Thứ Ba, 29/04/2014 14:57

Dệt may Việt Nam: Hàng gia công “lấn sân”

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, bình quân kim ngạch xuất khẩu tăng 12%/năm. Tuy nhiên, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vẫn chủ yếu thực hiện theo hình thức gia công cho nước ngoài, hiệu quả xuất khẩu của ngành may còn rất thấp.

Ngành dệt may Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới

Hơn 75% sản phẩm xuất khẩu là gia công

Theo thống kê, xuất khẩu hàng dệt may năm 2013 đạt 17,8 tỷ USD tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2012. Xuất khẩu dệt may hiện đứng thứ 2 trong các ngành hàng xuất khẩu và đóng góp 15% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các thị trường xuất khẩu truyền thống của dệt may là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới. Hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu theo hình thức gia công cho nước ngoài và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Theo báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố gần đây, tỷ trọng của hai loại hình này chiếm 96,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, trong đó tỷ lệ gia công chiếm 75,3% và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu chiếm 21,2%. Chính vì vậy, kim ngạch nhập khẩu các nguyên liệu phụ liệu cho ngành dệt may hàng năm cũng rất cao.

Với phương thức gia công, các hãng nước ngoài sẽ cung cấp các mẫu mã sản phẩm và các nguyên phụ liệu chủ yếu, các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng lao động và cơ sở vật chất của mình, tổ chức sản xuất theo yêu cầu của bên đặt hàng và nhận số tiền theo đơn giá và sản lượng nghiệm thu. Việc sử dụng nguồn nguyên phụ liệu theo chỉ định, yêu cầu của các hãng đặt hàng nước ngoài đã làm cho các doanh nghiệp sản xuất trang phục của Việt Nam ít có cơ hội xem xét, và tự lựa chọn các nhà cung cấp đầu vào nội địa. Vì thế, dẫn đến thực trạng liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phụ trợ còn yếu. Đồng thời, với 90% nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là nhập khẩu cũng đã không kích thích ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may phát triển.

Nghiên cứu và phân phối: Hai khâu yếu nhất

Trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành dệt may, khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng là khâu có giá trị gia tăng thấp nhất, trong khâu này tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5-10%. Trong khi đó khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) và thương mại (bán hàng, phân phối đến người tiêu dùng là cuối cùng) là khâu có giá trị gia tăng cao nhất thì lại là khâu yếu nhất của ngành dệt may Việt Nam.

Hiện nay, chỉ có khoảng 30% giá trị xuất khẩu của sản xuất trang phục Việt Nam là dưới dạng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), có nghĩa là có sự tham gia vào khâu R&D. Mặc dù, đã có sự xuất hiện của một số doanh nghiệp sản xuất trang phục có tên tuổi của Việt Nam, nhưng cũng chỉ thực sự mạnh ở thị trường trong nước, bán hàng và phân phối ở thị trường nước ngoài vẫn còn đang rất yếu.

Ngành dệt may đang được kỳ vọng là ngành được hưởng lợi lớn nhất của Việt Nam từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dự kiến sau khi TPP chính thức có hiệu lực (khoảng giữa năm 2014), sẽ có đến hơn 90% mặt hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (cũng như các nước thành viên khác của TPP) được điều chỉnh thuế suất về mức 0% so với mức trung bình 17% hiện tại.

Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu, với các quy tắc xuất xứ có khuyến khích sử dụng nhiều nguyên liệu nội. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng gia tăng tỷ trọng nội địa hóa các công đoạn từ sợi trở đi, nếu không sẽ phải nhường “phần bánh ngon nhất” cho các doanh nghiệp FDI - vốn đang đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam trong những năm qua.

Nói cách khác, các doanh nghiệp trong ngành cần nâng cao chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, khép kín quy trình sản xuất từ sợi- dệt- nhuộm hoàn tất- may, chuyển từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm) hay sản xuất nhãn hiệu gốc OBM... Điều này, sẽ giúp gia tăng giá trị của sản phẩm, giảm nhập siêu. Dự kiến, ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu gia nhập thị trường TPP, ngành dệt may Việt Nam sẽ tăng gấp ba kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tức là từ mức 8,6 tỷ USD năm 2013 sẽ tăng lên khoảng hơn 20 tỷ USD trước năm 2020. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội này, để gia tăng các mặt hàng “Made in Viet Nam” đúng nghĩa.

Quỳnh Nga

công thương

Các tin tức khác

>   Bán hàng đa cấp: Quảng cáo sản phẩm phải xin xác nhận (29/04/2014)

>   Ngành mía đường trước nguy cơ phá sản (29/04/2014)

>   Không còn lao động giá rẻ, lấy gì làm lợi thế? (29/04/2014)

>   Cây lúa, con cá tra và người nông dân (28/04/2014)

>   Hà Nội phối hợp đối tác Nhật hoàn thiện dự án cơ sở hạ tầng (28/04/2014)

>   ‘Miếng ngon’ dành cho nước ngoài (28/04/2014)

>   Sản xuất cá tra phát triển khá tốt người nuôi có lãi (28/04/2014)

>   Vay vốn ADB đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sử dụng nước sạch Sông Đà (28/04/2014)

>   Samsung Thái Nguyên đã xuất khẩu được 90 triệu USD (28/04/2014)

>   Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tiết lộ về 'chi phí đen' trong cước vận tải (28/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật