DN bắt tay tăng giá: Cần sửa Luật cạnh tranh?
Các doanh nghiệp độc quyền bắt tay nhau tăng giá nhưng rất khó để có chứng lý chứng minh hoặc cơ quan quản lý đã điều tra được nhưng không... nói!
Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận liên tiếp chứng kiến hiện tượng các doanh nghiệp lớn đồng loạt tăng giá: 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone tăng cước 3G từ 40-60%, mới đây là việc các hãng sữa Mead Johnson, Vinamilk, Nestle, FrieslandCampina tăng giá sữa từ 10-20% bất chấp sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá.
Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho biết, rất khó để xác minh việc liên kết bắt tay nhau tăng giá của các doanh nghiệp vì Luật cạnh tranh đã ghi rõ, cấm các hành vi liên kết để tăng giá nên không đời nào các doanh nghiệp làm một cách công khai hoặc để người khác tìm ra chứng cứ.
TS Ngô Trí Long phân tích, với các doanh nghiệp mục tiêu đầu tiên là lợi nhuận và doanh nghiệp bám sát thị trường nên chỉ cần động thái tăng giá của doanh nghiệp khác doanh nghiệp này sẽ làm theo luôn. Hoặc chỉ cần liên hệ qua một cuộc điện thoại để đi đến quyết định tăng giá cùng lúc thay vì ngồi lại với nhau, ra văn bản hoặc thống nhất về việc tăng giá.
"Nên nói các doanh nghiệp liên kết bắt tay nhau tăng giá, hành vi này, bản chất là như vậy nhưng để xác minh hay có chứng lý sẽ cực kỳ khó", TS Ngô Trí Long nói.
Ông Ngô Trí Long cho biết, hiện nay, với giá cước 3G thực chất 3 doanh nghiệp lớn nhất là Viettel, Mobifone, Vinaphone chiếm thị phần lớn, theo nguyên tắc là không để cho các doanh nghiệp tự định giá mà phải có cơ quan chức năng quyết định.
Các cơ quan quản lý, Bộ Thông tin truyền thông khẳng định các doanh nghiệp đang bán dưới giá thành, nhưng không bao giờ doanh nghiệp bán lỗ. Bằng chứng là báo cáo tài chính năm cho thấy mức lãi khổng lồ của các doanh nghiệp viễn thông để thấy việc quản lý các doanh nghiệp viễn thông còn hạn chế và nhiều bất cập.
Theo TS Ngô Trí Long, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chi phí, xem giá bán có bất hợp lý hay không, so sánh giá bán trong nước và quốc tế. Nhà nước phải định giá căn cứ chi phí hợp lý, mức lãi hợp lý để ra giá bán lẻ trên cơ sở đó người tiêu dùng mới đảm bảo quyền lợi và không bị thua thiệt.
"Độc quyền thuần túy như điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, nhà nước phải định giá cụ thể còn với những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường tức là có cạnh tranh nhưng vẫn có độc quyền, độc quyền là chủ yếu, cạnh tranh còn yếu, nhà nước phải định giá trần đối với hoạt động bán còn hoạt động mua, nhà nước phải định giá sàn", ông Long nói.
TS Ngô Trí Long đề xuất, trong xu thế chung, nhà nước nên cho các doanh nghiệp nước ngoài vào, thị phần của các doanh nghiệp đang hoạt động trong nước mới thu hẹp lại và hoạt động mới có hiệu quả vì giá thị trường, doanh nghiệp phải giảm chi phí để giá giảm, các doanh nghiệp càng cố gắng giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, người tiêu dùng cũng được hưởng giá cạnh tranh.
Bốn Bộ: Tài chính, Công thương, Y tế, Tư pháp sẽ ngồi lại với nhau để “khám tổng thể” thị trường sữa
|
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, qua cách thức tăng giá, thời điểm, mức độ tăng giá có thể khẳng định có dấu hiệu câu kết của các doanh nghiệp sữa trong thời gian qua, nhưng nếu để xác minh phải vào cuộc và nhà nước đang vào cuộc điều tra.
Trước kết quả điều tra về việc có hay không việc các nhà mạng bắt tay nhau tăng cước 3G sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) kết luận: Chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự câu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp Viettel, Mobifone và Vinaphone trong đợt điều chỉnh giá cước, TS Thành cho rằng, có 2 nguyên nhân do tiến hành điều tra nhưng không điều tra được hoặc điều tra được nhưng không nói hết.
Đồng quan điểm với TS Ngô Trí Long, TS Võ Trí Thành cũng đề xuất phải thay đổi cấu trúc của thị trường để cạnh tranh hơn, cải cách những lĩnh vực đã từng có mức độ độc quyền cao bằng cách tăng thêm cạnh tranh, cho gia nhập thị trường thay vì 2 doanh nghiệp thì thêm 4 doanh nghiệp.
"Thêm nữa, phải giám sát xử lý các hành vi độc quyền, tăng cường tính độc lập của các cơ quan quản lý xử lý. Có thể cần thì sửa đổi Luật cạnh tranh", TS Võ Trí Thành nói.
Tâm An
Báo đất việt
|