Thứ Bảy, 26/04/2014 09:41

SBIC (Vinashin) lại xin cấp tiền!

Từ Vinashin thành SBIC, từ tập đoàn xuống tổng công ty đã là quá trình tiêu tốn ngân sách, làm nghèo đất nước. Nay liệu ngân sách có phải chi thêm tiền để cổ phần hóa SBIC không?

* SBIC xin miễn thuế, Vinalines xin “xóa” bớt tàu cũ

Trên sàn chứng khoán hiện tại có khoảng hơn chục doanh nghiệp niêm yết lỗ lũy kế 2-3 năm, âm vốn chủ sở hữu như Công ty cổ phần Đầu tư, Xây lắp dầu khí Sài Gòn (PSG-Hnx, vốn chủ sở hữu âm 207 tỉ đồng), Công ty cổ phần Ô tô Giải Phóng (GGG-Hnx, âm 61 tỉ đồng), Công ty cổ phần Bê tông Biên Hòa (BHC-Hnx), Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển (VST-Hose)... Thị giá cổ phiếu của những doanh nghiệp trên khoảng 2.000-3.000 đồng. Trong khi nhiều người tránh xa những cổ phiếu đó, cho rằng chúng không triển vọng gì, một số nhà đầu tư vẫn mua với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ vay được vốn, sẽ làm ăn được, trả được nợ và “lấy lại” những gì đã mất.

Đơn cử VST, công ty mà Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) sở hữu 60% vốn, lên kế hoạch lỗ tiếp trong năm 2014 và quí 1 vừa qua đã báo lỗ 37 tỉ đồng nữa. VST dự kiến bán tàu để trả bớt nợ, giảm tiền vay. Ngành vận tải biển vẫn đang suy thoái, VST chưa thể gượng dậy. Tuy nhiên, công ty còn đó đội ngũ thủy thủ, tàu bè, phương tiện vận tải... biết là lỗ, song vẫn phải duy trì hoạt động, chờ đợi khủng hoảng qua đi.

Sự chờ đợi đó quá đắt với VST, mà đắt nhất là giá cổ phiếu bị hạ bậc, rẻ như rau, nhưng liệu còn cách nào khác để doanh nghiệp tồn tại? Nếu VST nộp đơn xin giải thể, phá sản bây giờ, các chủ nợ ngân hàng là những người mất tiền trước tiên.

 Để chuẩn bị cổ phần hóa, SBIC vừa có đề nghị lên Bộ Tài chính phương án Nhà nước cấp thêm vốn cho các công ty con dự kiến giữ lại vì hầu hết các đơn vị này đã thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu; miễn giảm thuế và đặc biệt xóa toàn bộ nợ lãi, cộng với xóa thêm 70% nợ gốc vay các ngân hàng nội địa.
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC, tên cũ là Vinashin) thì không như thế. Để chuẩn bị cổ phần hóa, SBIC vừa có đề nghị lên Bộ Tài chính phương án Nhà nước cấp thêm vốn cho các công ty con dự kiến giữ lại vì hầu hết các đơn vị này đã thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu; miễn giảm thuế và đặc biệt xóa toàn bộ nợ lãi, cộng với xóa thêm 70% nợ gốc vay các ngân hàng nội địa.

Chưa biết ý kiến Bộ Tài chính ra sao, nhưng hẳn các chủ nợ trong nước không thể nào hài lòng được. Dự thảo thông tư về giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng thay thế Thông tư 13 sắp được ban hành, trong đó có quy định về giá trị thực vốn điều lệ. Các khoản nợ xấu đều phải trích dự phòng và nếu mất vốn, phải tính vào giá trị thực vốn điều lệ. Còn cấp thêm vốn cho SBIC, ngân sách lấy nguồn nào chi? Cổ phần hóa là để đa dạng hóa vốn chủ sở hữu, thay đổi quản trị doanh nghiệp, nay SBIC đề nghị được cấp thêm tiền, vậy cổ phần hóa làm gì nữa?

SBIC không phải không còn tài sản. Các doanh nghiệp ngành vận tải biển nói SBIC có không ít quyền sử dụng đất, sở hữu các bất động sản có giá trị khắp cả nước. Những tài sản ấy đều cần được đưa vào để xác định giá trị doanh nghiệp. Sau khi xử lý các vấn đề tài chính, chủ yếu là nợ, giá trị tài sản còn lại có thể cao/thấp. Việc xác định vốn nhà nước, tỷ lệ cổ phần IPO sẽ dựa trên tài sản còn lại đó. Cơ chế thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách chuẩn bị được luật hóa với những hướng dẫn cụ thể. SBIC cũng có thể IPO với giá đấu giá bình quân thấp hơn mệnh giá. Vấn đề chính yếu là tìm được đối tác chiến lược, người mua để doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần.

Nhìn lại, ngay cả khi “khỏe mạnh” trong thời hoàng kim của mình, SBIC không có thời kỳ nào mà không xin, mà không được ưu đãi. Tổng công ty được ưu đãi về vốn, từ nguồn phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ đến nguồn vay ngân hàng nước ngoài, ngân hàng trong nước; ưu đãi về cơ chế, về thuế; ưu đãi về đất đai... Khi thua lỗ, lại được khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ. Bây giờ lại xin được cấp thêm tiền. Chẳng lẽ để “sống” được, SBIC cả đời phải đi xin? Vậy đến bao giờ tổng công ty mới tự lập được?

So sánh với các doanh nghiệp tư nhân, thí dụ các công ty bất động sản thua lỗ, đang phải bán dự án, bán tài sản, bán tất cả những gì có thể bán để trả nợ ngân hàng, không phải các đơn vị ấy không thể chây ì. Giả sử họ cứ “ăn vạ” ra đấy, ngân hàng làm gì được? Kiện ra tòa, cùng lắm là kê biên tài sản, phát mãi, trả nợ ngân hàng thôi. Trên hết các công ty đó có lòng tự trọng, giữ chữ tín trong quan hệ tín dụng với ngân hàng và sau đó là quyết tâm vượt khó. SBIC không được như thế, SBIC chỉ biết xin Nhà nước giống như đứa con được nuông chiều quá mức, không thể tự đứng dậy bằng đôi chân của mình.

Từ Vinashin thành SBIC, từ tập đoàn xuống tổng công ty đã là một quá trình tiêu tốn ngân sách làm nghèo đất nước. Nay liệu ngân sách có phải chi thêm tiền để cổ phần hóa SBIC không? Nếu Bộ Tài chính chấp thuận đề nghị của SBIC, đây sẽ là trường hợp vô tiền khoáng hậu, tiền lệ chưa từng có trong tiến trình hơn hai thập kỷ “cải cách” khối quốc doanh. Chưa kể luật pháp cổ phần hóa sẽ phải sửa cho phù hợp với đề nghị của tổng công ty. Như vậy hóa ra SBIC không những không tuân thủ luật lệ, mà còn “bẻ cong” quy định pháp lý.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm đạt 4 tỷ USD (26/04/2014)

>   Nhật-Mỹ chưa giải quyết được bất đồng liên quan tới TPP (25/04/2014)

>   Khả năng tiếp cận thị trường EU còn hạn chế! (25/04/2014)

>   Việt Nam thành thị trường “nóng” nhất của Apple (25/04/2014)

>   Chống thất thu thuế ở casino, khách sạn (25/04/2014)

>   Gần 354 tỉ đồng xây dựng cảng hành khách quốc tế Phú Quốc (25/04/2014)

>   TP.HCM đề xuất lộ trình tăng giá nước (25/04/2014)

>   Doanh nghiệp vướng nhập khẩu thép (25/04/2014)

>   Có công ty 90% hàng nhập khẩu là hàng giả (25/04/2014)

>   TPHCM muốn xây kho dự trữ muối quốc gia (24/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật