10 năm, 83 doanh nghiệp phá sản đúng quy trình
Dẫn ra ví dụ chỉ có 83 doanh nghiệp phá sản trong 10 năm thực thi Luật Phá sản, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng nói: “Phải làm sao tạo điều kiện ân xá cho doanh nghiệp được chết, chứ nhiều khi người ta chết lâm sàng rồi mà vẫn bị lôi lên sống lại!”.
Ngày 5/3, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành phiên họp lấy ý kiến cho sửa đổi Luật Phá sản. Xem ra, việc sửa đổi này vẫn còn khá nhiều bế tắc khi đụng đâu cũng thấy có vướng mắc, và cứ đà này thì Luật Phá sản dễ bị phá sản bởi khi ban hành, mỗi năm cũng chỉ có thể mở đường phá sản cho rất ít doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến tại phiên họp này đều chỉ ra rằng nhiều năm qua, các cơ quan có liên quan thường cãi nhau tưng bừng mỗi khi bàn về điều kiện phá sản của doanh nghiệp, nhưng càng cãi, càng thấy không rõ muốn phá sản thì doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện thế nào.
Luật sư Dương Anh Đức nói: “Ngay cả bây giờ chúng ta sửa đổi Luật Phá sản mà cứ như thế này, thì cũng không giúp doanh nghiệp phá sản được. Luật này nếu có được ban hành thì một năm cũng chỉ giúp một doanh nghiệp phá sản thôi”.
Theo ông Đức, phải đẩy sớm thời điểm tuyên bố phá sản chứ không để doanh nghiệp chết quá nhiều năm mà không tuyên bố phá sản. Về điều kiện có thể phá sản, tóm lại là chỉ cần mất khả năng thanh toán là phá sản.
“Môi trường kinh doanh đầy bất cập như hiện nay, sổ sách thì tù mù, nợ nần lẫn nhau như cài răng lược, thì rất khó tuyên bố phá sản. Tôi ủng hộ sửa đổi luật nhưng phải làm thế nào để tìm ra cơ chế hỗ trợ hết cỡ, để vừa mở rộng khuyến khích thành lập doanh nghiệp, vừa phải khuyến khích cho nó phá sản một cách lành mạnh, đúng quy trình”, ông nói.
Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn quan tâm đến việc xã hội hóa hỗ trợ hoạt động phá sản. Ông nhấn mạnh đến việc “phải ban hành luật để đi vào thực tiễn không thể vướng như trước đây khiến doanh nghiệp không phá sản được thì rõ ràng luật đã bị phá sản trước khi ban hành rồi”.
Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, ông Bùi Văn Mai băn khoăn về điều kiện trở thành quản tài viên (chức danh quản lý tài sản phá sản) quy định theo dự thảo Luật Phá sản sửa đổi là chưa đồng nhất. Theo ông Mai, đây được coi là nghề mới, nhưng không khuyến khích phát triển nên không cần “đẻ” ra một bộ máy để quản lý hay tổ chức thi cử để có quản tài viên, chỉ cần kiểm toán, luật sư để làm quản tài viên là được.
Đoàn Trần
vneconomy
|