Bộ Công Thương nâng điều kiện cấp phép cho dự án thép
Theo một thông tư mới ban hành của Bộ Công Thương, từ ngày 1-6-2014, các dự án đầu tư vào ngành thép phải đáp ứng một số điều kiện cao hơn thì mới được xem xét cấp giấy phép.
Thông tư số 03/2014 Quy định về công nghệ, thiết bị sản xuất gang thép do Bộ Công Thương ban hành đưa ra một số thay đổi về quy mô lò luyện, suất tiêu hao năng lượng, quy mô công suất v.v... áp dụng cho các dự án thép đăng ký sau ngày 1-6-2014.
Cụ thể, quy mô lò cao của các khu liên hợp thép ở Việt Nam nay mới đạt 500 m3 nhưng theo quy định mới, để được cấp phép, các nhà đầu tư phải đầu tư xây dựng lò cao từ 700 m3 đến 1.000 m3. Đối với các cơ sở luyện gang lò cao, dung tích lò tại các khu vực ven biển phải đạt 1.000 m3 trở lên, các khu vực còn lại phải đạt dung tích 700 m3 trở lên.
Suất tiêu hao năng lượng phải đạt dưới 14.000 MJ/tấn gang, suất tiêu hao than cốc dưới 450 kg/tấn gang mới đáp ứng yêu cầu.
Các cơ sở cán nóng thép dẹt phải có công suất chuyền cán lớn hơn 1 triệu tấn/năm; dây chuyền cán nguội thép dẹt phải có công suất trên 500.000 tấn/năm; công suất dây chuyền cán thép dài cũng phải đạt 500.000 tấn/năm… mới được cấp phép
Ngoài ra, Bộ yêu cầu chủ đầu tư lập dự án phải thuyết minh công nghệ, thiết bị của dự án trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Và ba tháng trước khi vận hành, nhà máy phải được Bộ Công thương và Sở Công Thương địa phương kiểm tra xem có đúng những gì đã được cấp phép không.
Theo chuyên gia ngành thép Phạm Chí Cường, quy định mới trong thực tế không phải nhằm dựng lên rào cản đối với các doanh nghiệp đầu tư vào ngành thép mà chỉ là những quy định nhằm chuẩn hóa công nghệ và thiết bị ngành thép đáp ứng nhu cầu của giai đoạn mới. Giai đoạn này doanh nghiệp sẽ hướng đến công nghệ và thiết bị từ châu Âu nhiều hơn từ Trung Quốc.
Lò cao dung tích lớn nhất trong ngành thép hiện nay thuộc về Tập đoàn Hòa Phát và Tổng công ty Thép Việt Nam với dung tích 500 m3. Tuy nhiên, dù Bộ Công thương có đề ra quy định này hay không thì các doanh nghiệp đầu tư mới vào ngành thép, nếu có, đều phải cân nhắc rất kỹ quy mô, công nghệ bởi lẽ, với sự cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, các doanh nghiệp quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn sẽ không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn nên đầu tư cũng không thể đứng được.
Ngành thép hiện nay có hơn 400 doanh nghiệp các loại song chỉ có hơn 20% trong số này sử dụng công nghệ tiên tiến và quy mô lớn.
Một số doanh nghiệp lớn trong nước hiện đã tính toán đầu tư đến lò cao dung tích 1.000 m3 song vào thời điểm đầu ra sản phẩm khó khăn, các dự án này chưa thành hiện thực.
Lan Nhi
TBKTSG
|