Dệt may trên đường đua khốc liệt
Được xác định là một trong những thế mạnh của xuất khẩu, ngành dệt may đang có những cơ hội để tăng trưởng tốt hơn khi Việt Nam gia nhập thành viên Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Gần đây, các DN dệt, nhuộm ngay trên đất Việt… Cuộc chiến dệt may nội- ngoại đang mở ra.
Doanh nghiệp nội thủ thế
Đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, ngành dệt may trong 4 tháng đầu năm đưa về cho nước nhà 5,94 tỷ USD. Dù có những tăng trưởng ấn tượng nhưng ngành dệt may cũng có những nút thắt cổ chai riêng.
Điển hình là khâu nhuôm và hoàn tất. Việt Nam xuất khẩu sợi nhưng phải nhập khẩu bông từ Trung Quốc về, Việt Nam cũng xuất khẩu vải mộc nhưng sau đó lại nhập khẩu vải nguyên khối để sản xuất hàng may mặc. Những điểm yếu này khiến cho giá trị gia tăng của toàn ngành bị kéo lùi.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, Chính phủ và các địa phương nên tập trung ưu đãi cho các dự án dệt, nhuộm, hoàn tất, sản xuất phụ liệu phụ trợ của cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp ngành phát triển toàn diện, đáp ứng được nguồn cung ứng từ khâu đầu đến khâu cuối, mà còn giúp cho ngành dệt may tận hưởng được những điều kiện ưu đãi về xuất xứ từ các Hiệp định FTA, cũng như TPP mà Việt Nam đang nỗ lực đàm phán gia nhập.
Khi gia nhập TPP, các DN dệt may lẫn da giày được đánh giá là hai khối doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh lớn. Có tới 60% kim ngạch xuất khẩu của 2 ngành này là nhờ các nước thuộc thành viên TPP. Thế nhưng, thảm đỏ có gai. Quy định xuất xứ từ sợi của TPP buộc doanh nghiệp dệt may xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước thuộc thành viên.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết: Vinatex đang tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp dệt may. Vinatex cũng tìm hiểu tại để phương để dồn sức phát triển các dự án dệt, nhuộm, hoàn tất, dự án may, dự án sản xuất xơ sợi để lập ra một bản đồ dệt may.
Để thủ thế khi hội nhập, các DN dệt may nội địa cũng kết hợp với các DN nước ngoài, chẳng hạn như doanh nghiệp dệt may Pháp khai thác công nghệ, dịch vụ dệt may mới nhân đôi sức mạnh.
Cùng thời điểm này, các DN dệt may của Đài Loan, Hồng Kông (TQ) tăng tần suất tìm hiểu nghiên cứu, đặt chân vào thị trường Việt Nam. Công ty Forever Glorious thuộc tập đoàn Sheico Đài Loan cam kết 50 triệu đô la mỹ để hoàn thành nhà máy từ dệt vải đến sản xuất. Hay TAL Hồng Kông cũng tiếp tục mở rộng nhà máy dệt may ở Thái Bình.
Chuẩn bị sức đề kháng, chờ cuộc chơi
Để đầu tư nhà máy dệt nhuộm cần hàng trăm triệu đô la mỹ. Muốn có một nhà máy dệt yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp Việt phải mạnh về vốn, phải có vốn mới đầu tư xây dựng được. Trong thế võ này DN nội hoàn toàn thua.
Theo nghiên cứu chuyên ngành, nguyên liệu bông trong nước hiện nay chỉ cung cấp được từ 1-3% cho sản xuất sợi. Nguyên liệu vải chỉ cung cấp được từ 20-25% cho ngành may nội địa và xuất khẩu. Thêm vào đó đội ngũ thiết kế sản phẩm may mặc còn mỏng và thiếu. Các DN xuất nhập khẩu đều thiếu thông tin và chưa có phương pháp, chiến lược để thu thập và xử lý các thông tin về thị trường.
Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) ví dụ, tham gia các hiệp định thương mại, doanh nghiệp các nước ASEAN trong đó có Việt Nam sẽ được ưu đãi về thuế suất đến mức 0%. Nhưng DN cần biết ngoài vấn đề thuế, thị trường còn nhiều rào cản khác như: quy tắc xuất xứ hay các biện pháp phòng vệ thương mại. "Có thể hình dung tham gia các hiệp định như mở một cánh cửa nhưng cửa này có nhiều bậc. Quy tắc xuất xứ yêu cầu nguyên liệu sản phẩm làm ra phải xuất xứ từ khu vực thì mới được hưởng thuế suất 0%. Nếu nhập quá nhiều nguyên liệu từ ngoài khu vực thì thuế suất 0% cũng trở nên vô nghĩa”- lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nói. Khi ấy, giá cả hàng hóa của Việt Nam trên thị trường các nước mất khả năng cạnh tranh.
Mới đây, theo quy hoạch của Bộ Công thương, ngành công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may từ nay đến năm 2015 là 23-24 tỷ USD, đến năm 2020 là 36-38 tỷ USD; sử dụng 2.500 lao động đến năm 2015 và 3.300 lao động đến năm 2020; nâng tỷ lệ nội địa hóa đến 55% vào năm 2015 và 65% vào năm 2020.
Hiện nay nhiều địa phương cũng đang có kế hoạch kêu gọi các DN nội địa xây dựng nhà máy dệt, nhuộm, sợi… để đón đầu các cơ hội. Việc tham gia các hiệp định thương mại, và sự đổ bộ ào ạt của các doanh nghiệp dệt may nước ngoài, bắt buộc DN dệt may nội phải xây dựng sức đề kháng cho riêng mình, chuẩn bị đương đầu một cuộc chiến mới.
Hồ Hương
Đại đoàn kết
|