75% cổ phiếu Viễn thông tăng giá liên tục nhiều tháng, vì sao nhà đầu tư vẫn thờ ơ?
Mặc dù, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết ngành Viễn thông kém khả quan nhưng có thể thấy những dấu hiệu khởi sắc của hầu hết cổ phiếu ngành này trên sàn chứng khoán.
9/12 cổ phiếu ngành Viễn thông đã tăng giá liên tục trong nhiều tháng qua, thanh khoản cổ phiếu cũng có sự cải thiện; thậm chí Truyền thông số 1 (HNX: ONE), ĐT & PT Công nghệ Văn Lang (HNX: VLA) đã có xu hướng giá tăng dài hạn từ năm 2011. Đặc biệt, VAT, ITD, GLT và VIE vào nhịp tăng từ năm 2013.
Thanh khoản chung của ngành còn yếu
Tuy nhiên, nhìn chung thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngành Viễn thông còn rất yếu. SGT, ELC, CMT, KST… nhiều phiên không có nổi một cổ phiếu được mua bán. Chỉ duy nhất cổ phiếu ITD của Công nghệ Tiên Phong đỡ hơn khi chạm được mức trăm ngàn cổ phiếu giao dịch mỗi phiên. Các cổ phiếu trong ngành hầu hết đều giao dịch dưới mệnh giá, ngoại trừ ELC, GLT và VLA.
Mặc dù giá liên tục gia tăng nhưng các cổ phiếu này chưa thu hút sự quan tâm mạnh của nhà đầu tư. Điều này cũng khá dễ hiểu khi nhìn vào kết quả kinh doanh “bèo bọt” của các đơn vị.
Kết quả kinh doanh quý 1: Le lói 1-2 điểm sáng
Gần đây nhất, trong quý 1/2014, tổng doanh thu ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ khi chỉ đạt được 953 tỷ đồng, giảm gần 14%. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi cái “dớp” của quý 1/2013, tổng lợi nhuận sau thuế vẫn còn ở mức âm hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 3 doanh nghiệp là GLT, ITD và SGT vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2014. ITD và SGT cùng kỳ lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Trong số 12 doanh nghiệp niêm yết của ngành thì chỉ có 2 đơn vị có lợi nhuận tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2014, số còn lại phần lớn có vẫn chưa thoát lỗ hoặc lỗ có phần nặng nề hơn so với cùng kỳ.
Đơn vị kinh doanh có lãi cao nhất là ELCOM (HOSE: ELC), cũng chỉ lãi tầm 5 tỷ đồng trong quý 1/2014. Một con số rất nhỏ so với quy mô vốn hàng trăm tỷ đồng của công ty này. Kết quả kinh doanh của ELC đã xuất hiện sự sụt giảm mạnh kể từ đầu năm 2013 đến nay.
Ngoài ELC đã nhắc đến ở trên, Công nghệ Văn Lang (HNX: VLA) cũng ghi nhận tăng trưởng lãi ròng mạnh, tương ứng gần 180% so với cùng kỳ, đạt 745 triệu đồng. VLA là công ty nhỏ trong ngành, kết quả trong kỳ khả quan chủ yếu nhờ nguồn thu từ mảng cung cấp phần mềm, dịch vụ phần mềm tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ. Điểm đặc biệt, tuy cổ phiếu VLA có mức thanh khoản yếu nhưng giá đã liên tục trong xu hướng tăng kể từ đáy vào tháng 5/2011 đến nay, giá cổ phiếu từ mức dưới 4,000 đồng/cp đã vọt lên gần 15,000 đồng/cp. Tính riêng trong 1 tháng qua, giá cổ phiếu VLA tăng hơn 33%.
Về phía doanh thu, có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất, gấp khoảng 3 lần so với cùng kỳ gồm Viễn thông Vạn Xuân (HNX: VAT) và Công nghệ Viễn thông VITECO (HNX: VIE), tuy nhiên, cả hai doanh nghiệp này đều bị lỗ quý 1/2014. Kể từ năm 2011 đến nay, VAT chưa một lần chạm được mức lợi nhuận 1 tỷ đồng. VIE cũng không khá khẩm gì hơn khi những năm gần đây cứ 2 năm lãi thì đến 1 năm lỗ.
Tập đoàn công nghệ CMC (HOSE: CMG) có thể xem là một “big boy” trong ngành viễn thông, khi doanh thu trong quý 4/2013 đạt hơn 836 tỷ đồng, chiếm 98% tổng doanh thu ngành. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng mạng trong kỳ, cùng với việc gia tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi là những nhân tố khiến CMG ghi nhận lỗ gần 5 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận gộp có cải thiện
Trong quý 1/2014, VLA, ELC, ONE và CMT có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với trung bình ngành. Trong đó, VLA có tỷ suất lợi nhuận lên đến 87.65%, do trong kỳ VLA có khoản doanh thu hoạt động tài chính gần 790 triệu đồng.
Quan sát tỷ suất lợi nhuận gộp, có thể thấy trong 3 tháng đầu năm 2014 đa phần doanh nghiệp đã nhiều chuyển biến tích cực hơn so với quý 1/2013. Điển hình là ELC, đạt tỷ suất lợi nhuận gộp gần 39%, tăng lên gần gấp 4 lần. Ở góc nhìn khác, Kỹ thuật Viễn thông (HNX: TST) có giá vốn hàng bán cao hơn hẳn khiến lợi nhuận gộp trong kỳ âm 13 triệu đồng. TST giải trình nguyên nhân do 3 tháng đầu năm chưa ghi nhận doanh thu từ công ty con HTSV.
Đánh giá chung về chi phí lãi vay, đột biến trong kỳ này là ELC, khi chi phí lãi vay hơn 1.4 tỷ đồng, gấp 7.5 lần so với cùng kỳ. Ngược lại với ELC, chi phí lãi vay của CMT lại giảm khá mạnh từ 1.8 tỷ đồng xuống chỉ còn 278 triệu đồng trong kỳ này. Các doanh nghiệp còn lại không có hoặc rất ít lãi vay, một số đơn vị có lãi vay đã giảm so với cùng kỳ.
Đường về đích còn xa
Sau 3 tháng đầu năm, đa phần doanh nghiệp chỉ hoàn thành 5-12% kế hoạch năm 2014. Riêng KASATI (HNX: KST) với doanh thu đạt hơn 21 tỷ đồng, đã đạt mốc 29% kế hoạch. Tuy vậy, phải nói thêm rằng, mặc dù KST đã đạt được mức doanh thu khá cao trong kỳ, nhưng lợi nhuận ghi nhận âm gần 1 tỷ đồng. Điều này khiến áp lực cho KST khi muốn đạt được kế hoạch lợi nhuận trước thuế hơn 4.6 tỷ đồng.
Thống kê của Vietstock cho thấy, đến thời điểm hiện tại có hơn một nửa doanh nghiệp trong ngành Viễn thông vẫn chưa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014 do chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Điển hình một số doanh nghiệp như Kỹ thuật Toàn Cầu (HNX: GLT), Công nghệ Tiên Phong (HOSE: ITD), Viễn thông Sài Gòn (HOSE: SGT), Viễn thông Vạn Xuân (HNX: VAT) và Kỹ thuật Viễn Thông (HNX: TST). Các đơn vị này đều xin gia hạn lịch tổ chức ĐHĐCĐ vào tháng 6.
Gia Nguyên
CÔNG LÝ
|