Học cách người Thái thu hút đầu tư nước ngoài
Trong khi Việt Nam vẫn còn đi theo hướng thu hút càng nhiều vốn FDI càng tốt thì Thái Lan tập trung vào những lĩnh vực quan trọng nhất.
Cách thức tiệm cận thực tế
Sự thay đổi của Thái Lan
Thay vì chỉ thu hút đầu tư theo lĩnh vực, Thái Lan có cả các hình thức thưởng thêm cho những dự án đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Thí dụ, dự án đầu tư ít nhất 1% doanh thu cho R&D sẽ được miễn thuế thêm một năm. Dự án có đóng góp ít nhất 2% doanh thu cho đào tạo nghề hay viện nghiên cứu sẽ được miễn thuế thêm hai năm. Dự án đóng góp ít nhất 3% doanh thu cho quỹ phát triển khoa học công nghệ sẽ được miễn thuế thêm ba năm.
Thái Lan cũng đã từng bước chuyển từ ưu đãi thuế đơn thuần sang ưu đãi cả gói, bao gồm cả thuế, thủ tục cấp phép trong thời gian nhanh nhất, cung ứng lao động và cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư, và quan trọng nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
|
Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội lần thứ 11 của Thái Lan, mô hình phát triển quốc gia được biểu thị dễ hiểu bằng bốn lĩnh vực nền tảng từ thấp lên cao:
(i) Thái Lan 1.0: phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đối với mục tiêu này, Thái Lan ưu đãi cho các dự án chế biến thực phẩm sau thu hoạch, công nghệ sinh học.
(ii) Thái Lan 2.0: phát triển công nghiệp nhẹ, gia công cho nước ngoài cũng như đầu tư ra nước ngoài. Thái Lan ưu đãi cho các dự án dệt nhuộm ít ô nhiễm, phụ kiện dệt may, các dự án trang thiết bị y tế, và các dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực mà Thái Lan không còn ưu thế về nhân công.
(iii) Thái Lan 3.0: đầu tư công nghiệp nặng: xe hơi, lọc hóa dầu, đồng thời gia tăng R&D tại các xưởng sản xuất để tạo ra những sản phẩm tầm cỡ thế giới. Thái Lan ưu tiên cho các dự án sản xuất vật liệu công nghệ cao cho công nghiệp xây dựng, xe hơi và đóng tàu, các dự án sản xuất động cơ, phụ tùng xe hơi, các dự án phân bón, giấy, hóa dầu.
(iv) Thái Lan 4.0: phát triển kinh tế tri thức và kinh tế dịch vụ. Thái Lan đề ra mục tiêu thu hút đầu tư trong công nghiệp điện tử kỹ thuật cao, xây dựng các trung tâm R&D, tạo năng lượng mới, phát triển các ngành dịch vụ như du lịch, vận tải hàng không, vận tải biển, logistics.
Cách đặt vấn đề của Thái Lan tuy tham vọng song có trình tự ưu tiên về thời gian và rất thực tế. Thái Lan áp dụng ba phương pháp thực hiện. Thứ nhất là tìm hiểu mình là ai, mình có những thế mạnh gì để cạnh tranh với thế giới. Thứ hai, thay vì đặt quá nhiều mục tiêu một lúc, chỉ đặt mục tiêu xây dựng một số cơ sở mũi nhọn và trung tâm (cluster), từ đó thu hút các cơ sở đầu tư ngoại vi và phụ trợ. Thứ ba, việc đề ra chính sách ưu đãi đầu tư tập trung vào phục vụ hai phương pháp trên.
Chính sách ưu đãi thuế
Thái Lan có cơ quan chuyên trách về ưu đãi đầu tư (Cục Đầu tư - Board of Investment - BOI) để xét ưu đãi cho từng dự án có đơn xin và phân loại dự án đầu tư theo tác động của dự án đó đến nền kinh tế của cả nước chứ không phải chỉ bất kỳ vùng miền nào.
Cụ thể là, việc ưu đãi đầu tư được phân thành hai nhóm - nhóm A (các lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp) và nhóm B (các lĩnh vực có thể được hưởng các ưu đãi dạng khác).
Nhóm A bao gồm các danh mục từ A1-A4, tương ứng với những mức ưu đãi miễn thuế khác nhau. Các dự án này còn được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị hay nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Nhóm B bao gồm các lĩnh vực đầu tư được địa phương ưu đãi ngoài thuế, như quyền được sở hữu đất hay được hỗ trợ cấp thị thực, giấy phép lao động cho lao động nước ngoài. Với những dự án quan trọng, còn có thể được miễn thuế xuất nhập khẩu.
Để tránh trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng Thái Lan như một thị trường nhân công giá rẻ, hoặc thành lập doanh nghiệp chỉ để hưởng ưu đãi, Chính phủ Thái Lan quy định để được hưởng ưu đãi thì doanh nghiệp phải tạo ra ít nhất 20% giá trị bán hàng tại Thái Lan, tỷ lệ nợ trên vốn không được thấp hơn 3:1, và phải sử dụng máy móc, thiết bị mới.
Nhìn lại Việt Nam
Đối với đầu tư trong nước hay đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Chính phủ quy định ưu đãi còn khá chung chung, không hợp lý. Đây có thể là hệ quả của việc thiếu tầm nhìn chiến lược một cách cụ thể trong phát triển. Thí dụ: thuế suất ưu đãi 10% được áp dụng chung cho nhiều loại dự án lớn nhỏ khác nhau và mức độ tác động khác nhau, từ dự án đầu tư vào khu công nghệ cao đến địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, từ phần mềm và vật liệu composite đến cảng biển, cảng hàng không. Trong khi đó, một doanh nghiệp đầu tư lớn, đáp ứng 2-3 tiêu chí thì cũng không có mức thưởng thêm (trừ một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Dù các cảng biển phía Nam đang thừa công suất, và đã có quá nhiều cảng biển ở miền Trung thì vẫn ưu đãi đầu tư cho dự án cảng biển. Các lĩnh vực thiết thực khác như sản xuất phụ kiện dệt may, linh kiện ô tô lại không có chính sách ưu đãi cụ thể.
Cho dù có nhiều ý kiến khác nhau về mô hình phát triển, và mặc dù khối lượng đăng ký đầu tư nước ngoài vào Thái Lan và Việt Nam là tương đương nhau, nhưng nhìn chung các dự án đầu tư vào Thái Lan có trọng điểm và tác động hiệu quả đến nền kinh tế Thái Lan hơn là tại Việt Nam.
Đã đến lúc chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần có sự “lột xác”.
Lê Nết
tbktsg
|