Thứ Hai, 26/05/2014 08:28

FLC tăng vốn khủng: Ai mua?

Trong tháng 4.2014, Công ty Cổ phần tập đoàn FLC vừa niêm yết thêm cổ phiếu và tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt 1.543,6 tỉ đồng. Công ty cũng đã thông qua danh sách chào bán 800.000 trái phiếu chuyển đổi. Sắp tới, tại Đại hội cổ đông thường niên 2014 diễn ra vào đầu tháng 6, FLC sẽ trình kế hoạch tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Nếu thành công, FLC sẽ có vốn điều lệ lên đến 4.550 tỉ đồng. 

Việc đầu tư chồng chéo ở FLC và các công ty con, liên kết sẽ tạo nên một lượng vốn ảo nhất định so với công bố trên thực tế.
Tăng vốn để tài trợ cho các dự án đầu tư hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là việc làm cần thiết, có thể giảm áp lực vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, việc tăng vốn quá nhanh của một công ty cách đây chưa đầy 1 năm có thị giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu khiến một số nhà đầu tư lo ngại. Không chỉ là lo ngại về khả năng thành công của các đợt phát hành sắp tới mà còn về mục đích sử dụng vốn cũng như người mua trong những đợt phát hành này.

Hãy thử nhìn lại đợt phát hành của FLC hồi đầu năm cũng như danh sách tổ chức mua trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp này. Cụ thể, trong đợt phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu hồi đầu năm, có hơn 88% số cổ phần chào bán được cổ đông đăng ký mua. Đây được xem là thành công lớn của FLC khi chọn đúng thời điểm và có chiến lược khác biệt.

Vào thời điểm FLC công bố kế hoạch phát hành với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng), cổ phiếu của FLC đang dao động quanh mức giá 6.000 đồng. Đến khi Công ty triển khai chào bán, cổ phiếu đã có nhiều phiên tăng trần liên tiếp và đạt đỉnh 15.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 7.4.2014 (ngày kết thúc đợt chào bán). Thành công của đợt phát hành này có thể sẽ tạo niềm tin và khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu tăng mua trong những đợt phát hành sắp tới.

Thế nhưng vẫn còn một băn khoăn khác là danh tính của những cổ đông hiện hữu đã mua 88% cổ phần vừa qua, đặc biệt là có cổ đông lớn hay không?

Trước đó, theo bản cáo bạch niêm yết của FLC, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Bất động sản Sài Gòn Invest đã bán toàn bộ 43,364% vốn điều lệ FLC vào ngày 3.7.2013 nhưng không đề cập đến các tổ chức, cá nhân nào là chủ nhân mới của số cổ phần trên (NCĐT đã liên hệ với FLC để xác nhận thông tin về số vốn Sài Gòn Invest bán ra nhưng chưa nhận được phản hồi). Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên phải công bố thông tin. Phải chăng những người mua số cổ phần lớn ở trên đều là nhà đầu tư nhỏ lẻ?

Việc thay đổi mục đích sử dụng vốn sau khi phát hành thành công cũng khiến cho một số nhà đầu tư lo lắng. Phương án sử dụng tiền thu được từ đợt phát hành đã được phê duyệt là đầu tư dự án nhà máy sản xuất bao bì carton và góp vốn vào dự án sân golf - resort - khách sạn 5 sao - khu vui chơi giải trí Hồ Cẩm Quỳ. Tuy nhiên, FLC vừa thông báo số tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố Thanh Hóa và bổ sung vốn lưu động vì tiến độ dự án không đạt kế hoạch đề ra do lý do khách quan.

Bên cạnh phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, FLC cũng thông qua danh sách phát hành trái phiếu chuyển đổi cho Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính và Quản lý Tài sản RTS (500 tỉ đồng) và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư R.O.R Việt Nam (300 tỉ đồng).Trái phiếu này có thời hạn 3 năm, lãi suất 6%/năm và trái chủ có quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu sau 1 năm.

Theo thông tin trên website của RTS, đây là công ty chuyên về đầu tư tài chính và quản lý tài sản cho các doanh nghiệp và cá nhân trong nước. Ngành nghề kinh doanh bao gồm kinh doanh bất động sản, tư vấn tài chính, quản lý tài sản, môi giới đầu tư. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2014 của FLC, các công ty con của FLC đang đầu tư tài chính dài hạn vào RTS với giá trị gần 403 tỉ đồng.

Còn Công ty Đầu tư R.O.R Việt Nam từng được Công ty Cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF phát hành 17 triệu cổ phiếu với mức giá 11.500 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, KLF là công ty liên kết của FLC, theo báo cáo thường niên năm 2013. Tính đến quý I/2014, FLC và các công ty con đang đầu tư dài hạn hơn 817 tỉ đồng vào KLF, theo báo cáo tài chính hợp nhất. FLC đang sở hữu 10,62% vốn cổ phần tại KLF. KLF cũng đầu tư trở lại một số công ty liên kết của FLC như FLC Travel, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska.

Trên thực tế, tình trạng sở hữu chéo của Tập đoàn FLC không chỉ dừng lại ở những ví dụ minh họa trên mà “mạng nhện” liên kết giữa công ty con và công ty liên kết rất phức tạp. Việc đầu tư chồng chéo này sẽ tạo nên một lượng vốn ảo nhất định so với công bố trên thực tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền và tính khả thi của các dự án đang cần thu hút vốn. Tuy vậy, diễn biến của cổ phiếu FLC trong thời gian qua vẫn khiến nhà đầu tư “say sóng” vì tăng trần nhiều phiên và có tính thanh khoản rất cao, đặc biệt là sự mua bán tích cực của các cổ đông nội bộ thuộc tập đoàn này.

Hoàng Vy

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Thủy điện Gia Lai: Phát hành 10.5 triệu cp ra công chúng giá 15,000 đồng/cp (25/05/2014)

>   Bảo hiểm Bảo Long: Chào bán ra công chúng gần 7 triệu cp (24/05/2014)

>   KDH: Báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ (23/05/2014)

>   NET: 29/05 GDKHQ nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1 (23/05/2014)

>   QCG: Đính chính số liệu trong báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu để hoán đổi và Báo cáo kết quả hoán đổi cổ phiếu (bổ sung) (23/05/2014)

>   SD5: Chuẩn bị phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10% (22/05/2014)

>   ViettelGlobal: Phát hành hơn 62 triệu cp để trả cổ tức (22/05/2014)

>   AVF: Báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng (22/05/2014)

>   Vietcombank: Phát hành gần 350 triệu cp thưởng cho cổ đông hiện hữu (22/05/2014)

>   FCM: Bản cáo bạch và Đường link công bố Bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng (21/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật