FDI: Lượng đổi, chất có đổi?
Trải qua hơn một phần tư thế kỷ thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hoạt động của khu vực FDI đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ khi bắt đầu đổi mới đến nay.
Với hơn 250 tỷ USD vốn đăng ký, hơn 100 tỷ USD vốn thực hiện của hơn 16 nghìn dự án FDI, hằng năm, khu vực FDI đang đóng góp gần một phần năm GDP cả nước, chiếm khoảng một phần tư tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần một nửa giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng hai phần ba giá trị hàng hóa xuất khẩu, gần 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động trong nhiều lĩnh vực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Rõ ràng, vốn FDI đã góp phần không nhỏ vào những thành tích phát triển sản xuất, kinh doanh của nước ta, làm thay đổi bộ mặt của nhiều ngành công nghiệp, nhiều lĩnh vực dịch vụ, nhiều địa phương với ngày càng nhiều những sản phẩm hàng hóa dịch vụ ngang tầm khu vực và thế giới.
Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài với quy mô FDI tiếp tục tăng mạnh, số lượng dự án FDI sẽ nhiều hơn, đa dạng hơn và trải rộng hơn trên nhiều lĩnh vực, địa bàn do môi trường đầu tư đang được tích cực cải thiện đi đôi với mức độ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả hơn nguồn lực FDI thì bên cạnh nỗ lực tăng nhanh về lượng, đã đến lúc chúng ta phải chú trọng hơn về chất với một chiến lược thu hút và sử dụng FDI một cách bài bản và gắn bó chặt chẽ, biện chứng với chiến lược tăng trưởng kinh tế và sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.
Ðã qua rồi thời kỳ chạy đua khuyến khích thu hút FDI "bằng mọi giá" thông qua ưu đãi tối đa về thuế, đất đai, thị trường, lao động,... Ðã đến lúc cần hướng FDI vào những lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho Việt Nam, sử dụng công nghệ cao thay vì công nghệ lạc hậu, sử dụng lao động có trình độ và kỹ năng cao thay vì lao động giản đơn, giá rẻ, tạo ra những sản phẩm hàng hóa dịch vụ có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường trong nước và quốc tế, tăng cường tính lan tỏa của FDI đến khu vực sản xuất, kinh doanh trong nước dựa trên thiết lập các mối liên kết, hợp tác kinh tế trong môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh. Nói cách khác, thời điểm những thay đổi về lượng FDI biến thành những thay đổi cơ bản về chất đã và đang chín muồi cho nên chúng ta không thể để vuột mất thời cơ quan trọng này. Chất lượng FDI chỉ được nâng cao khi chúng ta nỗ lực khắc phục những hạn chế bất cập bộc lộ trong thời gian qua như hiện tượng chuyển giá, lạm dụng ưu đãi đầu tư, lập dự án "ma", lẩn tránh thực hiện các nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với người lao động, với người tiêu dùng...
Đình Vũ
Nhân dân
|