Việt Nam thiếu doanh nghiệp cỡ ‘vừa’
Đó là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước thềm Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp diễn ra hôm nay (28.4).
“Đội thuyền thúng” bơi ra biển lớn
Sau nhiều năm phát triển nhưng chúng ta vẫn chưa có được những doanh nghiệp (DN) có tên tuổi, thương hiệu lớn mang tầm khu vực, ông nghĩ gì về việc này?
Đúng là chúng ta vẫn chưa tạo ra được một thế hệ các “nhà công nghiệp” gắn liền tên tuổi với sự hình thành và phát triển của các thương hiệu lớn; gắn các cụm ngành công nghiệp quốc gia vươn ra được thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác quốc tế. Không chỉ thiếu DN dẫn đầu, mà VN còn thiếu cả một khu vực đủ lớn các DN cỡ vừa, đủ sức tiếp cận với công nghệ mới, trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong hơn 500.000 DN thì các DN cỡ lớn chỉ chiếm 2%, DN cỡ vừa 2%, còn lại 96% là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Riêng DN siêu nhỏ (với tiêu chí dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66 - 67%. Nếu tính cả các hộ cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ DN siêu nhỏ có thể chiếm tới 99,9%. Nói một cách hình ảnh, DN VN được ví như “đội thuyền thúng” đứng trước thách thức phải ra biển lớn khi hội nhập.
Lâu nay, các DN tư nhân vẫn bị lép vế, yếu thế hơn bởi sự độc quyền của DN nhà nước (DNNN) và sự ưu ái của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cho DN FDI. Ông nhìn nhận việc này như thế nào?
Tất cả các quốc gia đều khẳng định rằng, khu vực DN dân doanh trong nước mới là xương sống và động lực chính của nền kinh tế. Ở nước ta khu vực DN tư nhân, đặc biệt DN vừa và nhỏ sẽ là động lực chính cho tăng trưởng và phát triển về mặt dài hạn. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận vừa qua chúng ta mới chỉ quan tâm tập trung để giúp DNNN lớn lên, khu vực FDI bản thân họ có sức mạnh kết nối trong chuỗi năng lực toàn cầu, hoạt động vẫn rất tốt. Còn khu vực tư nhân thiếu bẵng đi các biện pháp như vậy nên họ không lớn được nhanh. Vì vậy, đất nước không có thế hệ DN vừa - tức các DN đủ lớn hoạt động hiệu quả và đủ nhỏ để linh hoạt.
Cần niềm tin và luồng sinh khí mới
Vậy theo ông, Chính phủ cần làm gì để hỗ trợ họ?
Hiện khu vực DN cỡ vừa này rất ít, chỉ chiếm có 2%, “đội thuyền thúng” này đang đứng trước yêu cầu ra khơi, biển lớn. Do đó phải làm sao cùng lúc đạt được 2 mục tiêu. Thứ nhất, làm thế nào để trong 10 năm tới phải có được khoảng 1 triệu DN. Thứ hai, phải tạo dựng được các DN lớn, đặc biệt cỡ vừa. Vừa qua, Chính phủ quyết tâm cổ phần hóa DNNN, đây là cơ hội để DN tư nhân lớn lên. Nhiều ý kiến cho rằng, khi cổ phần phải đặt mục tiêu tìm đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng theo tôi quan trọng hơn phải chọn DN tư nhân trước. Làm sao để DN tư nhân tham gia quá trình cổ phần hóa DNNN như vậy họ có thể lớn lên. Bắt đầu từ việc mua cổ phần của DNNN, liên kết tăng lên quy mô. Thứ hai, có chính sách trợ giúp DN tư nhân trở thành DN vừa và lớn. Phải lựa các DN tiềm năng, chọn được trong lĩnh vực VN có lợi thế. Từ đó, Chính phủ có chính sách hỗ trợ họ tiếp cận nguồn lực... giúp họ có thể lớn lên trở thành DN cỡ vừa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Quy mô DN tư nhân ngày càng nhỏ
Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu năng lực cạnh tranh vừa công bố báo cáo "Hoạt động của doanh nghiệp tư nhân: Thực trạng, vấn đề và hàm ý chính sách”. Theo đó, tỷ trọng DN nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam ngày càng nhiều. Cụ thể, năm 2000, số DN này chiếm 85% trên tổng số DN, sau 11 năm, năm 2012, đã tăng lên 95%. Tương ứng với điều này là sự suy giảm của DN lớn từ 9,5% năm 2000 xuống 2,5% năm 2011; DN vừa từ 5,1% vào năm 2000 xuống 2,1% năm 2011.
Báo cáo nhận định, các DN tư nhân, vốn dĩ nhỏ bé nên khi có cú sốc tiêu cực ập đến, khu vực này không có sức đề kháng. Ngược lại, các DN FDI và DNNN không chịu tác động này bởi thị trường của DN FDI từ nước ngoài, còn khối DNNN nhận được ưu đãi từ NN.
Ng.Nga
|
Anh Vũ
Thanh Niên
|