Thứ Sáu, 13/06/2014 06:32

Nhiều khó khăn thách thức cho doanh nghiệp thủy sản

Ngày 12-6-2014, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Đại hội bất thường toàn thể hội viên 2014 nhằm báo cáo về tình hình hoạt động và phương hướng hoạt động trong năm 2014-2015, thảo luận và biểu quyết thông qua nội dung điều lệ sửa đổi.

Quang cảnh Đại hội bất thường toàn thể hội viên VASEP 2014. Ảnh: DQ.

Theo báo cáo của VASEP, XK thủy sản 5 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà tăng trưởng, với kim ngạch ước đạt 2,8 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kì năm 2013. Trong đó, XK tôm tăng mạnh nhất là 149% so với cùng kì ,đạt kim ngạch 829 triệu USD; XK cá tra giảm khoảng 7,6% so cùng kì, đạt 655 triệu USD; XK cá ngừ giảm 23%, đạt 195 triệu USD; XK mực, bạch tuộc tăng 8,5%, đạt 172 triệu USD; XK cá biển tăng 15%, đạt 369 triệu USD … 5 tháng đầu năm Việt Nam đã XK thủy sản sang 153 thị trường, các thị trường XK chính là Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc có mức tăng từ 19 đến 43%.

VASEP dự báo do sản xuất tôm chân trắng tiếp tục mở rộng nhanh chóng và vượt xa ngoài quy hoạch nên tăng trưởng XK tôm từ quý III-2014 sẽ chững lại vì nguồn cung tăng và giá tôm giảm trên các thị trường. Dự báo XK tôm năm 2014 sẽ đạt khoảng 3,5 tỉ USD.

Đối với cá tra, tổng kim ngạch XK cá tra năm 2014 có thể giảm khoảng 5% so với năm 2013, đạt 1,7 tỉ USD vì ngoài lý do thiếu nguyên liệu chế biến, DN còn khó vay vốn ngân hàng. XK cá ngừ dự báo giảm 15% so với năm 2013, đạt khoảng 450 triệu USD; XK mực bạch tuộc tăng 5% đạt khoảng 470 triệu USD. Tổng kim ngạch XK thủy sản năm 2014 là 7 tỉ USD, tăng 5% so với năm 2013.

Về những thách thức trong XK của DN thủy sản năm 2014-2015, VASEP nhận định nguy cơ lớn nhất là thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho chế biến. Nguyên nhân do dịch bệnh EMS trên tôm ngày càng phức tạp, vấn đề bơm tạp chất vào tôm sú của thương lái Trung Quốc, thời tiết xấu và năng lực hạn chế trong đánh bắt xa bờ, điều kiện bảo quản sau thu hoạch chưa tốt khiến sản lượng các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, mực, bạch tuột vẫn còn thấp.

Một thách thức nữa là Hoa Kì, EU, Nhật Bản đã đưa ra các hàng rào kĩ thuật về thuế, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình nuôi trồng khiến DN khó khăn hơn khi tiếp cận thị trường. Chi phí vay vốn, điện, xăng dầu và các chi phí đầu vào tăng cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam với các nước khác trong khu vực.

Đại diện cho DN XK tôm, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, kháng sinh trị bệnh EMS trên tôm đang kháng thuốc và dịch bệnh này có nguy cơ bùng phát trở lại. Tôm Việt Nam cũng đang gặp thách thức tại thị trường Nhật Bản do quyết định kiểm tra 100% lô tôm đối với chất cấm oxytetracilyn (OTC). XK tôm của Việt Nam cũng chịu áp lực cạnh tranh với Ấn Độ do nước này không bị kiểm tra OTC. Ông Lê Văn Quang cho rằng đã đến lúc quy hoạch các vùng nuôi tôm sạch, cấm sử dung kháng sinh và tạp chất để đảm bảo XK tôm phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Hùng Vương cho biết, đa số DN cá tra đều đồng tình với Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 20-6-2014. Tuy nhiên, cộng đồng DN và cả người nuôi cá tra đều đang chờ đợi các Thông tư hướng dẫn Nghị định ban hành, đặc biệt là thủ tục đăng ký hợp đồng XK. Vì hợp đồng kinh tế là bí mật kinh doanh của từng cá nhân, từng công ty, gồm những điều khoản không được tiết lộ. Do vậy, việc chia sẻ thông tin với một Hiệp hội (bên thứ 3) là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, để đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra, DN cần chuẩn bị khá nhiều giấy tờ và bổ sung nguồn nhân lực thực hiện, việc này sẽ gây tốn kém thêm thời gian và chi phí thủ tục hành chính cho DN. Ngoài ra, DN cá tra đang rất băn khoăn việc đăng ký hợp đồng XK với Hiệp hội cá tra Việt Nam là theo “từng hợp đồng XK” hay “từng container, từng lần XK” hay theo “tháng, quý”.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Ủy ban hải sản VASEP, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam chia sẻ, tình hình bất ổn trên biển Đông trong tháng vừa qua đã khiến việc đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn và DN cũng gặp khó trong thu mua nguyên liệu hải sản, một số đối tác Nhật Bản đã thông báo lùi thời thời hạn kí tiếp hợp đồng cho năm 2015. Do thương lái Trung Quốc tranh mua tranh bán, nâng giá để thu gom nên để có nguyên liệu đáp ứng đơn đặt hàng, DN Việt Nam vẫn phải gia tăng NK mực, bạch tuộc từ Thái Lan, Malaysia, Đài Loan…

 Tổng số hội viên VASEP năm 2014 là 261 hội viên, giảm 15 hội viên so với năm 2013, đây là mức giảm cao nhất trong lịch sử hoạt động của Hiệp hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động trong tình hình mới, VASEP đã kiến nghị Bộ Nội vụ cho phép thay đổi điều lệ Hiệp hội trong đó nổi bật là bổ sung quy định kết nạp thêm hội viên là DN nhập khẩu thủy sản và quy chế hoạt động của 3 Ủy ban ngành hàng là tôm, cá nước ngọt và hải sản.

Duy Quang

hải quan

Các tin tức khác

>   Giảm dần phụ thuộc nguyên liệu dệt - may (12/06/2014)

>   Hàng xuất khẩu Việt Nam phù hợp thị trường Trung Đông, châu Phi (12/06/2014)

>   Ngành chế biến gỗ của VN được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm (12/06/2014)

>   Maersk khuyên DN áp dụng công nghệ điện tử (12/06/2014)

>   Hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Indonesia (12/06/2014)

>   Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường trong FTA (12/06/2014)

>   Công bố lỗ, nhưng Coca-Cola vẫn mở rộng đầu tư (12/06/2014)

>   Mỹ đánh giá cao biện pháp bảo vệ doanh nghiệp của Việt Nam (12/06/2014)

>   Kiến nghị Bộ Ngoại giao can thiệp để công ty nước ngoài trả nợ cho dân (12/06/2014)

>   Dự án lọc dầu 27 tỷ USD cần thêm thời gian nghiên cứu (12/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật