Góc nhìn 02-06/06: Xu hướng tích lũy
Các chuyên gia cho rằng thị trường vẫn chưa thể thoát được lực cản để có mức tăng trưởng mạnh hơn. Vùng 540 – 560 điểm có thể coi là cân bằng trong bối cảnh hiện tại khi mà các thông tin vĩ mô và vi mô chưa có gì mới hơn.
Động lực thị trường đang giảm dần
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Chỉ số VN-Index vẫn đang trong nhịp bật lên từ ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật, với ngưỡng cản quan trọng là khoảng 570-580 điểm. Với thực tế động lực thị trường đang giảm dần, đà tăng của VN-Index được hỗ trợ chủ yếu từ nhóm cổ phiếu lớn, SHS cho rằng thị trường khó vượt qua ngưỡng cản quan trọng trên. Chỉ số HNX-Index đang trong diễn biến giảm, kiểm định lại đường trendline giảm giá ngắn hạn.
Thị trường dự kiến điều chỉnh giảm điểm trong tuần giao dịch tới. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là khoảng 545-550 điểm, của HNX-Index là khoảng 74-75 điểm.
Mất vài phiên để cân bằng
CTCK Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BSI): Sau những diễn biến bùng nổ tại phiên đầu tuần trước, tâm lý thị trường đã trở lại thận trọng điều này được phản ánh rõ rệt trên HNX qua thanh khoản và diễn biến giá đều sụt giảm. Nếu theo góc nhìn thuần về PTKT, thị trường đang đứng trước nguy cơ điều chỉnh tương đối lớn khi quỹ ETF iShares đã kết thúc đợt cơ cấu danh mục.
Dù vậy, BSI cũng lưu ý về thông tin từ Đối thoại Shangri-La tổ chức tại Singapore sẽ bàn về vấn đề Biển Đông với sự tham gia của 2 cường quốc Mỹ và Nhật vào cuối tuần. Kết quả sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường bất ngờ.
Với diễn biến vận động tăng giá bất ngờ và không bền vững của VN-Index, BSI đã tư vấn chốt lãi một phần danh mục cho cả hoạt động đầu tư vào phiên cuối tuần. Nhiều khả năng thị trường sẽ mất vài phiên để xác lập trạng thái cân bằng sau phiên biến động mạnh ngày 30/5. Hoạt động trading ngắn hạn sẽ được cân nhắc tùy theo diễn biến tiếp theo của thị trường.
Dấu hiệu “chùng xuống”
CTCK MayBank KimEng (MBKE): Về phương diện kỹ thuật, MBKE tiếp tục nhận thấy VN-Index đang có những phản ứng “chùng xuống” ngay vùng kháng cự 560 điểm. Nếu tiếp tục yếu đi, khả năng thị trường bước vào pha điều chỉnh là không hề nhỏ và do đó các hành động giải ngân trong ngắn hạn nên chờ đợi quá trình điều chỉnh này diễn ra và kết thúc nhằm có được mức dừng lỗ hợp lý hơn cho các vị thế mua.
Thị trường đã ít rủi ro hơn
CTCK FPT (FPTS): Quan sát dòng tiền giao dịch, FPTS nhận thấy dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu thoái lui nhưng sự chuyển dịch giữa các nhóm ngành đã chậm lại, ngoài nhóm cổ phiếu penny vẫn đang bị bán mạnh thì đa số cổ phiếu rơi vào trạng thái lình xình, giằng co.
Về xu thế, khu vực 575-580 sẽ là ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo của VN-Index, đây cũng là khu vực có xác suất đảo chiều cao đối với xu hướng ngắn hạn.
Tuy nhiên, FPTS cho rằng thị trường đã ít rủi ro hơn so với giai đoạn nửa đầu tháng 5, vùng 540-560 điểm có thể coi là cân bằng trong bối cảnh hiện tại khi mà các thông tin vĩ mô và vi mô chưa có gì mới hơn, vì vậy nếu xuất hiện nhịp điều chỉnh thì vùng giá 540 sẽ là vùng hỗ trợ tốt và là cơ hội để tích lũy cổ phiếu.
Trụ vững để vượt thử thách?
CTCK Phú Hưng (PHS): Theo quan điểm kỹ thuật, do lượng cung đã có phần giảm đi và nhờ sự duy trì tích cực mua vào ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nên chỉ số lại có phiên tăng điểm. Với số lượng cổ phiếu vừa và nhỏ bị giảm điểm vẫn còn nhiều và khối lượng khớp lệnh lại bị giảm đi, cho thấy mức tăng điểm của chỉ số đang phụ thuộc nhiều vào mức tăng của các mã vốn hóa lớn.
Tuy vậy, sau những phiên tăng điểm vừa qua, lượng chốt lời ngắn hạn phần nào đã được hấp thụ và việc chỉ số vượt qua thành công các ngưởng cản quan trọng là yếu tố thuận lợi để chỉ số có thể tiếp tục tăng điểm. Trong tuần này, chỉ cần tiếp tục trụ vững trên MA 5D thì chỉ số VN-Index lại có thể tăng điểm, ngưỡng thử thách tiếp theo ở mức 570 điểm (MA 50D). Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index lại chịu áp lực chốt lời ở mức cao làm chỉ số bị rung lắc và lùi về bên dưới MA 5D, cho thấy áp lực điều chỉnh đang gia tăng.
Nhìn chung, sau thời gian tăng điểm, tuy xu hướng vẫn được duy trì nhưng cả hai chỉ số đang chịu áp lực chốt lời. Để bảo vệ thành quả đầu tư, PHS khuyến nghị nhà đầu tư chốt lời các mã đã có dấu hiệu yếu đi hoặc đã có lợi nhuận kỳ vọng và chuyển dòng tiền sang nhóm cổ phiếu chưa tăng giá nhiều thời gian qua mà vẫn còn tiềm năng tăng giá.
Chưa có dấu hiệu tích cực thực sự
CTCK Đông Á (DAS): Về mặt điểm số, VN-Index đã đóng cửa nằm trên đường MA 100. Tuy nhiên, việc phá lên ngưỡng kháng cự trên chủ yếu với sự đóng góp tích cực của các mã cổ phiếu vốn hóa lớn
Do đó, về tính chất, có thể VN-Index vẫn chưa có dấu hiệu tích cực thực sự từ việc phá vỡ kháng cự và chưa thể thoát được lực cản để có mức tăng trưởng mạnh hơn, mà vẫn sẽ cần xác nhận thêm bởi sự phá vỡ mang tính “thị trường” hơn.
Chính vì vậy, trạng thái thị trường nhìn chung vẫn chưa thay đổi, vẫn sẽ chủ yếu chuyển động theo xu hướng tích lũy.
Tiếp tục xu hướng hồi phục ngắn hạn
CTCK Bảo Việt (BVSC): Bước sang các phiên đầu tháng 6, thị trường được dự báo có thể sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục ngắn hạn nhưng xen kẽ các phiên điều chỉnh. Diễn biến phân hóa có thể sẽ là đặc điểm nổi bật của thị trường trong tháng 6 với triển vọng KQKD của các doanh nghiệp dần được hé lộ cùng hoạt động tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF.
Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì vị thế trung hạn, tranh thủ các phiên thị trường “chùng” xuống để tích lũy cổ phiếu cho vị thế ngắn hạn nhưng tránh các hành động mua đuổi trong phiên thị trường tăng mạnh.
Tập trung vào bluechips và midcap
CTCK MB (MBS): “Về mặt kỹ thuật, VN-Index tạm thời qua vùng kháng cự 560 điểm, tương ứng với ngưỡng Fibonaci 50%. Thanh khoản giảm nhẹ xuống mức trung bình thấp cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, lực mua chỉ chờ mua giá thấp trong khi lực bán chỉ chờ ở vùng giá cao, khiến cung cầu không gặp nhau.
MBS vẫn tiếp giữ tục khuyến nghị tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips và midcap dự kiến có kết quả kinh doanh quý 2 khả quan, chốt lời bớt các cổ phiếu penny nhằm cơ cấu lại danh mục cho đợt hồi phục này”.
Gia Nguyên tổng hợp
CÔNG LÝ
|