự án sản xuất sợi, dệt, nhuộm có chi phí đầu tư rất cao. Một dây chuyền sản xuất sợi có mức đầu tư gấp hàng chục lần so với dây chuyền may. Một nhà máy kéo sợi có khoảng 2.000 cọc sợi, có giá đầu tư gần hai triệu USD. Chưa kể các công đoạn sau kéo sợi như dệt, nhuộm đòi hỏi đầu tư tiếp hàng chục triệu USD cho hệ thống xử lý nước thải, xử lý khí thải cho nên các nhà đầu tư nước ngoài vốn mạnh về tài chính thường có lợi thế hơn các doanh nghiệp trong nước.

Còn xây dựng một nhà máy may với 1.000 lao động, chi phí đầu tư khoảng 80 tỷ đồng, các doanh nghiệp trong nước ít vốn cho nên chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực này, thu lợi nhuận ngay. Trong khi đó, chính quyền các tỉnh, thành phố thường ngần ngại khi cấp giấy phép cho các dự án nhuộm vì còn e ngại các vấn đề môi trường.

Cũng theo các chuyên gia, để có thể chủ động nguồn nguyên liệu, Việt Nam cần tạo cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực nhuộm. Hiện nay, không ít nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến các dự án dệt nhuộm tại Việt Nam, vì sẽ có lợi khi Việt Nam tham gia TPP và Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu.

Cùng với đó, Việt Nam cần có khu công nghiệp quy hoạch chuyên ngành dệt nhuộm, có phương án kỹ thuật và quản lý tốt các vấn đề ô nhiễm môi trường. Một khu công nghiệp sản xuất một tỷ m 2 vải mỗi năm, mỗi ngày sẽ thải ra khoảng 100 nghìn m 3 nước thải, nếu không quản lý tốt sẽ gây tác hại lớn tới môi trường. Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cần sớm có chính sách ưu đãi về vốn vay, thuế và giá thuê đất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu dệt - may và cũng để đón đầu Hiệp định TPP. Bên cạnh đó, cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng từ các cửa khẩu.

Đối với doanh nghiệp, cần cơ cấu lại đối tượng và phân khúc khách hàng, thuyết phục các nhà nhập khẩu nước ngoài ưu tiên sử dụng nguyên phụ liệu trong nước hoặc từ các nước trong TPP. Doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giảm chi phí nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Về lâu dài, để chủ động nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp nên mạnh dạn sản xuất theo phương thức ODM (từ thiết kế, sản xuất và bán thành phẩm cho khách hàng). Quan trọng hơn, Nhà nước, các bộ, ngành chức năng, người tiêu dùng Việt Nam cần đồng tâm và có hành động thiết thực, cụ thể nhằm ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn.

Băng Châu

Nhân dân

Các tin tức khác

>   Hàng xuất khẩu Việt Nam phù hợp thị trường Trung Đông, châu Phi (12/06/2014)

>   Ngành chế biến gỗ của VN được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm (12/06/2014)

>   Maersk khuyên DN áp dụng công nghệ điện tử (12/06/2014)

>   Hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Indonesia (12/06/2014)

>   Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường trong FTA (12/06/2014)

>   Công bố lỗ, nhưng Coca-Cola vẫn mở rộng đầu tư (12/06/2014)

>   Mỹ đánh giá cao biện pháp bảo vệ doanh nghiệp của Việt Nam (12/06/2014)

>   Kiến nghị Bộ Ngoại giao can thiệp để công ty nước ngoài trả nợ cho dân (12/06/2014)

>   Dự án lọc dầu 27 tỷ USD cần thêm thời gian nghiên cứu (12/06/2014)

>   Nỗ lực sống còn trước doanh nghiệp ngoại (12/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật