FTA Việt Nam – EU: Thách thức nằm ở một loạt rào cản phi thuế
Những rào cản phi thuế có thể sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Châu Âu (EU), khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) có hiệu lực.
Nếu không chuẩn bị tốt để vượt qua những rào cản phi thuế từ thị trường EU, doanh nghiệp khó có thể tận dụng được cơ hội từ FTA Việt Nam - EU. Ảnh: TC.
|
Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo trên tại cuộc hội thảo “Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của EVFTA vừa được Trung tâm WTO TP.HCM phối hợp cùng Dự án hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của Châu Âu (Mutrap) tổ chức tại TP.HCM hôm 5- 3 – 2014.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu Hiệp định FTA Vietnam – EU có hiệu lực, hơn 90% sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, nếu ngành gỗ trong nước không vượt qua được các rào cản phi thuế, sẽ khó tận dụng được cơ hội từ thị trường EU.
Hiện nay, khoảng 80% nguyên liệu gỗ sử dụng trong ngành chế biến gỗ là nhập khẩu. Hơn nữa, các tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Lâm sản (FSC), Thỏa thuận Đối tác Tự nguyện (VPA), Đảm bảo thực thi Luật Lâm sản, Quản trị và Thương mại (FLEGT) nằm trong số những tiêu chuẩn bắt buộc khắt khe nhất. Mặc dù các tiêu chuẩn này hướng tới những mục tiêu bền vững nhưng chi phí tuân thủ những tiêu chuẩn này là rất cao.
Thêm vào đó, ngành gỗ rất khó đáp ứng các mức độ yêu cầu cao của người tiêu dùng EU cũng như các quy tắc xuất xứ (do EU nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô) và Quy định của EU về đăng ký, đánh giá, chứng nhận và hạn chế hóa chất (REACH).
Tương tự, ngành thủ công mỹ nghệ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lực trong nước (mây, tre, gỗ, gốm), trong khi gần đây, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu tre từ Trung Quốc và một khối lượng lớn mây từ Lào, Campuchia. Để tiếp cận thị trường EU, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải xử lý các yêu cầu nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn (như tiêu chuẩn REACH và các quy định về các chất nguy hiểm trong sản phẩm và các yêu cầu về bao bì) và các tiêu chuẩn tự nguyện như Sáng kiến Kinh doanh phù hợp yêu cầu của xã hội (BSCI), Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp (CSR) (SA 8000), bảo vệ người lao động, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, bảo tồn rừng bền vững.
Các chuyên gia của Mutrap cũng cho rằng, ở ngành dệt may triển vọng xuất khẩu vào EU cũng khá lạc quan, tuy nhiên nếu doanh nghiệp không vượt qua được các thách thức liên quan tới CSR và quyền lợi của người lao động sẽ khó lòng tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
Ở nhóm các sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU, bà Đỗ Liên Hương, chuyên gia của Mutrap, cho biết các biện pháp phi thuế (NTM) có ý nghĩa quan trọng trong khu vực nông nghiệp. NTM bao gồm các yêu cầu về vệ sinh, kiểm dịch (SPS), đóng gói, bao gì, khả năng truy soát nguồn gốc và thủ tục hải quan nghiêm ngặt. Tiêu chuẩn do Liên minh Châu Âu áp đặt được xếp vào hàng các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới và khó đạt được nhất.
Trần Sơn
thời báo kinh tế sài gòn
|