Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU
Ngày 25-4, tại TP.HCM, Dự án EU – MUTRAP phối hợp với Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu quá trình phân phối và nhu cầu thị trường EU”.
Tiếp cận hạn chế
Ông Nguyễn Đức Thương - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, Liên Minh châu Âu (EU) luôn là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Những năm qua dù khủng hoảng kinh tế diễn ra nhưng quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam – EU vẫn tăng trưởng tích cực.
Từ năm 2012, EU đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU đạt 33,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2012; trong đó Việt Nam xuất khẩu qua EU đạt 24,3 tỷ USD và nhập về từ EU 9,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU thời gian qua vẫn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép.
Trong khi đó, khả năng tiếp cận thị trường EU của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Xét tương quan cạnh tranh, kim ngạch xuất khẩu sang EU đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam còn thua kém nhiều nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Trung Quốc.
Nhận định về thị trường EU từ góc độ của một DN vừa và nhỏ, ông Trần Anh Hoàn, Giám đốc Công ty Linh Anh, các DN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận với thị trường EU do thị trường này đưa ra rất nhiều chỉ tiêu đối với hàng nhập khẩu với nhiều chỉ tiêu khắt khe về kĩ thuật. Bên cạnh đó các quy định pháp lí liên quan đến thời gian giao hàng, số lượng hàng.. theo hợp đồng rất chặt chẽ. Đặc biệt, hầu hết các đơn hàng từ EU đều yêu cầu sản lượng lớn trong khi quy mô và khả năng đáp ứng của các DN Việt Nam còn hạn chế.
Tìm hiểu kĩ nhu cầu thị trường
Theo các chuyên gia, để tiếp tục duy trì tăng trường XK sang EU, nâng cao tỉ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước sang thị trường này, một yêu cầu quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu kĩ quá trình phân phối và nhu cầu của thị trường EU để có cách tiếp cận phù hợp.
Cụ thể, theo ông Claudio Dordi -Trưởng nhóm tư vấn kỹ thuật Dự án EU – MUTRAP để hàng hóa có thể bán tại thị trường EU, ngoài việc phải hiểu rõ Luật thực phẩm của EU, quy định về việc dán nhãn mác, cách đóng gói cũng như các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, các doanh nghiệp phải nắm rõ thói quen tiêu dùng tại các thị trường này để lựa chọn các kênh phân phối phù hợp. Chẳng hạn tại thị trường Hà Lan, người tiêu dùng thường có thói quen mua sắm nông sản trong siêu thị. Do đó, muốn bán được hàng thì DN cần tiếp cận kênh phân phối này và đáp ứng các yêu cầu mà họ đưa ra.
Liên quan đến hệ thống phân phối bà Nguyễn Cẩm Nhung, chuyên gia EU-MUTRAP cho rằng, các DN cần nghiên cứu các phân đoạn, nhận dạng các kênh phân phối tốt nhất (siêu thị, nhà nhập khẩu, nhà phân phối hoặc đại diện nước ngoài) để trực tiếp tiếp thị sản phẩm. Đồng thời xem xét xây dựng quan hệ đối tác trực tiếp với các nhà bán lẻ nước ngoài các nhà bán lẻ, bán buôn lớn để thúc đầy tốt hơn xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Theo bà Nguyễn Cẩm Nhung, ở Việt Nam tập đoàn Casino của Pháp và tập đoàn Metro của Đức đều có các điểm thu mua, các DN có thể thông qua các kênh phân phối này để đưa hàng hóa vào thị trường EU.
Dưới góc độ một nhà phân phối hàng đầu tại Đức, đại diện Tập đoàn METRO chia sẻ, để hàng nông sản tiêu thụ thuận lợi tại EU, Việt Nam nên hiện đại hóa nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của các thành phần trong chuỗi cung ứng bền vững nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Tương tự, ông Valentin Trần, Giám đốc thu mua toàn cầu của Big C cho biết, đặc thù của thị trường Pháp là người tiêu dùng rất chú trọng đến giá cả của sản phẩm nhưng họ vẫn có yêu cầu cao về chất lượng, dịch vụ, đặc biệt là tiêu chí thân thiện với môi trường. Do đó, để chinh phục thị trường này DN Việt Nam cần phát triển hơn về thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm và sẵn sàng tổ chức các chuyến tham quan nhà máy cho đối tác nhập khẩu khi họ yêu cầu.
Cũng theo ông Valentin Trần, trong năm 2013, thông qua Big C, đã có nhiều hàng hóa Việt Nam được xuất sang các chi nhánh của Tập đoàn Casino trên thế giới, trị giá khoảng 20 triệu USD, bao gồm các mặt hàng dệt may, sản phẩm nội thất làm bằng tre, các mặt hàng thực phẩm khô…
Nguyễn Huế
hải quan
|