Bức tranh sáng về xuất khẩu
Thương mại hồi phục sau thời kỳ tạm lắng. Kỳ vọng tăng trưởng đạt mức hai con số trong năm 2014 với hàng may mặc và giày dép dẫn đầu.
Theo giới quan sát kinh tế nước ngoài, chỉ cần một vài chỉ số có thể vẽ nên một bức tranh kinh tế rõ ràng. Lấy ví dụ về tỷ lệ nợ xấu. Tỷ lệ này ở Việt Nam đã giảm từ mức 4,6 trong tháng 9/2013 xuống còn 3,6 trong tháng 2/2014. Đây được xem là một tin tích cực đối với những nguy cơ rủi ro mà hệ thống tài chính đang phải đối mặt. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng bình luận rằng, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có thể tăng 9% - 11% nếu việc phân loại nợ cho các khoản vay không được tính đến theo Quyết định 780/QĐ-NHNN, có hiệu lực vào tháng 4/2012.
Mặt hàng cà phê xuất khẩu đang đà phục hồi
|
Quyết định 780 nêu rõ: Các ngân hàng nội và ngoại không cần phải phân loại các khoản vay là nợ xấu nếu như đã điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ để giúp người vay có khả năng tất toán. Trong khi đó, Thông tư 02 lại yêu cầu phân loại nghiêm ngặt các khoản nợ xấu và dự kiến sẽ đưa vào áp dụng trong tháng 6/2014 sau 1 năm trì hoãn. Nhưng đang có những kỳ vọng sửa đổi thông tư này nhằm nới lỏng việc phân loại các khoản nợ xấu.
Đa số dự đoán đều tích cực rằng, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ và hưởng các mức thuế suất thấp hơn cho các mặt hàng sản xuất từ trong nước. Xét về GDP bình quân đầu người, Việt Nam là nền kinh tế nghèo nhất trong 12 quốc gia tham gia đàm phán. Nhưng những tham vọng của Việt Nam đối với hiệp định này rất rõ ràng - đó là đem lại càng nhiều công việc ổn định cho lực lượng lao động và tăng cường tiếp cận các thị trường, đồng thời thúc đẩy lĩnh vực sản xuất tiến lên phía trước.
Trong khi chờ động thái mới trong các phiên đàm phàn tiếp theo của TPP, thì giới doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục “chạy nước rút”. Hai tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 21,06 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ, mặc dù nhu cầu ở Trung Quốc giảm sút và khí hậu lạnh bất thường ở Mỹ đã kéo nhu cầu tiêu dùng đi xuống. Đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam chính sẽ đến từ châu Âu và Mỹ.
Tăng trưởng xuất khẩu lại cho thấy nhu cầu nước ngoài về hàng hóa “made in Vietnam” tiếp tục mạnh. Xuất khẩu hàng điện tử giảm do mặt bằng giá cả không thuận lợi, song mặt hàng dệt và may mặc lại đang tăng lên. Chắc chắn tăng trưởng xuất khẩu sẽ tốt hơn khi hàng nông sản (đặc biệt là cà phê) phục hồi, cũng như nhu cầu đầu tư vào sản xuất dệt may của các nước phương Tây đang ngày càng sáng sủa.
Nhập khẩu đầu vào tăng mạnh trong năm 2014, nếu so sánh với 2 năm trước (xem biểu đồ). Nhập khẩu vải bông, nguyên vật liệu ngành may, phụ kiện quần áo, phụ tùng máy móc và linh kiện cũng theo đà tiến nhanh. Nếu nhu cầu nước ngoài chậm lại, việc tăng trưởng nhập khẩu đầu vào cùng đơn hàng nhiều hơn hàng tồn kho cho thấy, sản lượng có thêm định hướng sáng trong tương lai. Thêm vào đó, dòng vốn FDI giải ngân vẫn tiến đều sẽ cân bằng những yếu kém từ nhu cầu nước ngoài.
Lý Hoài
công thương
|