Lần đầu tiên Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ
Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời với nhiều mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu tư Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan. Việc áp thuế chống bán phá giá này bắt đầu từ ngày 25-1-2014.
Theo quyết định ban hành ngày 25-12, việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá sẽ thực hiện đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc tấm độ dày nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 mm có mã HS gồm: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90 nhập khẩu vào Việt Nam từ 4 nước nói trên.
Hiện các mặt hàng thép nói trên có mức thuế nhập khẩu vào Việt Nam từ 0-10%. Trong đó, mức thuế suất 0% được áp dụng cho thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ một số nước, như Trung Quốc và các nước ASEAN, theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam có tham gia.
Quyết định vừa được Bộ Công Thương ban hành sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký; nghĩa là việc áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ này sẽ bắt đầu vào khoảng ngày 25-1-2014.
Theo Bộ Công Thương, trình tự thủ tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời được thực hiện theo pháp luật về chống bán phá giá Việt Nam.
Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương đã có kết luận sơ bộ về vụ kiện chống bán phá giá thép không gỉ, cho rằng “có hiện tượng bán phá giá vào Việt Nam từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc diện điều tra, đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương đưa ra mức thuế tạm áp trong 120 ngày.
Theo kết quả điều tra sơ bộ của Cục quản lý cạnh tranh, thép nhập khẩu từ các nước trên có hiện tượng bán phá giá khiến ngành thép trong nước chịu thiệt hại đáng kể.
Trước đó, qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Đinh Huy Tam, một chuyên gia ngành thép (ông Tam nguyên là Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam) cho biết hiện trong nước có hai nhà sản xuất thép không gỉ lớn là Posco VST và Thép Hòa Bình, hai doanh nghiệp này chiếm 80% thị phần trong nước. Ngoài ra còn có một vài doanh nghiệp nhỏ khác. Theo ông Tam, thời gian qua thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng khiến một số doanh nghiệp sản xuất trong nước thiệt hại, thua lỗ.
"Đối với ngành thép Việt Nam thì đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép để bảo vệ nhà sản xuất trong nước bởi lâu nay doanh nghiệp trong nước luôn là bên bị kiện. Tôi nghĩ đây là bước đi tích cực cho cả nhà sản xuất thép trong nước lẫn cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam", ông Tam bình luận.
Mức thuế và tên công ty của 4 nước bị áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội theo kiến nghị của Cục Quản lý Cạnh tranh mới đây:
Văn Nam
tbktsg
|