Giá sữa, cổ phiếu ngành sữa và chiếc ví người tiêu dùng
Cổ phiếu ngành sữa lâu nay luôn tăng trưởng nóng, kể cả khi thị trường chứng khoán ảm đạm. Giá sữa tăng liên tục bất chấp cảnh báo của cơ quan quản lý và sự bất bình của người tiêu dùng. Chỉ có ví tiền của người tiêu thụ sữa là khổ...
Tăng trưởng 20%!
Theo dữ liệu đo lường bán lẻ của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen về ngành hàng tiêu dùng nhanh năm 2012, nhóm hàng sữa đóng góp 13% trong tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh. Đặc biệt, nhóm hàng sữa có tốc độ tăng trưởng về giá trị cao nhất - tăng trưởng khoảng 20% về giá trị so với năm 2011 trong khi tốc độ trung bình của hàng tiêu dùng nhanh là 16%.
Tiêu thụ các sản phẩm sữa dạng nước trên đầu người của người Việt ở mức 15 lít/năm, so với Thái Lan là 34 lít/năm, 25 lít/năm ở Trung Quốc hay 112 lít/năm ở Anh, tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực này còn rất lớn.
Theo thông tin được công bố tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam” được tổ chức hồi tháng 11 năm ngoái tại Hà Nội, thị trường sữa nước Việt Nam ước đạt 670 nghìn tấn, tương đương 18 nghìn tỷ đồng vào năm 2013, dự tính sẽ đạt hơn 1.000 tấn, tương đương 34 nghìn tỷ vào năm 2017.
Thị trường sữa chua (sữa chua ăn, sữa chua uống) đạt xấp xỉ 245 nghìn tấn, tương đương 10,5 nghìn tỷ đồng năm 2013; ước đạt 500 nghìn tấn, tương đương 27 nghìn tỷ vào năm 2017. Thị trường sữa bột đạt 70 nghìn tấn, tương đương 28 nghìn tỷ vào năm 2013; ước đạt 90 nghìn tấn, tương đương 48 nghìn tỷ vào năm 2017.
Với những dự báo khả quan này, hàng loạt doanh nghiệp sữa đã đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Bật hết công suất”!
Đón được “cầu” lớn nên ngành sữa liên tiếp mở rộng quy mô. Đơn cử, tháng 6/2013, Nhà máy sữa bột NutiFood được khởi công xây dựng với tổng công suất 50.000 tấn sữa bột/năm, được nói rằng sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng sữa đạt chuẩn quốc tế cho khoảng 600.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm, từ đầu năm 2014.
Trong khi đó, năm 2014, TH true milk dự kiến sẽ đưa vào vận hành toàn bộ “siêu nhà máy” Mega Plant, với tổng công suất dự kiến 1.700 tấn/ngày (tương đương 500 triệu lít/năm) để thực hiện mục tiêu đạt doanh thu năm 2015 là 15.000 tỉ đồng, năm 2017 là 23.000 tỉ đồng.
“Đại gia” Vinamilk - doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn nhất trong ngành sữa trong nước cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường. Sau khi đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước hiện đại tại Bình Dương, Vinamilk tiếp tục tăng vốn đầu tư từ 121 triệu NZD (tiền New Zealand) lên gần 148 triệu NZD để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 19,33% vốn tại Nhà máy sữa Miraka ở New Zealand.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng nhận được giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho khoản góp vốn trị giá 7 triệu USD vào Công ty Driftwood tại Mỹ, tương đương 70% vốn chủ sở hữu tại công ty sữa này. Năm 2014, Vinamilk dự kiến sẽ mở thêm một nhà máy ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), chuyên sản xuất sữa đặc, sữa chua, sữa tiệt trùng. Với chiến lược mở rộng kinh doanh toàn cầu, Vinamilk kỳ vọng đạt doanh thu 3 tỉ USD vào năm 2017.
Mặc dù các dự án chế biến sữa đang nở rộ như vậy nhưng đàn bò sữa trong nước mới đáp ứng nhu cầu khoảng 28% thị trường. Năm 2013, vẫn phải nhập gần 841 triệu USD sữa và sản phẩm sữa cho nhu cầu tiêu dùng.
Nhờ đó, cổ phiếu ngành sữa lâu nay luôn tăng trưởng nóng, kể cả khi thị trường chứng khoán ảm đạm. Báo cáo triển vọng 2014 của Công ty Chứng khoán Vietcombank cho thấy: “Nhu cầu tiêu thụ không giảm mặc dù giá sữa tăng cao. Theo Bộ Công Thương, chỉ số tiêu thụ của ngành 10T2013 tăng khá, đạt 10,4%. Tỷ lệ sữa nguyên liệu nhập khẩu vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu. Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 11T2013, tổng giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam là 994 triệu USD, (+29,5%).
Ngoài ra, tình hình giá sữa tiếp tục tăng cao mặc dù nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định. Theo Tổng cục Hải quan, giá nhiều loại sữa ngoại bán trên thị trường như Nestle, Gallia, Enfa, Abbott... đều cao gấp 5 - 6 lần so với giá nhập khẩu. Đồng thời chi phí sữa bột nhập khẩu gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp sữa trong nước cũng tăng giá, trung bình từ 10% đến 15% để chuyển gánh nặng chi phí đầu vào tăng cho người tiêu dùng”.
Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cũng vừa công bố báo cáo chiến lược năm 2014, qua đó chỉ ra một số cổ phiếu “hot”, được dự báo sẽ thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trong năm 2014, trong đó có nổi lên là các “cổ phiếu sữa” Việt Nam. Báo cáo chỉ ra rằng nhu cầu sữa tính trên đầu nguời của Việt Nam được dự báo tăng truởng 6% về lượng và 13% về giá trị trong 5 năm tới.
Rõ ràng, giá sữa tăng đang làm "ấm" cổ phiếu ngành sữa, các ông bố bà mẹ dù xót ruột vẫn phải móc ví trả tiền sữa cho con. Tình cảnh này, chỉ chiếc ví của người tiêu thụ sữa là thiệt!
Mai Hoa
pháp luật việt nam
|