Lốp xe tăng tốc
Rời khỏi Đại lộ Bình Dương gồm 6 làn xe lưu thông, đoàn chúng tôi tiến vào địa phận Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, nơi có những đoạn đường khói bụi mịt mù. Cơ sở hạ tầng nơi đây đang dần được cải thiện để bắt kịp với tốc độ công nghiệp hóa của toàn Tỉnh, trong đó, ngành cao su và sản xuất lốp xe đang đóng vai cốt lõi. Sự kiện nhà máy Casumina Radial có vốn đầu tư tới gần 3.400 tỉ đồng vừa chính thức hoạt động tại đây là một minh chứng.
Thị trường ngành săm lốp Việt Nam.
|
Nội lãi lớn
Ba doanh nghiệp sản xuất lốp xe lớn nhất hiện nay thuộc khối nội, đã niêm yết là Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM), Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) và Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC). Họ chiếm tới 40,7% thị trường lốp xe cả nước. Mỗi doanh nghiệp hùng cứ một nơi: SRC nắm thị trường miền Bắc, DRC trấn giữ miền Trung và CSM thâu tóm miền Nam. Các sản phẩm chủ lực của khối nội gồm lốp xe đạp (không đáng kể vì quy mô thị trường quá nhỏ), xe gắn máy, xe nông nghiệp, xe tải, xe khách được tiêu thụ hằng năm từ nhu cầu thay thế lốp xe lên tới 94% so với chỉ 6% cho mục tiêu sản xuất thiết bị gốc (OEM).
Thị trường Việt Nam đang ở thời điểm vàng với nhiều điều kiện thuận lợi đối với ngành sản xuất lốp xe như nguồn nguyên liệu cao su tự nhiên dồi dào (diện tích trồng cao su cả nước trên 900.000 ha), nhân công rẻ và thuế xuất khẩu mặt hàng săm lốp là 0% so với mức 8% của Trung Quốc.
Vì vậy, cả DRC, CSM, SRC đều tận dụng lợi thế giá nguyên liệu đầu vào thấp để đạt hiệu quả kinh doanh cao. Năm qua, cả 3 doanh nghiệp này đều đạt mức lợi nhuận trước thuế khá cao, lần lượt là CSM (481,3 tỉ đồng, tăng 75,02% so với 2012); DRC (500,6 tỉ đồng, tăng 20,04%) và SRC (87,2 tỉ đồng, tăng 34,15%).
Và chiến lược phân phối của 3 doanh nghiệp nội địa đầu ngành đều có sự khác biệt.
Với sản phẩm cốt lõi là lốp xe tải, kênh phân phối chủ lực của DRC là các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô chuyên tiêu thụ các sản phẩm OEM như Tổng Công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam, Ôtô Trường Hải, Hyundai Vina Motor, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Becamex, Xi măng Bỉm Sơn.
Trong khi đó, ưu điểm của CSM là xuất khẩu tới 36 thị trường nước ngoài với tỉ lệ trong doanh thu năm qua lên tới 23,2%. Chiến lược này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm nay với nhà máy Casumina Radial vốn gần 3.400 tỉ đồng ở Bình Dương.
Đối với SRC, kênh phân phối chủ lực là hệ thống 130 đại lý cấp 1 trong cả nước với hơn 65% tập trung tại khu vực miền Bắc. Hiện nay, tỉ lệ doanh thu hằng năm của SRC là hơn 93,1% từ thị trường nội địa và phần còn lại từ xuất khẩu.
Kinh doanh có lãi, cùng với thời cơ chín muồi chính là lực đẩy để 3 doanh nghiệp nội địa tăng tốc trong các dự án đầu tư mới.
Tuần qua, sự kiện khai trương nhà máy lốp xe tải toàn thép Casumina Radial của CSM với công suất dự kiến khoảng 1 triệu lốp/năm vào năm 2017 là một thành quả đáng ghi nhận của đơn vị này. Việc đầu tư nhà máy này sẽ có thể tạo thêm doanh thu hằng năm cho CSM gần 5.000 tỉ đồng. So với tổng doanh thu của CSM trong năm qua chỉ ở mức 3.252 tỉ đồng, sẽ thấy được vị thế quan trọng của dự án này.
Không kém cạnh CSM, giữa năm 2013, DRC đã đưa nhà máy sản xuất lốp xe tải radial vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng ở Khu Công nghiệp Liên Chiểu (Đà Nẵng) vào hoạt động. Công suất dự kiến của nhà máy là 600.000 lốp/năm vào năm 2015.
Ngoại đầu tư tiền tỉ
Theo trang web tirebusiness.com, ngành săm lốp Việt Nam hiện có quy mô thị trường tương đối nhỏ, chỉ vào khoảng 800 triệu USD so với mức 235 tỉ USD của cả thế giới. Vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp nội mà cả khối ngoại cũng không muốn bỏ lỡ thời cơ biến Việt Nam thành một trong những cứ điểm sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ mới.
Khối nội đang nắm giữ khoảng 40% thị trường lốp xe cả nước, nhưng các nhà đầu tư ngoại thậm chí còn nhỉnh hơn với 60% thị trường. Đặc biệt, họ còn sở hữu miếng bánh béo bở nhất là phân khúc lốp xe du lịch, vốn đòi hỏi công nghệ sản xuất cao và giá bán gấp nhiều lần so với các sản phẩm của khối nội.
Anh Huỳnh Tấn Vương, Giám đốc Tiếp thị Công ty Kumho Tire Vietnam, cho biết: “Tiềm năng phát triển trong dài hạn của thị trường là khá lớn, từ 20-25%/năm, nhất là phân khúc lốp xe du lịch”. Chính tiềm năng này đã thu hút các thương hiệu hàng đầu thế giới vào Việt Nam như Bridgestone, Michelin, Kumho, Yokohama, GoodYear…
Mới đây, Tập đoàn Kumho (Hàn Quốc) tuyên bố sẽ rót thêm 100 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tại Bình Dương (vốn ban đầu 200 triệu USD) để nâng công suất hiện tại khoảng 3 triệu lốp/năm lên mức 5,6 triệu lốp/năm trong năm 2015.
Một công ty khác là Bridgestone (Nhật) cũng đã nhận Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, nâng vốn đầu tư dự án nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone ở Hải Phòng từ 574 triệu USD lên 1,2 tỉ USD. Theo kế hoạch, dự án này sẽ chính thức đưa sản phẩm ra thị trường trong tháng 6 tới, với công suất dự kiến hơn 9 triệu lốp/năm, gấp 9 lần công suất của nhà máy Casumina Radial vào năm 2017.
Ưu điểm của các dự án ngoại như nhà máy lốp xe Kumho hay Bridgestone là có công nghệ cao sản xuất lốp xe du lịch toàn thép (radial) của Hàn Quốc và Nhật so với loại lốp bias mà các doanh nghiệp nội đang sử dụng với công nghệ chủ yếu của Trung Quốc.
Hiện nay, chỉ riêng 2 nhà máy sản xuất lốp xe Kumho (Bình Dương) và Bridgestone (Hải Phòng) đã ngốn số vốn đầu tư lên tới 1,5 tỉ USD. Với tiềm năng phát triển của thị trường từ 20-25%/năm, chắc chắn con số này sẽ không dừng tại đây. Chưa hết, ngoài phân khúc béo bở là lốp xe du lịch, cả Kumho và Bridgestone cũng đang đẩy mạnh sản xuất sản phẩm lốp xe tải nhẹ vốn là sân chơi của khối nội. Hiện tỉ lệ sản xuất của nhà máy Kumho tại Việt Nam đối với các sản phẩm lốp xe tải nhẹ đã chiếm tới 23% so với các sản phẩm khác của Hãng.
Với tiềm năng phát triển lớn, nhưng do quy mô thị trường trong nước còn nhỏ, nên cả khối nội lẫn ngoại đều chú trọng đến xuất khẩu trong dài hạn.
CSM, chẳng hạn, đơn vị này đã có kế hoạch tăng tỉ lệ doanh thu từ xuất khẩu lên mức 30% trong năm nay so với 23,2% của năm 2013, sau khi đưa nhà máy Casumina Radial vào hoạt động. Hiện CSM đã xây dựng được mạng lưới tiêu thụ thông qua hàng trăm nhà phân phối tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ để quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Hai doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn là DRC và SRC cũng có kế hoạch tăng doanh thu từ xuất khẩu ở mức chỉ 7,4% và 6,9% (2013) lên khoảng 10% trong năm nay. Hiện thị trường xuất khẩu chính của 2 doanh nghiệp này là Campuchia, Bangladesh, Myanmar và Angola.
Nếu xuất khẩu chỉ được khối nội định hướng phát triển trong những năm gần đây thì đây lại là mục tiêu cốt lõi của các dự án FDI tại Việt Nam, thậm chí nó còn được hoạch định rõ ràng trước khi khối ngoại ra quyết định đầu tư. “Hơn 95% sản phẩm của nhà máy tại Việt Nam được xuất sang thị trường Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Á và Úc”, ông Vương, Kumho Tire Vietnam, nói. Đây cũng là tỉ lệ xuất khẩu của nhà máy Bridgestone (Hải Phòng), dự kiến đi vào hoạt động trong vài tháng tới.
Vĩnh Bảo
Nhịp cầu đầu tư
|