Thứ Sáu, 07/03/2014 18:45

Nhà đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh thị trường bán lẻ

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính đến cuối năm 2013 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa của Việt Nam vào khoảng 3,5 tỉ USD. Ngành bán lẻ Việt Nam hấp dẫn đến mức các tập đoàn từ khắp nơi trên thế giới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đến Pháp, Hoa Kỳ đều muốn chia phần.

Từ trung tâm bán lẻ

Ngay trong những ngày đầu tháng 2-2014, Tập đoàn bán lẻ đến từ Hàn Quốc Lotte đã công bố dự án đầu tư một trung tâm thương mại (TTTM) tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) với số vốn 34 triệu USD. Dự kiến Lotte Vũng Tàu sẽ được khởi công vào quý I-2014 và hoạt động vào năm 2015.

Ông Hong Won Sik – TGĐ Lotte Việt Nam cho biết mục tiêu của tập đoàn này là sẽ khai trương 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam từ nay đến năm 2020, trong đó miền Bắc 22 trung tâm, miền Trung 11 trung tâm và miền Nam 27 trung tâm. Doanh số năm 2013 của 4 TTTM Lotte Mart tại thị trường Việt Nam bao gồm 2 ở TP.HCM và 2 ở Đà Nẵng, Hải Phòng là 2.540 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2012.

Vào đầu tháng 1-2014, đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản là AEON cũng khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD và công bố chiến lược đầu tư thêm 20 trung tâm từ nay đến 2020. Đại diện AEON cho biết Việt Nam có hơn 90 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu mua sắm rất cao. Hơn thế, tổng mức bán lẻ hàng hóa hằng năm của Việt Nam đều tăng mạnh, trong khi đó các trung tâm bán lẻ hiện tại chỉ mới chiếm khoảng 20%.

Với tất cả các lý do trên, AEON cho rằng việc đầu tư lĩnh vực bán lẻ vào Việt Nam thời điểm này là hợp lý. Tuy cơ cấu dân số trẻ nhưng mức thu nhập vẫn nằm ở ngưỡng trung bình - thấp, người dân lại chưa có thói quen mua sắm tại các trung tâm thương mại và siêu thị.

Ngoài ra, hiện đã có thông tin chính thức rằng Tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Thái Lan Central Group sẽ khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store ở Hà Nội trong tháng 3 tới. Cuối năm nay, Central Group dự định sẽ mở chuỗi siêu thị thứ hai tại TP.HCM, hai chuỗi siêu thị này cần khoảng 1.000 nhân viên.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, doanh thu bán lẻ TP.HCM trong năm 2013 ước đạt 607.000 tỷ đồng. Loại trừ yếu tố lạm phát, doanh thu bán lẻ tăng khoảng 8,6% so với năm trước. Mức tăng này tương đương với năm 2012 (8,5%) và cao hơn năm 2011 (7,2%) nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với năm 2010 (17,8%) và 2009 (10,8%).

Mức tăng trưởng thấp của doanh thu bán lẻ trong giai đoạn 2011 – 2013 làm chậm mức tăng trưởng của nguồn cung bán lẻ các loại hình trung tâm bách hóa và trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, nguồn cung siêu thị vẫn tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn này. Nhu cầu về mặt bằng bán lẻ cho khối siêu thị sẽ tiếp tục giữ ở mức cao do tình hình hoạt động tốt và ổn định của phân khúc này trong thời gian gần đây.

Đến thức ăn nhanh

Ngày 8-2, Tập đoàn thức ăn nhanh McDonald’s của Hoa Kỳ đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Theo công bố, McDonald’s lên kế hoạch mở ít nhất 100 cửa hàng trong vòng 10 năm tới. Với sự hiện diện của McDonald’s, đến thời điểm này, trong “sân chơi” thức ăn nhanh Việt Nam đã hiện diện hầu như đầy đủ các “đại gia” trên thế giới như: KFC, Lotteria, Burger King, Subway, Jollibee, Pizza Hut, McDonald’s... Trong đó, Lotteria (Hàn Quốc) đang dẫn đầu với hơn 160 cửa hàng, theo sau là KFC (Hoa Kỳ) đã mở 140 cửa hàng, đứng thứ 3 là Jollibee (Philippines) với hơn 30 cửa hàng.

Theo các chuyên gia lĩnh vực bán lẻ, việc các tập đoàn đa quốc gia chuyên về phục vụ thức ăn nhanh mở cửa hàng kinh doanh tại Việt Nam cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam và những cải thiện của môi trường đầu tư nước ta. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì sự hình thành các cửa hàng thức ăn nhanh sẽ tạo ra sân chơi thị trường cung ứng nguyên liệu sản xuất thức ăn nhanh đối với doanh nghiệp trong nước, nhất là một đất nước nông nghiệp với nguồn nguyên liệu dồi dào như Việt Nam.

Tuy nhiên, có thực tế đáng buồn là đa phần nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thức ăn nhanh hiện nay đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Theo tiết lộ của McDonald’s, hiện mới chỉ có hai loại nguyên liệu cà chua và xà lách là được mua từ Đà Lạt, còn 100% thịt bò được nhập khẩu từ Úc trong khi thịt heo và khoai tây đều được nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Vì vậy, các DN nội sản xuất thịt, trứng, rau quả ... cần nhanh chóng tìm cách thâm nhập vào chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các tập đoàn thức ăn nhanh nói trên. Thông qua đầu tư đổi mới trang thiết bị, quy trình sản xuất và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sản phẩm mà các đối tác đưa ra.

Quang Duy

Hải quan

Các tin tức khác

>   Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Hàng Việt Nam xuất sang EU tăng 30-40% (07/03/2014)

>   Bức tranh sáng về xuất khẩu (07/03/2014)

>   Bớt “nhiệm vụ chính trị” cho doanh nghiệp nhà nước? (07/03/2014)

>   Philippines nhập thêm gạo: Gạo Việt có thắng Thái Lan? (07/03/2014)

>   Vinatex sẽ đầu tư 4.000 tỉ đồng cho các dự án (07/03/2014)

>   Bộ TT-TT và Microsoft hợp tác 4 lĩnh vực CNTT (07/03/2014)

>   Hơn 25% DN FDI cung ứng gần 60% sản lượng thức ăn chăn nuôi tại VN (07/03/2014)

>   Bài học từ vụ thắng kiện đòi bồi thường 3,7 tỷ USD (07/03/2014)

>   Năm 2014, Nhật không giảm vốn ODA cho VN (06/03/2014)

>   Doanh nghiệp Đức tìm cơ hội hợp tác kinh doanh với Việt Nam (06/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật