Nếu MH370 không bao giờ được tìm thấy…
Hơn một tháng rưỡi sau cuộc tìm kiếm quy mô lớn, chiếc máy bay MH370 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines vẫn biệt vô âm tín.
* Cơ phó MH370 từng gọi điện thoại giữa chuyến bay
* Vụ MH370: Xem xét lại cách tiếp cận thông tin tìm kiếm
* Chiến dịch tìm kiếm MH370 dưới đáy biển sắp kết thúc
Điều gì xảy ra nếu chiếc máy bay Boeing 777 đã biến mất ở nam Ấn Độ Dương này không bao giờ được tìm thấy, với 239 hành khách và phi hành đoàn trên đó?
1. Đó sẽ là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới
Việc máy bay MH370 mất tích sánh ngang với vụ Amelia Earhart, câu chuyện đã gây ra sự tò mò cho nhiều thế hệ. Nữ phi công tiên phong trong ngành hàng không này đã thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới đầu tiên với một phi công nữ, được toàn cầu chú ý, vào tháng 6-1937. Sau khi hoàn tất khoảng hai phần ba chặng đường, bà và viên hoa tiêu Frederick Noonan biến mất. Một cuộc tìm kiếm lớn được mở, nhưng không ai thấy dấu vết gì của Earhart, Noonan hay chiếc máy bay của họ. Một số người tin rằng chiếc máy bay hết nhiên liệu và lao xuống biển, giống với một giả thuyết về chiếc MH370.
Tất nhiên, không phải mọi bí ẩn đều là vĩnh viễn. Đội tìm kiếm đã phải mất hai năm mới vớt được hộp đen từ chuyến bay AF447 của hãng Air France, gặp nạn ở Đại Tây Dương ngày 1-6-2009 trên đường từ Rio đi Paris, với 228 người trên máy bay. Đôi khi bạn chỉ có thể biết mơ hồ về vị trí một vật thể giữa đại dương bao la. Vào năm 1912, khi chiếc tàu Titanic chìm trong chuyến ra khơi đầu tiên ở bắc Đại Tây Dương, còn chưa có GPS và các phương tiện hiện đại như bây giờ. Mãi tới năm 1985, chiếc tàu chở khách nổi tiếng này mới được tìm thấy.
2. Các gia đình muốn được biết nhiều hơn
Nếu bạn muốn nhìn thấy sự đau khổ, hãy nhìn vào khuôn mặt những người thân của các nạn nhân trên chuyến máy bay xấu số. Họ không hy vọng phép màu nữa, nhưng muốn có thêm thông tin.
“Khi thời gian càng trôi đi, chúng tôi biết cơ hội để con trai tôi và những người khác trên máy bay sống sót càng ít ỏi đi”, một người thân giấu tên nói với đài truyền hình Mỹ CNN. “Để biết ai đó còn, thì phải nhìn thấy người đó. Để biết ai đó đã chết chưa, thì phải nhìn thấy thi thể. Đó là tất cả những gì tôi muốn”.
3. Những “phát hiện” trong cuộc tìm kiếm làm bùng lên, rồi lại làm tắt đi, hy vọng
Cứ vài tháng hay vài năm, ai đó sẽ lại nêu ra một giả thuyết mới giải thích vụ mất tích này, hoặc ai đó sẽ nói họ nhin thấy một mảnh vỡ. Hy vọng sẽ bùng lên rồi lại tắt đi trong các sự kiện bí ẩn như thế này.
4. Các khoản bồi thường bảo hiểm lớn
Hiện chưa rõ Malaysia Airlines sẽ trả bao nhiêu cho gia đình các nạn nhân, nhưng con số có lẽ sẽ không hề nhỏ. Một số luật sư có kinh nghiệm trong các vụ tai nạn máy bay, nói mỗi hành khách có thể được trả từ 400.000 tới 10 triệu USD. Thông lệ cho ngành bảo hiểm hàng không là từ 2 tỉ tới 2,5 tỉ USD cho một chiếc máy bay chở khách, CNN dẫn lời luật sư chuyên về hàng không Dan Rose của hãng Kreindler & Kreindler. Chia ra, con số đó vào khoảng 10 triệu USD mỗi hành khách.
Theo hiệp ước quốc tế Montreal về hàng không dân dụng, hãng hàng không phải trả cho gia đình mỗi hành khách thiệt mạng khoản tiền từ 150.000 tới 175.000 USD, nhưng đó mới chỉ là bắt đầu. Những người thân cũng có thể khởi kiện để đòi thêm đền bù. Nhà sản xuất chiếc máy bay, Boeing, cũng là một mục tiêu của các vụ kiện. Tuy nhiên cho tới khi chiếc máy bay được tìm thấy, các gia đình sẽ chưa thể làm gì nhiều. Để dễ hiểu, giống như giải quyết một vụ sát nhân mà chưa tìm thấy thi thể.
5. Sẽ có thay đổi trong chính sách hàng không
Mỗi thảm họa lại dẫn tới những thay đổi chính sách. Nhà chức trách Mỹ đã thông qua một tiêu chuẩn mới 90 ngày, thay vì 30 ngày, cho thiết bị phát tiếng ping đi kèm với hộp đen máy bay, để các đội cứu hộ có thể tìm kiếm trong một thời gian lâu hơn. Tới năm 2015, Cục hàng không liên bang Mỹ sẽ yêu cầu tất cả các máy bay mới phải đáp ứng tiêu chuẩn 90 ngày này. Các máy bay cũ hơn được cho thời hạn tới năm 2020.
Malaysia cũng đã gửi báo cáo sơ bộ của họ về MH370 cho Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc quản lý hàng không dân dụng toàn cầu, nhưng báo cáo này chưa được công khai cho dư luận.
Nhiều câu hỏi khác cũng đã được đặt ra sau vụ tai nạn. Liệu có cách nào tốt hơn để theo dõi các máy bay chở khách? Liệu có nên sử dụng vệ tinh theo dõi sự di chuyển của các máy bay trong tình huống bộ phát tín hiệu bị tắt? Mỗi điện thoại thông minh giờ đều có hệ thống GPS, liệu chúng ta có nên lắp đặt thiết bị tương tự cho một chiếc máy bay trị giá hàng trăm triệu USD?
Ngày 25-4, các quan chức quốc phòng Mỹ đánh giá có thể sẽ phải mất hàng năm để tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370.
Theo hãng tin Reuters, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết cho biết tàu ngầm mini Bluefin-21 của hải quân Mỹ đã dò tìm dưới lòng phía nam Ấn Độ Dương suốt hai tuần qua nhưng vẫn không phát hiện thấy bất kỳ mảnh vỡ máy bay nào. Do đó, các đội tìm kiếm sẽ phải mở rộng phạm vi dò tìm trên Ấn Độ Dương ở các khu vực gần nơi tình nghi máy bay rơi.
“Chúng ta đi vào khu vực tìm kiếm nhỏ và không thấy gì. Giờ chúng ta sẽ phải tìm ở các khu vực rộng hơn và điều đó sẽ mất hàng năm” - quan chức Mỹ nhấn mạnh.
Hôm nay, tàu ngầm Bluefin-21 sẽ thực hiện chuyến dò tìm cuối cùng kéo dài 16 giờ ở độ sâu hơn 4,5km ở phía nam Ấn Độ Dương. Phạm vi tìm kiếm là một khu vực lòng biển dài vào khoảng 10km. Đây là khu vực mà các tín hiệu “ping” từ đáy đại dương phát đi.
Tuy nhiên phía quân đội Mỹ tỏ ra bi quan và cho biết chính quyền Malaysia sẽ phải quyết định xem tiếp tục tìm kiếm như thế nào, có phải huy động thêm nhiều tàu ngầm mini hay không.
Hôm nay Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết đầu tuần tới chính quyền Kuala Lumpur sẽ công bố báo cáo sơ bộ về việc chuyến bay MH370 mất tích. Ông nhấn mạnh Malaysia không có gì để che giấu trong vụ mất tích máy bay bí hiểm này.
NGUYỆT PHƯƠNG
|
Hải Minh
tuổi trẻ
|