Thứ Ba, 04/03/2014 22:58

Tiêu thụ xi măng tăng, thép vẫn rất khó

Tiêu thụ xi măng cả nước hai tháng đầu năm 2014 đạt 8,4 triệu tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, sản xuất thép vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Theo một báo cáo về tình hình sản xuất ngành xi măng được Bộ Xây dựng gửi Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (4-3), trong hai tháng đầu năm lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt gần 5,3 triệu tấn và xuất khẩu được khoảng 3,1 triệu tấn.

Bộ Xây dựng cho biết trong tháng 2-2014, giá xi măng đã giảm khoảng 30.000-50.000 đồng/tấn. Hiện nay tổng lượng xi măng tồn kho là khoảng 2,6 triệu tấn, trong đó xi măng tồn 600.000 tấn và clinke tồn hơn 2 triệu tấn, nhưng đây là mức tồn kho bình thường, không quá lo ngại.

Trong năm 2013 tổng tiêu thụ toàn ngành xi măng đạt gần 61 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 46 triệu tấn và xuất khẩu được khoảng 15 triệu tấn. Dự báo lượng xi măng tiêu thụ năm 2014 đạt 62–63 triệu tấn, tăng 1,5-3% so với năm 2013.

Bộ Xây dựng cho biết đang tiếp tục rà soát các dự án xi măng được đầu tư giai đoạn 2014 - 2015 theo quy hoạch phát triển xi măng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng, giãn và hoãn tiến độ một số dự án không đủ điều kiện đầu tư.

Trong khi sản xuất và tiêu thụ xi măng hai tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu khả quan thì ngành sản xuất sắt thép vẫn khó, lượng sản xuất sắt thép thô, thép thanh, thép góc đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo Bộ Công Thương, tính chung hai tháng đầu năm lượng sắt thép thô sản xuất chỉ đạt 283.000 tấn, giảm 26,5% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc sản xuất hai tháng đạt 430.000 tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ. Chỉ có sản phẩm thép cán hai thanh đạt 482.000 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ.

Về giá bán thép, Bộ Công Thương cho biết do nguồn cung trong nước vẫn hơn nhu cầu rất nhiều nên hầu hết các nhà sản xuất thép giữ giá bán trên thị trường. Thép cây được bán phổ biến ở mức 12,4-13,7 triệu đồng/tấn, thép cuộn 12,4-13,4 triệu đồng/tấn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tiêu thụ thép xây dựng cả nước năm 2013 đạt gần 5 triệu tấn, giảm khoảng 500.000 tấn so với lượng tiêu thụ 5,5 triệu tấn trong năm 2012.

Do nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến, công suất sản xuất thép vẫn dư thừa, cạnh tranh giữa các công ty trong nước vẫn diễn ra khốc liệt và hệ quả ắt sẽ có thêm công ty ngừng sản xuất do không thể cạnh tranh với các công ty có năng suất cao và giá thành hạ.

Những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều thép như đóng tàu, chế tạo ô tô, cơ khí, xây dựng chưa thể khởi sắc trong năm 2014 nên dự báo tổng tiêu thụ thép trong năm tới chỉ đạt 12,2-12,5 triệu tấn, chỉ tăng 3-5% so với năm 2013.

Liên quan đến việc quản lý hoạt động đầu tư ngành thép, ngày 25-1-2014 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư số 03/2014/TT-BCT quy định về công nghệ, thiết bị sản xuất gang thép. Trong đó, nêu rõ quy định về thẩm định và quản lý các dự án gang, thép, khắc phục tình trạng đầu tư dự án thép nhỏ lẻ, sử dụng thiết bị lạc hậu.

Văn Nam

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Nhập khẩu thép vẫn tăng dù tiêu thụ nội địa khó khăn (04/03/2014)

>   Cung thép vẫn vượt cầu, hàng tồn kho tăng hai tháng đầu năm (03/03/2014)

>   Bài học “chết lâm sàng” từ ngành Thép (24/02/2014)

>   Tata bỏ đi và nỗi buồn ngành thép (16/02/2014)

>   Dự án thép 5 tỷ USD thành “bánh vẽ”? (14/02/2014)

>   Nhiều doanh nghiệp thép gặp khó khăn tháng đầu năm (12/02/2014)

>   Thép áp dụng quy chuẩn khó bán (12/02/2014)

>   Bộ Công Thương nâng điều kiện cấp phép cho dự án thép (10/02/2014)

>   Thép Việt dễ gãy (09/02/2014)

>   Những biến động lớn của ngành titan Việt Nam trong năm 2013 (29/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật