Thứ Ba, 29/04/2014 15:10

Gỡ nút thắt về vốn đánh bắt xa bờ

Để tháo gỡ những nút thắt về nguồn vốn đầu tư sắm mới tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ, tại hội nghị chuyên đề về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản được tổ chức mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay NHNN đã thiết kế gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới vươn khơi, với lãi suất dài hạn là 6%/năm.

Khó vốn “bó” tiềm năng

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, những sản phẩm thủy sản đánh bắt xa bờ góp phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu chung của ngành thủy sản. Chỉ tính riêng mặt hàng cá ngừ, năm 2013 mặc dù gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường như Nhật Bản, EU giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn đạt trên 527 triệu USD.

Hầu hết tàu thuyền đánh cá hiện nay đều có công suất nhỏ, không đáp ứng được với nhu cầu thực tế

Tuy nhiên, đánh bắt xa bờ, thời gian qua chưa phát huy đúng với tiềm năng. Tại hội nghị chuyên đề về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản vừa tổ chức tại TP. Đà Nẵng, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nêu lên một thực trạng đáng buồn đối với khai thác hải sản là: Việt Nam hiện có 117.00 tàu cá và chủ yếu tàu nhỏ đánh bắt gần bờ. Tàu có công suất từ 90CV trở lên chỉ chiếm 24,5% tổng số tàu cá, trong khi đó tham gia khai thác tại khu vực Trường Sa, DK1 chỉ có 6.200 tàu. Hầu hết các tàu cá vẫn hoạt động đơn lẻ…

Thực tế tại tỉnh Phú Yên, địa phương có sản lượng đánh bắt thủy sản lớn, đặc biệt sản lượng cá ngừ đại dương lớn nhất cả nước, nhưng sản lượng đánh bắt đang giảm dần, chất lượng cá không đạt yêu cầu do thiếu thiết bị, kho hầm để bảo quản. Do đó, dẫn đến tình cảnh sản lượng đánh bắt bị thương lái thu mua với giá thấp. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, hơn 90% trong tổng số gần 40.000 tàu cá là tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Vì vậy, ngư dân rất cần vốn để cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn để chuyển sang đánh bắt xa bờ.

Thời gian qua, việc vay vốn của ngư dân để đầu tư cho sắm mới tàu thuyền, trang bị ngư lưới cụ, áp dụng công nghệ hiện đại vào khai thác thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (TP. Tuy Hòa, Phú Yên) cho hay: Ngân hàng ngại cho ngư dân vay vì họ nợ quá nhiều. Trong Nghiệp đoàn có trường hợp vay vốn ngân hàng để đóng tàu từ năm 2012, nhưng đến nay ngư dân mới cho tàu ra khơi được 2, 3 chuyến, hiệu quả mang lại không đủ chi phí cho hoạt động đánh bắt thì lấy đâu ra tiền trả lãi ngân hàng.

Chính vì lẽ đó, nhiều ngư dân “treo” nợ ngân hàng là khó tránh khỏi. Theo ông Thuẫn, hiện nhiều ngư dân có nhu cầu vay vốn để phát triển nghề, cải hoán tàu thuyền để trang bị máy có mã lực lớn, đủ sức hoạt động an toàn dài ngày trên biển, bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển đảo. Vì vậy, nguyện vọng lớn nhất của ngư dân là được Nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi và “dài hơi” để ngư dân có điều kiện vươn khơi bám biển.

Tương tự, nhiều ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi cũng đang rơi vào khó khăn. Đơn cử, tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có gần 500 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất trên 25.000CV, trong đó tàu đánh bắt xa bờ 70 chiếc, sản lượng đánh bắt khoảng 18.000 tấn/năm, giảm khoảng 50% so với trước đây. Do nhiều bất lợi như giá cá giảm, xăng dầu tăng và một số rủi ro ngoài ngư trường... nên ngư dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều tàu không thể ra khơi, vì thu nhập từ những chuyến đi biển không đảm bảo cuộc sống nên bạn thuyền cũng không nhiệt tình tham gia.

Thông điệp từ phía ngành Ngân hàng

Theo ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Agribank Phú Yên: Từ trước đến nay, Agribank đã giải ngân vốn cho hàng trăm ngư dân để cải hoán, đóng mới tàu cá. Thế nhưng, việc cho ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá gặp nhiều rủi ro. Cùng với đó, gần đây giá cả nhiên liệu, chi phí đi biển thường biến động tăng, giá bán cá thì không ổn định nên ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng. Ngư dân đánh bắt chỉ dựa vào kinh nghiệm chứ chưa áp dụng các tiến bộ khoa học, thiết bị hỗ trợ hiện đại vào việc thăm dò đánh bắt thủy sản nên sản lượng không cao.

Phú Yên là tỉnh có tiềm năng lớn nuôi trồng, đánh bắt thủy sản xuất khẩu

Thêm vào đó, mặc dù chủ tàu muốn nâng cấp công suất lớn nhưng vốn tự có thấp, một số ngư dân vẫn phải tìm đến hệ thống “tín dụng đen” ngoài ngân hàng để chứng minh khả năng vốn tự có, đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng nên khả năng trả nợ suy giảm. Về phía ngân hàng, một cán bộ tín dụng cho biết, với những tàu thuyền làm ăn không hiệu quả, lúc bán tài sản thì giá trị thấp nên khi xử lý tài sản để thu hồi nợ cũng không đảm bảo, dẫn đến nguy cơ bị mất vốn…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, ông Mẫn cho rằng: Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ giá nhiên liệu, chi phí mua bảo hiểm vật chất thân tàu và rủi ro con người cho ngư dân khi ra khơi đánh bắt. Địa phương cũng cần có chính sách và hệ thống bao tiêu sản phẩm thủy sản đánh bắt ngoài khơi cho ngư dân, tránh trường hợp bị các thương lái ép giá. Đồng thời, NHNN hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay đủ dài theo năng lực đánh bắt để tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn và khả năng hoàn trả.

Để tháo gỡ những nút thắt về nguồn vốn đầu tư sắm mới tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ, tại hội nghị chuyên đề về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản được tổ chức mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay NHNN đã thiết kế gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới vươn khơi, với lãi suất dài hạn là 6%/năm. Chủ trì hội nghị, sau khi nghe Thống đốc NHNN cung cấp thông tin trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các địa phương hỗ trợ thêm 2%/năm cho ngư dân. Ngư dân chỉ còn chịu mức lãi suất vay vốn khoảng 3-4%/năm để đóng mới tàu đánh cá. Có như vậy mới khuyến khích ngư dân đóng tàu mới vươn khơi đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ ngư trường biển đảo.

Có thể nói, với những chính sách ưu đãi của Chính phủ hiện hành, cùng với những chính sách và nguồn vốn tín dụng chuẩn bị đưa ra của NHNN, hy vọng thời gian tới, những nút thắt về vốn cho đóng mới và nâng cấp tàu cá sẽ được khơi thông. Những ngư dân vùng ven biển các tỉnh miền Trung sẽ mạnh dạn vay vốn đầu tư để đưa những con tàu đánh bắt vươn khơi bám biển dài ngày, vừa phục vụ lợi ích kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bài và ảnh Công Thái

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Dệt may Việt Nam: Hàng gia công “lấn sân” (29/04/2014)

>   Bán hàng đa cấp: Quảng cáo sản phẩm phải xin xác nhận (29/04/2014)

>   Ngành mía đường trước nguy cơ phá sản (29/04/2014)

>   Không còn lao động giá rẻ, lấy gì làm lợi thế? (29/04/2014)

>   Cây lúa, con cá tra và người nông dân (28/04/2014)

>   Hà Nội phối hợp đối tác Nhật hoàn thiện dự án cơ sở hạ tầng (28/04/2014)

>   ‘Miếng ngon’ dành cho nước ngoài (28/04/2014)

>   Sản xuất cá tra phát triển khá tốt người nuôi có lãi (28/04/2014)

>   Vay vốn ADB đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sử dụng nước sạch Sông Đà (28/04/2014)

>   Samsung Thái Nguyên đã xuất khẩu được 90 triệu USD (28/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật