Chủ Nhật, 27/04/2014 16:02

“Vùng tối” vay nợ nước ngoài

Khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp nhà nước và cả các tổ chức tín dụng đang vay nợ nước ngoài tổng cộng bao nhiêu? Hiện không có cơ quan nào trả lời được câu hỏi này. Đây là một “vùng tối” cần được “phát quang” nhằm theo dõi sự an toàn về nợ nước ngoài của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ra Thông tư 12/2014/TT-NHNN về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh với một số thay đổi theo hướng quản lý tiền nợ nước ngoài đầy đủ hơn. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 15-5-2014. Qua thông tư này cho thấy việc vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước trước đây còn những “vùng tối”.

Muôn hình vạn trạng

Phần lớn các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp là ngắn hạn, dưới một năm. Giá trị tiền vay từ vài trăm ngàn tới vài triệu đô la Mỹ, dưới rất nhiều hình thức tương tự tín dụng nhưng nhiều khi không có hợp đồng tín dụng. Qua khảo sát của TBKTSG, việc này khá phổ biến, nhất là trong vòng hai năm qua khi tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ tại Việt Nam tương đối ổn định và lãi suất cho vay đô la Mỹ ở nước ngoài thấp hơn ở Việt Nam.

Theo quy định, các khoản vay dưới một năm không phải đăng ký với NHNN và có thể được gia hạn thêm (cũng với thời hạn dưới một năm) dưới nhiều hình thức mà không ký hợp đồng vay mượn. Do đó, cơ quan quản lý không thể biết quy mô của số nợ nước ngoài đang chảy ngầm này.

Các hình thức vay nợ nước ngoài không có bảo lãnh của Chính phủ rất đa dạng. Rất nhiều khoản là đối tác cho nhau vay, vay trả chậm qua L/C, đối tác nước ngoài ứng tiền trước cho đối tác xuất khẩu hàng hóa phía Việt Nam, đối tác nhập khẩu nước ngoài đồng ý cho đối tác xuất khẩu Việt Nam trả chậm tiền hàng 3-9 tháng với giá hàng hóa đàm phán cao hơn giá trị trường (về bản chất, nó như một khoản cho vay mà lãi suất, chi phí vay là phần giá cộng thêm vào giá hàng hóa)... Doanh nghiệp vay từ ngân hàng ở nước ngoài, đối tác xuất nhập khẩu trả chậm qua L/C nhưng ngân hàng làm trung gian bảo lãnh trả trước cũng là hình thức tín dụng. Việc phát hành công cụ nợ, khoản vay phát sinh từ hợp đồng thuê tài chính với nước ngoài... cũng là vay nợ nước ngoài.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước vay lẫn nhau dưới nhiều hình thức. Đối tác cho nhau vay thường theo hai dạng “cleanline” hay “tradeline”. Cleanline là khi doanh nghiệp cho nhau vay ở mức nhất định, không ràng buộc mục đích sử dụng tiền, không thế chấp, chủ yếu bằng uy tín với nhau. Tradeline chỉ các khoản vay liên quan đến hỗ trợ thanh toán ngân hàng trong giao dịch xuất nhập khẩu, như ứng tiền thanh toán L/C... Có không ít doanh nghiệp cho nhau vay bằng hàng hóa, thậm chí vay qua đường kiều hối. NHNN từng cho biết có một số trường hợp, doanh nghiệp lợi dụng văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của NHNN để kêu gọi các đối tác góp vốn thực hiện dự án, song thực chất là hành vi chiếm đoạt tài sản, vi phạm pháp luật.

Sẽ quay qua vay vốn ngoại?

Gần đây, các khoản vay trực tiếp nước ngoài (dân trong nghề gọi là offshore loans) khá nhộn nhịp còn bởi giá vốn đi vay ngoại tệ từ nước ngoài rẻ hơn nhiều so với vay tại Việt Nam. Lãi suất vay đô la Mỹ tại Việt Nam ​theo NHNN hiện phổ biến ở mức 4-7%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 4-6%/năm, trung và dài hạn từ 5,5-7%/năm, trong khi nếu doanh nghiệp vay ​đô la Mỹ ở nước ngoài, lãi suất chỉ khoảng 2,5%/năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vay ngoại tệ trong nước rất gian nan, bởi theo quy định, họ phải chứng minh được nguồn ngoại tệ thu về thì mới được vay và thủ tục xét duyệt cũng rất lằng nhằng.

Thủ tục vay ngoại tệ từ ngân hàng ở nước ngoài cũng dễ dàng hơn. Một nguồn tin đang làm việc trong ngân hàng nước ngoài nói các tổ chức nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam vay không đòi hỏi cầu kỳ. Thậm chí họ còn nói cho một doanh nghiệp như Unilever vay còn hơn là cho doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh vay, đặc biệt sau những ứng xử “kỳ cục” với các hợp đồng vay vốn nước ngoài của Vinashin và một vài tổng công ty nhà nước. Giới tài chính nước ngoài không coi trọng việc Chính phủ bảo lãnh khoản vay bằng việc doanh nghiệp có thể thế chấp tiền và tài sản. Riêng doanh nghiệp FDI, vay ngân hàng nước ngoài luôn dễ hơn bởi công ty mẹ ở nước ngoài đã có quan hệ tín dụng lâu năm với ngân hàng. Điều đó như một hình thức bảo lãnh tốt bởi bên cho vay cảm thấy tin cậy và họ có thể đánh giá được rủi ro của công ty mẹ.

Với một số thay đổi tích cực về cách quản lý nợ vay nước ngoài theo Thông tư 12, các ngân hàng cảm thấy tốt hơn. Tổng giám đốc một ngân hàng nói: “Đừng để doanh nghiệp có tâm lý phải lén lút đi vay vì e ngại sự kiểm soát theo kiểu không quản được thì cấm. Người kinh doanh khi tìm vốn nhất thiết phải tìm vốn rẻ, đó là việc rất tự nhiên và chính đáng. Khuyến khích mọi người khai báo minh bạch là cách làm khôn ngoan nhất”.

Hồng Phúc

tbktsg

Các tin tức khác

>   Ủy ban Kinh tế: Cần đánh giá tác động của Bitcoin (27/04/2014)

>   Vietinbank: Chủ tịch Phạm Huy Hùng thôi làm đại diện vốn Nhà nước (27/04/2014)

>   ĐHĐCĐ PVcomBank: Ẩn số báo cáo của ban kiểm soát (26/04/2014)

>   ĐHĐCĐ DongABank: Bất ngờ xuất hiện tờ trình sáp nhập, ông Cao Sỹ Kiêm làm Chủ tịch (26/04/2014)

>   Ngân hàng "bắn tin" cho doanh nghiệp trốn thuế (26/04/2014)

>   Ngân hàng Kiên Long dính líu gì tới đại án “Bầu Kiên”? (26/04/2014)

>   Ngân hàng Nhà nước tính bơm hàng chục nghìn tỷ lãi suất thấp (25/04/2014)

>   NHNN: Đến 22/04, tăng trưởng tín dụng đạt 0.62% (25/04/2014)

>   Thủ kho ngân hàng BIDV "biển thủ" hơn 31 tỉ đồng (25/04/2014)

>   Các ngân hàng đang 'ôm' 308.000 tỉ đồng nợ xấu (25/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật