Không còn lao động giá rẻ, lấy gì làm lợi thế?
Theo các nghiên cứu mới đây, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến do có những yếu tố giảm chi phí cơ bản (như lao động, đất đai, nguyên liệu rẻ…). Tuy nhiên, những lợi thế này đang mất dần qua thời gian thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Xác định lại thế mạnh
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Lợi thế lao động giá rẻ đang là thách thức với Việt Nam để thay đổi vị trí trong bản đồ đầu tư.
“Đáng buồn là trong 10 lý do hàng đầu để doanh nghiệp (DN) lựa chọn Việt Nam, không có yếu tố nào thuộc về điều hành của chính quyền, như thủ tục hành chính thông thoáng, ít tham nhũng.
Qua nghiên cứu, những nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại… (định hướng ưu tiên của Việt Nam) thường yêu cầu chất lượng điều hành và sự minh bạch cao hơn các nhà đầu tư vào lĩnh vực khác”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, việc nâng cao chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch…là những giải pháp quan trọng để Việt Nam hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Nếu chính sách thuế tin cậy và ổn định, các DN FDI ít có xu hướng chuyển giá; mang lại lợi ích lớn hơn cho kinh tế đất nước”, ông Tuấn nói.
Ngoài những cải cách trên, TS Lê Đăng Doanh đóng góp thêm, Việt Nam nâng cao năng lực các ngành hậu cần, như: Vận chuyển, bốc dỡ, bến bãi; nâng cao chất lượng lao động trong nước. DN lắp ráp điện tử, may mặc khen lao động Việt Nam, nhưng công việc phức tạp hơn như kỹ sư, thiết kế phần mềm… rất khó tuyển người.
Theo vị chuyên gia này, hiện DN FDI đang nhận nhiều ưu đãi hơn DN trong nước, cơ quan chức năng lại chưa có khả năng quản lý tốt (công bố mới đây cho thấy, gần như 100% DN FDI có dấu hiệu chuyển giá).
“Chúng ta cần tiếp tục thu hút FDI, tạo điều kiện cho họ hoạt động; nhưng phải quản lý được họ, nếu không thành công cốc”, ông Doanh nói.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế (không chỉ lao động giá rẻ) so với các nước trong khu vực để thu hút FDI, như: Thị trường rộng lớn, vị trí trung tâm của khu vực phát triển năng động, hội nhập sâu với thế giới, nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư (cơ chế, ưu đãi thuế quan…).
Để tiếp tục thu hút FDI khi một số thế mạnh truyền thống không còn, theo ông Hoàng, Chính phủ đang nỗ lực cải cách cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư (tới đây sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, kỷ cương, kỷ luật…).
“Điều quan trọng là việc thay đổi luật phải đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn nhau”, ông Hoàng nói.
Định hướng thu hút FDI thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung vào những ngành nghề giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, phát triển công nghệ phụ trợ, công nghiệp chế biến, sử dụng ít năng lượng, bảo vệ môi trường…
“Đối thủ” bất ngờ
Mới đây, tại lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; VCCI đã hỏi các DN FDI so sánh các yếu tố về môi trường kinh doanh của Việt Nam với các nước họ từng cân nhắc đầu tư. Kết quả, có 54% DN FDI trước khi lựa chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác (như Trung Quốc 11,1%, Thái Lan 10,6%, Campuchia 7,7%...).
Con số này năm 2011 - 2012, chỉ ở mức 32%. “Việt Nam không còn là điểm đến đầu tư được ưu ái nhất như giai đoạn 2007-2010, đang phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực và một số nước mới nổi.
Ba gương mặt trước đây chưa từng được coi là “đối thủ” cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam là Lào, Philippines, Myanmar nay đã xuất hiện trong danh mục quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài”, VCCI nêu rõ.
Theo VCCI, DN FDI chủ yếu lựa chọn Việt Nam dựa trên các yếu tố tác động đến chi phí sản xuất hơn là năng lực điều hành của chính quyền. Đáng chú ý, DN FDI đều chung cảm nhận môi trường kinh doanh Việt Nam kém hấp dẫn hơn nhiều nước về chi phí không chính thức, gánh nặng thủ tục hành chính, quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế) và chất lượng của cơ sở hạ tầng.
Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với các nước láng giềng Campuchia và Lào. Ngạc nhiên hơn cả, đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật, Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với 2 nước này.
Ông Đậu Anh Tuấn nói: “Nghiên cứu nhiều năm của VCCI cho thấy, các DN FDI vẫn đánh giá: Sự phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực, thủ tục hành chính, gánh nặng các quy định… vẫn là những cản trở lớn đối với các nhà đầu tư”. Theo ông Tuấn, thời gian qua, lý do chính nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam nhờ những yếu tố giảm chi phí. Trong đó, hàng đầu là chi phí lao động, đất đai, nguyên liệu rẻ.
Lê Hữu Việt
tiền phong
|