Cơ quan Thuế đang phải đối đầu với sự phản kháng của DN chuyển giá
Tính đến nay, các hình thức chuyển giá điển hình diễn ra trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam. Hàng loạt các công ty quốc tế khác đã bị cơ quan Thuế đưa vào tầm ngắm.
Vụ trưởng Nguyễn Quang Tiến
|
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Vụ trưởng- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Cải cách và Hiện đại hóa- Tổng cục Thuế Nguyễn Quang Tiến cho rằng, do ngành Thuế chưa được trao quyền điều tra nên gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, sự phản kháng mạnh mẽ của DN có hành vi chuyển giá và các công ty tư vấn quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ.
Thưa ông, sau khi phanh phui hàng loạt nghi án về chuyển giá liên quan đến các thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Metro, Coca-Cola … đem về cho NSNN hàng nghìn tỷ đồng, hiện ngành Thuế tiếp tục “phủ sóng” đối tượng thanh tra tới các nhóm ngành nào nữa?
Qua khảo sát, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ trong thời gian qua hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như: Gia công hàng may mặc; sản xuất, gia công giầy, dép; sản xuất kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến…
Theo tổng hợp, đánh giá kết quả kinh doanh năm 2010 và 2011 từ 62 tỉnh, thành phố với 5.531 DN FDI đang hoạt động (chiếm khoảng gần 60% số DN FDI cả nước đang hoạt động) không bao gồm lĩnh vực dầu khí, ngân hàng và tổ chức tín dụng như sau: Nhiều DN kê khai thua lỗ lớn và thua lỗ kéo dài, cụ thể: Năm 2011 có tới 2.518 DN báo cáo lỗ (chiếm 45,5% số DN báo cáo năm 2011), tăng 9% so với năm 2010.
Trong 5.531 DN FDI đang hoạt động nêu trên, có 3.175 DN có số lỗ luỹ kế đến thời điểm đánh giá (chiếm 57,4 %). Đặc biệt, có 529 DN báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc kê khai thua lỗ của một số DN nêu trên là do các DN này đã có hành vi chuyển giá để tránh thuế thu nhập DN.
Từ Quý IV- 2013, cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra hoạt động chuyển giá đối với 47 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may; sản xuất, gia công giày dép, ba lô, túi xách xuất khẩu, thiết bị điện tử; xây dựng. Đến nay, cơ quan Thuế đã hoàn thành công tác thanh tra tại 23 DN và 24 DN đang trong giai đoạn thảo luận để ký kết Biên bản thanh tra.
Đối với 23 DN đã hoàn thành thanh tra nêu trên, cơ quan thuế đã điều chỉnh tăng doanh thu và điều chỉnh giảm chi phí do điều chỉnh giá sản phẩm trong giao dịch liên kết là 5.982 tỷ đồng, dẫn đến các điều chỉnh sau: Bù đắp số lỗ phát sinh trước giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng được chuyển vào giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng là 231 tỷ đồng; Điều chỉnh giảm số lỗ phát sinh theo kê khai của DN trong giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng trên 888 tỷ đồng; Truy thu thuế Thu nhập DN trên 360,5 tỷ đồng; Phạt vi phạm hành chính số tiền trên 14 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thanh tra hoạt động chuyển giá tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh nêu trên, cơ quan thuế sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi thanh tra hoạt động chuyển giá sang các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng nếu Việt Nam áp dụng các biện pháp quá cứng rắn và mạnh mẽ trong công tác chống chuyển giá thì sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, thưa ông?
Tôi xin khẳng định đây là nhận định không đúng bởi lẽ việc đấu tranh đối với hành vi chuyển giá của DN sẽ làm trong sạch môi trường đầu tư, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN.
Thực tế trong các năm 2012-2013 (giai đoạn Tổng cục Thuế triển khai mạnh chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá) thì dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng và tốc độ tăng cao hơn những năm trước (năm 2012 tăng 4,7% so với năm 2011; năm 2013 tăng 43,6% so với năm 2011).
Với kết quả thanh tra giá chuyển nhượng ngành Thuế đã đạt được trong thời gian qua, đã tác động không nhỏ đến tính tuân thủ của nhiều DN trong việc chấp hành các quy định pháp luật về thuế. Một số DN đã nhiều năm kê khai lỗ thì nay đã kê khai có lãi, mặc dù điều kiện kinh doanh trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay khó khăn hơn nhiều so với những năm trước đây; một số DN trước đây kê khai tỷ lệ lãi thấp thì nay đã kê khai có lãi cao hơn.
Qua đó, cho thấy việc kiểm soát hoạt động chuyển giá tác động rất tốt tới môi trường đầu tư, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư chân chính thực hiện đầu tư vào Việt Nam và có chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Theo ông, để nâng cao hiệu quả của công tác chống chuyển giá trong giai đoạn tiếp theo, cơ quan Thuế cần thực hiện những biện pháp gì?
Có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác chống chuyển giá, trong thời gian tới ngành Thuế chú trọng vào 4 nhóm giải pháp cụ thể như sau::
Thứ nhất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối hoạt động chuyển giá như: Quy định thời hạn thanh tra đối hoạt động chuyển giá dài hơn so với thời hạn thanh tra thông thường để phù hợp theo tính chất phức tạp của hoạt động này.
Theo thông lệ quốc tế, để hoàn thành một vụ thanh tra, điều tra về giá chuyển nhượng kéo dài từ 18 đến 24 tháng. Hiện nay, tại Việt Nam, thời hạn thanh tra giá chuyển nhượng được quy định chung trong Luật Thanh tra (thanh tra chuyên ngành) từ 30 đến 45 ngày/vụ việc.
Bổ sung quyền điều tra cho cơ quan Thuế để đảm bảo thu thập thông tin xử lý đối với các DN cố tình chuyển giá. Hiện nay, đa số các quốc gia trên thế giới thực hiện có hiệu quả cao về công tác kiểm soát hoạt động chuyển giá đều được trao quyền điều tra.
Bổ sung quy định về vốn mỏng vì có một số DN có hành vi chuyển giá dẫn đến kê khai số lỗ lớn và lỗ liên tục dẫn đến thiếu vốn để hoạt động. Do vậy, các DN này thực hiện vay vốn của các công ty mẹ và các bên liên kết để hoạt động. Các DN này thông qua việc vay vốn, tiếp tục được hạch toán khoản lãi vay vào chi phí. Đa số các quốc gia phát triển đều có quy định về vốn mỏng để ngăn chặn tình trạng chuyển giá.
Thứ hai, sớm kiện toàn bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; lựa chọn và bố trí những công chức có năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học làm việc tại bộ phận này. Thực hiện chế độ đãi ngộ đặc biệt để khuyến khích được đội ngũ này gắn bó, dốc hết tâm sức vào công việc khó khăn này.
Thứ ba, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu; bổ sung các thông tin cơ bản và thông tin bổ trợ để phục vụ cho quản lý giá chuyển nhượng. Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý giá chuyển nhượng được cập nhật thường xuyên và liên tục.
Thứ tư, tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giá thông qua việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của từng bộ phận chức năng quản lý như: Tuyên truyền, hỗ trợ; kê khai thông tin giao dịch liên kết; phân tích rủi ro và thanh tra xử lý vi phạm.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hằng
hải quan
|