Thứ Hai, 10/03/2014 10:26

Nhiều loại cây trồng chịu sức ép từ TPP

Nhiều loại cây trồng nội địa như đậu nành, ca cao, mía... sẽ có nguy cơ biến mất khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại.

Trong điều kiện mở cửa, thị trường trong nước và thị trường thế giới không khác gì những chiếc bình thông nhau là mấy, việc những loại cây trồng truyền thống không đủ sức cạnh tranh hầu như đã bị “xóa sổ” đã có tiền lệ ở nước ta. Có thể nói cây đậu nành đứng trước nguy cơ biến mất khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thế mạnh thành... yếu thế

Các số liệu thống kê của nước ta cho thấy diện tích đậu nành đã giảm rất rõ ràng, năm 2013 vừa qua chỉ còn 118.000 ha, giảm tới 42% so với năm ngoái. Có thể khẳng định rằng nguyên nhân dẫn đến việc diện tích đậu nành “rơi tự do” như vậy không phải là do nhu cầu tiêu dùng đậu nành của nước ta giảm. Bởi lẽ nếu như trong những năm của thập niên 1990 cũng có năm chúng ta phải nhập khẩu đậu nành nhưng lượng nhập cũng không lớn, còn từ năm 2000 đến nay không năm nào là không phải nhập khẩu. Đặc biệt hơn nữa, chỉ trong tháng 12 năm ngoái và tháng 1-2014, lượng đậu nành nhập khẩu “đổ bộ” vào thị trường trong nước đã ngang bằng tổng sản lượng sản xuất của nước ta trong hai năm vừa qua.

Không những vậy, để đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng tăng quá nhanh, hằng năm chúng ta cũng đã phải nhập khẩu lượng khô dầu đậu nành lớn, gấp 7,7 lần sản xuất trong nước. Điều cũng rất đáng lưu ý ở đây, dù là phế thải của ngành sản xuất dầu ăn nhưng vẫn là loại nông sản rất có giá. Với lượng nhập khẩu bình quân mỗi năm hơn 2,4 triệu tấn, nước ta đã phải chi ra khoản ngoại tệ khổng lồ gần 1 tỉ USD/năm.

Cây đậu nành đứng trước nguy cơ biến mất khi Việt Nam tham gia vào TPP

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), nếu như trong năm 2001 chúng ta mới phải nhập khẩu 0,5 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi này thì năm 2011 lên tới 2,7-2,8 triệu tấn. Năm 2013, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, nếu tính cả lượng nhập khẩu bắp, đậu nành và lúa mì Việt Nam đã chi ra trên 4 tỉ USD nhập thức ăn chăn nuôi và các loại nguyên liệu.

Từ thực tế đó, nếu không tăng mạnh, thậm chí tăng vọt diện tích, sản lượng đậu nành thì đồng nghĩa với việc nông dân nước ta sẽ trở thành khán giả bất đắc dĩ đứng ngoài nhìn thị trường “béo bở” có nhu cầu ngày càng phình to rất nhanh này rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

Cùng một “căn bệnh”

Có lẽ không ít người Việt Nam chúng ta vẫn còn chưa quên chuyện cây bông vải đã từng được kỳ vọng là thứ cây công nghiệp “đầu bảng” của nước ta rất sớm. Đó là ngay sau khi đất nước thống nhất, vị trí mà Nhà nước ta đặt ra cho cây bông chỉ sau cây lương thực. Thế nhưng trên thực tế, trong khi ngành dệt may trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn đạt kim ngạch xuất khẩu thuộc hàng nhất nhì của nước ta trong những năm qua, còn cây bông thì vẫn hết sức èo uột. Không dưới một lần cây bông vải được tái khẳng định là sẽ phát triển mạnh nhưng cho đến nay nó còn èo uột hơn cả cây đậu nành. Hiện tại, tuy không tuyên bố “khai tử” cây công nghiệp được kỳ vọng trong nhiều thập kỷ này nhưng việc nó hầu như đã bị lãng quên là điều rất dễ hiểu. Cho dù có thu gom được toàn bộ số bông sản xuất cả năm thì quá lắm nó cũng chỉ đủ cho ngành công nghiệp dệt may rất “hoành tráng” của chúng ta sử dụng trong… vài ngày.

Quay lại cây đậu nành, hiện chưa thể khẳng định một cách chắc chắn sẽ có cùng số phận như cây bông hay không nhưng kết cục như vậy cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi lẽ, nếu so với năng suất bình quân của thế giới, những tiến bộ trong việc cải thiện năng suất đậu nành của chúng ta quá chậm không khác gì cây bông là mấy. Năng suất đậu nành có chậm chạp nhích lên thì giờ cũng chỉ bằng 61% năng suất bình quân của thế giới. Đó là còn chưa kể so với năng suất của các cường quốc xuất khẩu các loại nông sản này như Mỹ còn thấp hơn rất nhiều.

Ngoài ra, thua về giá đã “hạ đo ván” các cây trồng trong nước. Giá đậu nành nước ta hiện vẫn treo ở mức cao 22.000-26.000 đồng/kg, trong khi giá đậu nành nhập khẩu trong hai tháng qua chỉ dao động xung quanh 12.000 đồng/kg. Khoảng cách “mênh mông” đó cho phép suy đoán rằng đậu nành “Made in Vietnam” hầu như chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhỏ lẻ tại chỗ. Còn thị trường dầu ăn và thức ăn chăn nuôi rộng lớn thì không thể tiếp cận được mà nhường lại cho nước ngoài, cụ thể trong TPP sẽ là đậu nành Mỹ và các quốc gia Nam Mỹ.

Rõ ràng trong điều kiện mở cửa để hội nhập, bên cạnh chất lượng, năng suất đủ cao và giá hợp lý là “chìa khóa” để bảo đảm sức cạnh tranh, bởi chỉ có như vậy thì những cây trồng nội địa mới có chỗ đứng trên chính “sân nhà”. Nếu Việt Nam tiếp tục ngập ngừng như trong phát triển cây đậu nành hay các cây trồng nội địa không thể cạnh tranh lại hàng nhập khẩu như bắp, mía, ca cao… cũng sẽ khó tránh khỏi kết cục tương tự.

Nhập khẩu đậu nành, bắp tăng “chóng mặt”

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2014, khối lượng đậu nành đã đạt 211.000 tấn, giá trị nhập khẩu đạt 123 triệu USD, tăng 53% về lượng và 45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Đối với bắp, lượng nhập khẩu mặt hàng này mới hai tháng đầu năm đã đạt 1,26 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 326 triệu USD, tăng gần gấp bảy lần về lượng và tăng hơn bốn lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

QUANG HUY


Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương)

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   VNPT sẽ ra sao khi mất MobiFone? (10/03/2014)

>   Các khu kinh tế cửa khẩu: “Ôm” rượu bia ngoại chờ giải cứu (10/03/2014)

>   Áp giá trần cho sữa: Cũng chỉ để dọa? (10/03/2014)

>   Luật doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo “cú huých” cho kinh doanh? (10/03/2014)

>   Phân bón tăng giá nhẹ nhưng không đáng ngại (09/03/2014)

>   Liên tục xuất siêu vào Nhật Bản (09/03/2014)

>   36.000 tỷ đồng xây nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (09/03/2014)

>   DN bắt tay tăng giá: Cần sửa Luật cạnh tranh? (09/03/2014)

>   Samsung muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam (09/03/2014)

>   Cảng quốc tế Thị Vải chính thức được đưa vào khai thác (09/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật