Ngân hàng Kiên Long dính líu gì tới đại án “Bầu Kiên”?
Ngân hàng TMCP Kiên Long đã nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên Ngân hàng ACB và một số công ty do ACB ủy thác. Kienlongbank còn nhận tiền gửi lòng vòng, tạo điệu kiện để Bầu Kiên đầu tư cổ phiếu sai quy định.
Nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần
Liên quan đến hành Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện Kiên đã chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB (gồm Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải và Phạm Trung Cang) ký biên bản ngày 22/3/2010 ra chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho các tổ chức và cá nhân gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng.
Thực hiện chủ trương trên, từ ngày 22/5/2005 đến ngày 27/9/2011, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhiều nhân viên và 4 công ty (gồm: Công ty TNHHH Chứng khoán ACB, Công ty TNHH MTV quản lý quỹ ACB, Công ty TNHH TMDV Việt Thanh và Công ty CP Kim Ngân Việt) gửi tổng cộng 130.784.813.395.045 đồng với lãi suất từ 8,5%/năm đến 27%/năm và 81.258.329 USD với lãi suất từ 3%/năm đến 6%/năm vào 29 ngân hàng.
Việc làm này đã thu được tổng số tiền lãi là 6.278.900.951.883 đồng và 1.882.405,62 USD, lãi chênh lệch vượt trần thu được là 258.490.822.2509 đồng (riêng USD không có lãi suất vượt trần).
Bầu Kiên tại phiên xét xử ngày 16/4.
|
Những hành vi trên của “Bầu Kiên” và đồng phạm đã vi phạm Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/05/2008 về cơ chế điều hành lãi suất bằng đồng Việt Nam kèm theo các Quyết định số: 2619/QĐ-NHNN ngày 5/11/2010, số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng nhà nước quy định lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam; Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 23/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất; Điều 13 và Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng, gây rối loạn thị trường tiền tệ, gây hậu quả đặc biệt lớn trong việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ, thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông của Ngân hàng ACB là 256.838.071.514 đồng, trực tiếp dây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718,908 tỷ đồng.
Qua quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã xác định rõ có 26 ngân hàng đã nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên Ngân hàng ACB và 4 công ty do ngân hàng này ủy thác nói trên. Trong danh sách này có tên của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank).
Ngày 19/7/2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra, xác định sai phạm và đề nghị xử lý các cá nhân liên quan tại các ngân hàng đã có có hành vi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần nói trên.
Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, trong khi số lượng ngân hàng liên quan nhiều nên ngày 1/8/2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Quyết định tách vụ án hình sự số 06/C46-P10 đối với hành vi nhận tiền gửi vượt trần của 26 ngân hàng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tạo điều kiện cho Bầu Kiên đầu tư cổ phiếu trái quy định?
Liên quan đến tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của Bầu Kiên và đồng phạm, tài liệu của Cơ quan CSĐT cho biết, Ngân hàng Kienlongbank, cùng với Vietbank đã nhận tiền lòng vòng trong quá trình Kiên chỉ đạo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB sai quy định, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB tổng số tiền là 688.474.784.540 đồng.
Theo hồ sơ vụ án, do thời điểm cuối năm 2009, giá cổ phiếu của Ngân hàng ACB bị giảm sút. Để nâng giá trị cổ phiếu của Ngân hàng ACB lên, ngày 2/11/2009, Nguyễn Đức Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã họp và ra chủ trương cấp tiền cho Công ty ACBS (công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn điều lệ) để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB. Nguyễn Đức Kiên là người trực tiếp chỉ đạo việc đầu tư cổ phiếu này.
Cơ quan chức năng đang xem xét xử lý Kienlongbank và các ngân hàng có hành vi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần.
|
Do biết pháp luật không cho phép Ngân hàng ACB cấp tín dụng cho Công ty ACBS nên Ngân hàng ACB đã chuyển tiền cho Ngân hàng Kienlongbank và Vietbank vay qua liên ngân hàng để ngân hàng này chuyển cho Công ty ACBS dưới hình thức mua trái phiếu do công ty này phát hành.
Bên cạnh đó, do biết Công ty ACBS không được phép mua cổ phiếu Ngân hàng ACB nên ACB đã thông qua các Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu (ACI) và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN) để đứng tên mua cổ phiếu Ngân hàng ACB dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư.
Với các thủ đoạn đó, Nguyễn Đức Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã chỉ đạo ngân hàng này cấp cho Công ty ACBS 1.500 tỷ đồng. Sau đó, cùng với vốn tự có, Công ty ACBS đã chuyển cho các công ty ACI và ACI-HN tổng số tiền 1.557.365.962.690 đồng để đứng tên mua hộ 52.508.538 cổ phiếu ACB.
Đến thời điểm Bầu Kiên bị bắt tạm giam, số tiền trên ACB mới thu về được 364.365.962.690 đồng tiền gốc, còn lại 1.193 tỷ đồng chưa thu về. Trong khi đó, cổ phiếu Ngân hàng ACB còn lại là 19.568.538 cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu.
Việc này đã gây thiệt hại cho ACB 614.436.605.492 đồng nếu tính theo đơn giá lúc mua là 29.566đ/cổ phiếu. Nếu tính theo giá trị cổ phiếu là 16.000đ/cổ phiếu thì thiệt hại là 879.903.424.000 đồng.
Ngoài ra, việc Ngân hàng ACB chuyển 1.500 tỷ đồng lòng vòng qua các ngân hàng Kienlongbank và Vietbank để các ngân hàng này mua trái phiếu do các công ty ACBS, ACI và ACI-HN phát hành rồi mua lại chính cổ phiếu ACB cũng gây thiêt hại cho ACB 74.038.179.048 đồng. Đây là tiền chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu 3 công ty nói trên phải trả cho Vietbank, Kienlongbank với lãi suất tiền gửi liên ngân hàng mà ACB đã thu được từ chính Kienlongbank và Vietbank. Như vậy, nếu tính thiệt hại có lợi cho các bị can thì tổng thiệt hại cho Ngân hàng ACB là 688.474.784.540 đồng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, hành vi của Nguyễn Đức Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã làm trái Điều 126 Luât các Tổ chức tín dụng và Điều 29, Quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính, đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự.
Ngoài việc nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần và nhận tiền lòng vòng trong quá trình Bầu Kiên đầu tư cổ phiếu trái quy định nói trên, Kienlongbank còn được nhắc tới trong hoạt động kinh doanh trái phép của Công ty ACI-HN.
Theo cáo trạng, mặc dù công ty này không được phép kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo sử dụng hơn 1,4 nghìn tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu của một số ngân hàng. Trong đó, từ tháng 12/2008 – 6/2011, Công ty ACI-HN đã sử dụng 198 tỷ đồng và thông qua các ông Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Đàm Văn Tuấn đứng tên mua 19.800.000 cổ phiếu Kienlongbank./.
pháp luật
|