Luật doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo “cú huých” cho kinh doanh?
Dự thảo luật doanh nghiệp (DN) sửa đổi lần 3 đang được Bộ Kế hoạch - Đầu tư lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện và trình Quốc hội kỳ họp tới. Tổ Quốc đã trao đổi với ông Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam về những đổi mới lần này.
+ Thưa ông, dự thảo luật DN sửa đổi được nhận định là có nhiều nét mới để đi đến một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho cả cộng đồng DN. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Hữu Huỳnh: Luật DN sửa đổi lần này tiếp cận luật DN trước đây là tiếp tục cải cách về các thủ tục, điều kiện để đơn giản và thuận tiện hơn nữa trong việc thành lập DN.
Các điều kiện kinh doanh được rà soát lại để DN sau khi được thành lập sẽ sớm đi vào hoạt động. Chẳng hạn, dự thảo luật giảm bớt thủ tục thành lập DN từ 9 xuống còn 5 thủ tục, bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ và đăng ký kinh doanh…Đề xuất mới này sẽ giảm tải cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Nét mới nữa là đề xuất áp dụng chung thủ tục thành lập của DN có vốn đầu tư nước ngoài như đối với DN trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam cần phải được đối xử bình đẳng như DN trong nước về đăng ký thành lập DN. Một khi có giấy chứng nhận thành lập DN và thực hiện đầy đủ các điều kiện đầu tư trong quy định trong cam kết quốc tế họ sẽ được phép kinh doanh như các DN trong nước.
Cũng theo dự thảo luật DN sửa đổi, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CP) hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Như vậy, những quy định trong luật DN về công ty CP hoặc công ty TNHH là những quy định tối thiểu để DNNN hoạt động theo…
Dự thảo luật giảm bớt thủ tục thành lập DN từ 9 xuống còn 5 thủ tục
|
+ Việc không cần ghi ngành nghề kinh doanh cụ thể trong giấy phép đăng ký kinh doanh được xem là tạo thuận lợi cho DN. Song nhiều ý kiến cho rằng, việc nới thoáng này sẽ gây phức tạp, khó khăn trong vấn đề hậu kiểm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Hữu Huỳnh: Hiện nay, việc đăng ký ngành nghề kinh doanh mới chỉ mang tính chất hình thức, làm cho DN bị động. Nay dự thảo luật DN sửa đổi tạo điều kiện cho DN làm những gì mà pháp luật không cấm về quy mô, thời gian, địa điểm…
Tuy vậy, quyền tự do kinh doanh của DN không có nghĩa là thiếu sự kiểm soát của Nhà nước, của thị trường, cho nên vấn đề hậu kiểm rất quan trọng.
Thực ra chúng ta đã có quy định nhưng DN không thực hiện. Chẳng hạn, quy định hiện hành là các DN phải nộp báo cáo tài chính hằng năm nhưng thực tế vẫn có những DN không nộp và chúng ta không kiểm soát được. Điều đó cho thấy chế tài trong luật DN vẫn chưa được thực hiện tốt.
Trong luật DN sửa đổi lần này, chúng ta cần bổ sung thêm quy định như: Nếu một năm không hoạt động thì DN sẽ bị chấm dứt quyền kinh doanh. Sau này nếu DN đó có điều kiện thì sẽ vẫn có quyền tiếp tục đăng ký hoạt động kinh doanh.
Và để kiểm soát vấn đề đăng ký cũng như hoạt động thực của DN, cần phải bổ sung và thực hiện nghiêm túc các quy định. Chẳng hạn, phải có các chế tài đối với các DN nợ báo cáo tài chính. Và để làm được điều này, cần phải có sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế nhằm tránh tình trạng cơ quan thuế chỉ định nộp thuế nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh lại không biết DN có hoạt động hay không.
Tôi không đồng tình với một số quan điểm cho rằng thủ tục thành lập DN quá dễ sẽ xảy ra tình trạng DN lợi dụng trốn thuế. Việc DN đăng ký kinh doanh là thật và đó cũng là những công ty thật. Còn vấn đề hoá đơn, chứng từ…trốn thuế lại thuộc về trách nhiệm quản lý. Nếu chúng ta quản lý chặt chẽ thì sẽ tránh được tình trạng trên.
+ Ông có suy nghĩ gì về việc dự thảo Luật DN sửa đổi dành một chương riêng về DNNN, trong đó nêu rõ quy định về hoạt động, trách nhiệm của DNNN cũng như việc tách bạch quyền chủ sở hữu vốn nhà nước và quyền tự chủ kinh doanh của các DN?
Ông Trần Hữu Huỳnh: Tôi cho rằng, luật DN vốn đã quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của DN, giờ thêm một chương sẽ làm phá vỡ tính truyền thống của luật DN trong hai lần sửa đổi trước.
Thêm nữa, nói về vấn đề thành lập, tổ chức và hoạt động của DN thuộc mọi thành phần kinh tế thì đã có những nguyên tắc chung trong luật DN. Còn đối với vấn đề thành lập DNNN thì nên có luật khác đề cập chứ không nên gộp cả trong luật DN được.
DNNN cần phải hoạt động theo những tiêu chuẩn về quản trị đã quy định trong luật DN bởi bản thân luật DN của chúng ta cũng đã tiếp thu rất nhiều tiêu chuẩn quản trị của thế giới, của những nước có hệ thống pháp luật về quản trị doanh nghiệp phát triển.
Do vậy, nếu áp dụng một cách nghiêm túc thì DNNN vẫn hoạt động có hiệu quả được. Không nên đặt ra một chương về DNNN và có những tiêu chuẩn quản trị thấp hơn tiêu chuẩn quản trị trong luật DN đã quy định.
Trường hợp đó là những tiêu chuẩn quản trị cao thì cần xem cao hơn ở điểm nào? Có cần thiết phải cao hơn không? Theo tôi cần thiết phải có các quy định bổ sung nhưng không đưa vào luật DN. Ví dụ quan hệ giữa nhà nước với các tổ chức là đại diện chủ sở hữu của DNNN.
Vấn đề này có thể quy định tại luật về quản lý vốn của nhà nước tại DN. Vì đây là tiền của nhà nước đem đi đầu tư để thành lập DNNN. Vậy thì ai là đại diện chủ sở hữu nhà nước? Ai là người quản lý vốn của nhà nước?. Những vấn đề đó có thể quy định trong luật này.
Về quan hệ giữa cơ quan là đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước với các DNNN thì cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước có thể là Chính phủ, các bộ, hoặc cũng có thể thành lập một tổ chức riêng. Theo tôi nên có một cơ quan bao gồm một hệ thống ở trung ương và địa phương và cơ quan này không làm quản lý nói chung nữa mà chỉ làm nhiệm vụ là quản lý vốn của nhà nước. Hiện nay, các bộ, Chính phủ vừa làm quản lý nhà nước, vừa làm đại diện chủ sở hữu là không minh bạch, không chuyên nghiệp, không rõ ràng.
+ Theo ông, việc sửa đổi luật DN lần này liệu có giúp hạn chế “lợi ích nhóm” trong hoạt động DNNN và loại bỏ “lệ làng” đang tồn tại ở nhiều địa phương?
Ông Trần Hữu Huỳnh: Hiến pháp nói rõ, các chủ thể của các thành phần kinh tế phải bình đẳng. Kinh tế nhà nước là chủ đạo nhưng kinh tế nhà nước không phải là DNNN. Vậy nên khi làm chính sách là phải bảo đảm cho sự bình đẳng đó. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm quy định này của hiến pháp cũng chính là đã góp phần hạn chế được lợi ích nhóm.
Ngoài ra, DNNN chỉ nên kinh doanh những lĩnh vực tư nhân không kinh doanh hoặc chưa thể kinh doanh. Những ngành tư nhân làm được nên để họ làm. Như vậy, số lượng DNNN sẽ giảm. Nếu chúng ta thực hiện một cách minh bạch công khai quản trị DNNN sẽ hạn chế được những tiêu cực nói trên.
+ Trong điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt Việt Nam sắp gia nhập TPP thì việc sửa đổi luật DN có được xem là “cú huých”, thưa ông?
Ông Trần Hữu Huỳnh: Nếu gọi là cú huých thì có vẻ to tát. Đây chỉ là bước tiếp theo cần thiết để cải thiện môi trường pháp luật kinh doanh chứ không phải là một cuộc cách mạng.
+ Xin cám ơn ông!
Quỳnh Anh
Tổ Quốc
|