Thứ Hai, 28/04/2014 22:28

Cây lúa, con cá tra và người nông dân

Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, vựa trái cây, vựa cá... nhưng sao người dân chưa giàu? Đã đến lúc phải tìm cho ra câu trả lời cho thực tế ấy để người dân miền Tây được mát mày mát mặt.

Chạy theo giá lúa, bơi theo con cá

Tái cơ cấu ngành trồng lúa bắt đầu từ đâu? Câu trả lời chắc chắn không phải là bỏ cây lúa, chọn con cá, con tôm hay cây trồng, vật nuôi nào khác theo suy nghĩ kiểu cũ dựa vào "nguồn cung”, quên đi "hướng cầu” mà phải bắt đầu từ "đổi mới tư duy làm nông nghiệp”. Như vậy mới giúp hàng chục triệu nông dân ĐBSCL vượt qua thách thức, trở thành "doanh nhân nông nghiệp”, làm giàu được bằng nghề nông.

Cho tới nay ĐBSCL, lúa vẫn là cây trồng chính, truyền thống. Chỉ hơn 2 thập niên gần đây, sản lượng lúa của vùng này đã được nhân lên hơn gấp đôi, từ hơn 9 triệu tấn (năm 1990) lên gần 25 triệu tấn (năm 2013), kim ngạch xuất khẩu gạo luôn chiếm khoảng 90% cả nước. Nhiều năm qua, ĐBSCL luôn là nơi xuất khẩu gạo chủ lực của cả nước.

Tuy nhiên những năm gần đây, lĩnh vực hàng đầu này đang gặp phải nhiều khó khăn. Điệp khúc được mùa rớt giá cứ đeo đẳng người nông dân mãi không thôi, diện tích lúa theo đó cũng đang bị thu hẹp dần. Những bức xúc từ lúa gạo và nông dân đang đòi hỏi sự tiếp cận, sử dụng linh hoạt hơn đối với quy hoạch sử dụng đất. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cần áp dụng chính sách trong việc phân vùng giữa các khu vực trồng lúa, phân rõ mục tiêu sản xuất lúa để đảm bảo an ninh lương thực hay lúa hàng hóa, tách biệt hẳn các hệ thống và chiến lược xuất khẩu gạo mang "tính chính trị - xã hội” với tính thương mại, để có chính sách rõ ràng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng chia sẻ: "Sản xuất nông nghiệp là nền tảng, một trục phát triển, là trụ đỡ của nền kinh tế; cải thiện đời sống người dân, giảm nghèo. Nông nghiệp tăng trưởng liên tục và toàn diện nhưng nhìn lại, tốc độ đang chậm lại, thu nhập người dân ngày càng giảm. Người lao động trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn…”. Và Thủ tướng cũng đã chỉ nguyên nhân: do chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán lại thấp, kéo theo thu nhập của người dân thấp, năng suất lao động trong nông nghiệp chậm được cải thiện. Theo Bộ NN&PTNT, chỉ có 25% nông dân tiếp cận được với các thông tin thị trường, hiện có tới 90% sản phẩm nông nghiệp được bán ra ở dạng thô và 60% sản phẩm bị ép bán với giá thấp.

Con cá tra cũng vậy, sau khi khẳng định được vị trí trong nước, vươn ra thế giới đem lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, đem lại sự giàu có cho nhiều nông dân trong những năm 2000, thì những năm sau đó lại rơi vào khủng hoảng. Cụ thể, tình trạng giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh thời gian qua là hậu quả của sự phát triển quá nhanh cả trong khâu nuôi và chế biến. Thể hiện rõ trước năm 2008, toàn vùng ÐBSCL chỉ có trên dưới 30 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, nhưng sau đó các địa phương ùn ùn xây nhà máy, mở rộng diện tích nuôi...vượt tầm quản lý của các ngành chức năng. Mặc dù cá tra xuất khẩu kim ngạch một năm đạt 1,8 tỷ USD nhưng hầu hết vẫn là phi lê đông lạnh, sản phẩm giá trị gia tăng chỉ chừng 1%.

Cũng như trong một cuộc chiến đấu trường kỳ, cây lúa – hạt gạo, con cá tra, người nông dân ĐBSCL đã vấp phải những khó khăn, thậm chí là thất bại. GS.TS Võ Tòng Xuân day dứt: Nông dân trồng lúa, thành phần đông đảo nhất của nước ta tuy sản xuất khối lượng lúa để chế biến ra gạo xuất khẩu đưa Việt Nam đứng vào hàng thứ nhất, nhì trên thế giới, lại là tầng lớp nghèo nhất. Hầu hết nông dân phải lo bán đổ bán tháo lúa mới vừa gặt, thậm chí bán cả lúa non để trang trải nợ nần…

Còn TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: Mang tiếng là xuất khẩu sản lượng hàng đầu thế giới nhưng thời gian qua ta không làm chủ được thị trường. Cũng như con cá tra, nhiều năm qua Việt Nam "một mình một chợ” nhưng chưa bao giờ làm chủ được giá cả để rồi tự bơi theo nó... Xuất khẩu số lượng lớn mà sản phẩm không có thương hiệu thì ngang bằng làm thuê cho thiên hạ. Đấy cũng là kết quả của quá trình đầu tư thiên về chiều rộng, thiếu chiều sâu đa dạng sản phẩm, tăng hàm lượng công nghệ…

Đã đến lúc phải làm một cuộc cách mạng

Trong các cuộc kháng chiến, nông dân là lực lượng hùng hậu quyết định mọi thắng lợi. Sau khi hòa bình, nông dân được giao trọng trách "đảm bảo an ninh lương thực quốc gia” qua nghề trồng lúa. Họ không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ nuôi sống cả dân tộc mà còn biến Việt Nam từ nước thiếu đói trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo, giữ vững sự ổn định kinh tế - chính trị của đất nước, ngay cả trong thời kỳ bị tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế Chính phủ đã tính toán tới chuyện này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, cần phải nhanh chóng "tái cơ cấu lại nông nghiệp, hay nói cách khác là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao hơn và bền vững hơn gắn với xây dựng nông thôn mới là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển…”. Đồng thời xem đây là vấn đề mấu chốt mà các bộ ngành cần phải tính toán và sớm đưa ra những quyết sách, điều chỉnh hợp lý nhằm vực dậy và đưa ngành nông nghiệp của cả nước nói chung và của ĐBSCL nói riêng.

Tuy nhiên làm gì đi nữa thì việc đầu tiên vẫn không thể tách rời, xem nhẹ vai trò tham mưu, đề xuất của các địa phương mà trong đó cụ thể là người nông dân, phải tìm và hiểu rõ người dân bây giờ muốn gì, cần gì để đưa ra quyết sách cho đúng, hợp lý... mới tạo được sức mạnh tổng hợp làm nên "cuộc cách mạng xanh”...

Trong kháng chiến, có lúc phong trào bị đàn áp, thoái trào, cán bộ bị bắt, bị tù đày, người dân khốn khó, lầm than, thế cách mạng "ngàn cân treo sợi tóc”... Nhưng cuối cùng ta vẫn làm nên chiến thắng. Sở dĩ như vậy là do quần chúng nhân dân luôn tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng. Bên cạnh đó, Đảng luôn tin dân, biết dựa vào dân để phát động những cuộc đấu tranh, tiến công chiến lược để giành thắng lợi cuối cùng. Có những chủ trương, quyết sách đúng, kịp thời để xoay chuyển tình thế. Biết phát huy sức mạnh tổng hợp: 3 mũi giáp công, 3 thứ quân, 3 vùng chiến lược...

Ngoài ra, để người nông dân tin vào Đảng thì Đảng, Nhà nước phải cùng lo và giúp cho nông dân, thông qua việc làm cụ thể: tạo điều kiện vay vốn thuận lợi, dễ dàng; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn; chú trọng đầu tư giáo dục, nâng cao dân trí; quan tâm tạo điều kiện nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất - chế biến - bảo quản những nông sản chủ lực của vùng (trong đó có lúa - gạo, cá tra). Điều cốt yếu là Đảng và Nhà nước phải có những quyết sách hợp lý, kịp thời, không thể để nông dân tự bơi trong sân chơi toàn cầu, không thể để chuỗi giá trị trong nông nghiệp tiếp tục bị cắt vụn: nông dân chỉ biết nuôi trồng, không biết gì về nhu cầu thị trường, không tự quyết về giá bán; chuyện mua bán do thương lái làm chủ, tùy tiện ép giá; doanh nghiệp thì khư khư thủ lợi, chỉ hợp tác với nông dân khi thấy dễ kiếm lời, không có quan hệ hợp tác căn cơ, lâu dài, vì lợi ích hài hòa của cả 2 bên.

Chia sẻ với Đại Đoàn Kết, ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. "Tái cơ cấu ngành trồng lúa” bắt đầu từ đâu? Câu trả lời chắc chắn không phải là bỏ cây lúa, chọn con cá, con tôm hay cây trồng, vật nuôi nào khác theo suy nghĩ kiểu cũ - dựa vào "nguồn cung”, quên đi "hướng cầu”, mà phải bắt đầu từ "đổi mới tư duy làm nông nghiệp”. Tái cơ cấu ở vùng trọng điểm lúa số 1 của cả nước cần được bắt đầu từ chính những yếu kém nội tại và tận dụng lợi thế của vùng này trước thách thức cạnh tranh nông nghiệp ngày càng gay gắt, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hơn cả tái cơ cấu, phải là cuộc lột xác thật sự. Nó phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn. Nó phải là quá trình hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo và xây dựng nông thôn mới, giúp hàng chục triệu nông dân ĐBSCL vượt qua thách thức, trở thành "doanh nhân nông nghiệp”, làm giàu được bằng nghề nông.

Quốc Trung

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Hà Nội phối hợp đối tác Nhật hoàn thiện dự án cơ sở hạ tầng (28/04/2014)

>   ‘Miếng ngon’ dành cho nước ngoài (28/04/2014)

>   Sản xuất cá tra phát triển khá tốt người nuôi có lãi (28/04/2014)

>   Vay vốn ADB đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sử dụng nước sạch Sông Đà (28/04/2014)

>   Samsung Thái Nguyên đã xuất khẩu được 90 triệu USD (28/04/2014)

>   Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tiết lộ về 'chi phí đen' trong cước vận tải (28/04/2014)

>   Đón sóng đầu tư từ Nhật Bản (28/04/2014)

>   Nhập khẩu than - vẫn là ẩn số (28/04/2014)

>   Xây dựng chuỗi phát triển ngành chè (28/04/2014)

>   Doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 99,9% nền kinh tế VN (28/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật