Doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 99,9% nền kinh tế VN
Sáng 28-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đến tham dự hội nghị và khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó kịp thời xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Cải cách hành chính đã quan trọng, cải cách tư pháp còn quan trọng hơn. Kết quả điều tra PCI của VCCI mấy năm qua cho thấy sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp. Sự chậm chễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm phát đi một tín hiệu về yêu cầu tăng cường cải cách tư pháp thời gian tới để nâng cao năng lực của các cơ quan xét xử và bảo đảm thi hành án, nâng cao niềm tin và sự dấn thân của doanh nghiệp vào sự nghiệp kinh doanh”.
Ông Vũ Tiến Lộc
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông cho biết bên cạnh những chuyển biến tích cực, đúng hướng thời gian qua, tình hình kinh tế-xã hội vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động lớn và chưa được thu hẹp.
Năm 2013 đã có 60,737 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2012. Trong quý I năm 2014 đã có thêm 16.745 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2013. Tăng trường xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI. Theo ông Đông, tỷ lệ 65% doanh nghiệp có lợi nhuận trước đây đã giảm xuống còn 35% kể từ năm 2010 do kinh tế khó khăn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, nói gần 30 năm đổi mới với các cơ hội kinh doanh bùng nổ, chúng ta vẫn chưa tạo ra được một thế hệ các nhà công nghiệp gắn liền tên, tuổi và sự nghiệp với sự hình thành và phát triển của các thương hiệu lớn và các cụm ngành công nghiệp quốc gia, vươn ra được thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác quốc tế.
Ông Lộc nhấn mạnh không chỉ thiếu những doanh nghiệp dẫn đầu, mà Việt Nam còn thiếu cả một khu vực đủ lớn các doanh nghiệp cỡ vừa, đủ sức tiếp cận với công nghệ mới và trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Cho đến thời điểm hiện tại, trong số hơn 500 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, các doanh nghiệp cỡ lớn chỉ chiếm khoảng 2% và cũng ngần ấy phần trăm các doanh nghiệp cỡ vừa. Còn lại 95-96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Riêng doanh nghiệp siêu nhỏ (với tiêu chí của ta là dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66-67%. Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ có thể chiếm tới trên 99,9%….
Nói một cách hình ảnh, theo các nhà kinh tế, “đội thuyền thúng” doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn khi thời điểm hội nhập lớn của đất nước đang cận kề (hoàn thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng đang trong quá trình đàm phán nước rút).
Trong số các định hướng, giải pháp phát triển doanh nghiệp thời gian tới, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) thể hiện mạnh mẽ tinh thần “cởi trói” cho kinh doanh. Với các quy định mới theo hướng quyền cấm kinh doanh và đặt ra điều kiện kinh doanh chỉ thuộc về ba chủ thể gồm Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Thay vì chỉ được hoạt động theo đúng ngành nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp được chủ động mở rộng ngành nghề và chỉ phải thông báo thay đổi tới cơ quan đăng ký kinh doanh.
Đây thực sự là một bước đột phá trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh nói chung. Khẳng định hơn nữa chủ trương người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong khi cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
V.V.Thành
tuổi trẻ
|