Cổ phiếu bảo hiểm bị lãng quên?
Bảo hiểm được đánh giá là ngành có nhiều lợi thế phát triển và dự báo còn tăng trưởng mạnh trong tương lai. Thế nhưng, nhóm CP của các công ty bảo hiểm lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của NĐT mà nguyên nhân xuất phát từ yếu tố thanh khoản trên TTCK.
Tăng trưởng cao
Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo thống kê, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với tỷ lệ đạt trung bình 13,7%/năm trong giai đoạn từ năm 2005-2013.
Mặc dù nhu cầu bảo hiểm đã tăng cao nhưng tỷ trọng tổng phí bảo hiểm trên GDP vẫn chỉ ở mức 1,5%, nên nhiều chuyên gia dự báo thị trường bảo hiểm vẫn tiếp tục là một thị trường đầy hứa hẹn trong tương lai.
Chính vì vậy, cùng với sự tăng trưởng về doanh thu là sự góp mặt của ngày càng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có nhiều công ty bảo hiểm hàng đầu trên thế giới như: Prudential, AIG, Dai-ichi Life, Generali, MetLife.
Tính đến thời điểm cuối năm 2013, cả nước có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 16 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Trong giai đoạn 2005-2012, tốc độ tăng trưởng của doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trung bình từ 13-15%/năm, đạt tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD vào cuối năm 2012.
Trên cả 2 sàn CK hiện có 7 doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết là: CTCP Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tổng CTCP Bảo Minh (BMI), CTCP Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (BIC), Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PGI), Tổng CTCP Bảo hiểm bưu điện (PTI), CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) và Tổng CTCP Tái bảo hiểm Việt Nam (VNR).
Theo phân tích của CTCK VPBank, trong số 7 doanh nghiệp bảo hiểm đang nêm yết, nổi bật nhất là BVH và PVI. Cụ thể, BVH hiện đang giữ vị trí số một trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ và đứng thứ 2 trong mảng bảo hiểm nhân thọ. Cho dù BVH thông qua các công ty con để tham gia vào các lĩnh vực quản lý quỹ, ngân hàng, CK, đầu tư và bất động sản, nhưng bảo hiểm vẫn là lĩnh vực mang lại nguồn thu chính cho BVH.
Năm 2013, tổng doanh thu hợp nhất của BVH đạt 17.096 tỷ đồng (tăng 6,8%) và tổng lợi nhuận hợp nhất đạt 1.234 tỷ đồng. Trong đó, mảng kinh doanh bảo hiểm là hoạt động có lợi nhuận cao nhất trong BVH, chiếm 60% tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế.
Trong khi đó, thế mạnh của PVI là bảo hiểm rủi ro cho công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). PVI hiện đang nắm giữ gần như toàn bộ thị trường bảo hiểm năng lượng, khoảng 30% thị phần của thị trường bảo hiểm hàng hải và 40% thị phần của thị trường bảo hiểm tài sản và kỹ thuật.
Trong năm 2013, PVI đạt doanh thu 8.074 tỷ đồng (tăng 26%) và 355 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Hoạt động kinh doanh hiệu quả của phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ là một trong những yếu tố đóng góp cho thành công của PVI năm 2013.
Đặc biệt, tổng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ là 6.082 tỷ đồng (tăng 11,5%) và lợi nhuận trước thuế từ phân khúc này là 482 tỷ đồng (tăng 6%). Đối với phân khúc bảo hiểm nhân thọ, PVI Sun Life đã đạt tổng doanh thu 1.024 tỷ đồng chỉ sau hơn 6 tháng hoạt động.
Từng doanh nghiệp chọn thế mạnh
Bức tranh của ngành bảo hiểm Việt Nam đã rõ ràng hơn do hầu hết các doanh nghiệp trong thị trường đã tìm thấy con đường phát triển riêng của mình. Sự khác biệt giữa các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ nằm ở chất lượng dịch vụ và sản phẩm cung cấp cho khách hàng chứ không phải cạnh tranh để giành thị phần như các năm trước.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay đã tập trung vào chiến lược phát triển theo chiều sâu và quản lý rủi ro. Hòa cùng với đà hồi phục của TTCK, nhiều công ty bảo hiểm đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực và tăng cường vị thế tài chính.
Chẳng hạn, BIC có thông báo tăng vốn điều lệ từ 693 tỷ đồng lên đến 1.089 tỷ đồng thông qua thanh toán cổ tức bằng CP ở mức 10% năm 2013 và phát hành tối đa 30% vốn điều lệ mới cho cổ đông chiến lược vào năm 2014. Các doanh nghiệp còn lại như PTI và PGI cũng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính.
Bên cạnh mục tiêu nâng cao năng lực tài chính và khối lượng bảo hiểm bán ra, việc doanh nghiệp bảo hiểm tăng vốn điều lệ còn nhằm đáp ứng các điều kiện để đạt được xếp hạng tín dụng quốc tế tốt. Mục đích của đa phần doanh nghiệp bảo hiểm đang hướng tới là được xếp hạng bởi A.M Best Company, cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu với sự tập trung đặc biệt vào ngành bảo hiểm.
Được đánh giá bởi một tổ chức đẳng cấp thế giới như A.M Best thì hình ảnh của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ được quảng bá tốt hơn trong con mắt của nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm các sản phẩm bảo hiểm tại Việt Nam. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 2 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết được tổ chức này xếp hạng là PVI và VNR với mức B++.
Dù triển vọng kinh doanh hết sức sáng sủa nhưng thực tế các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết vẫn đang bị đánh giá thấp trên TTCK. Trở ngại chính là CP của các doanh nghiệp bảo hiểm là tính thanh khoản thấp. Đây chính là nguyên nhân khiến cho CP bảo hiểm không được NĐT chú ý.
Theo thống kê, ngoại trừ một số mã có thanh khoản tốt, các mã còn lại có khối lượng giao dịch rất thấp, thậm chí có mã không có khớp lệnh trong nhiều phiên giao dịch như VNR hay PTI.
Hải Hồ
Sài gòn đầu tư tài chính
|